Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cả nước có 5 thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn, cũng môn tự luận duy nhất. Trong số này, Thừa Thiên Huế có 3 thí sinh đạt điểm 10, chủ nhân của hai điểm 10 còn lại là thí sinh của Nam Định và Quảng Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thi cử, để đạt điểm 10 là vô cùng khó, dù là hình thức trắc nghiệm hay tự luận. Nhắc đến điểm 10, người ta thường nghĩ đến sự hoàn hảo, đầy đủ, toàn diện cả về nội dung kiến thức đến hình thức trình bày. Với môn Ngữ Văn, để Hội đồng giám khảo cho 10 điểm là một sự dũng cảm.
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. |
Chung quan điểm này, một giáo viên bậc THPT tại Thanh Hoá cho biết: Nếu đã mạnh dạn chấm 10 điểm thì cũng nên mạnh dạn công bố. Công bố ở đây không chỉ để mọi người được đọc và được quyền thưởng thức, bình phẩm, mà còn để minh bạch hóa cao nhất khâu chấm thi và năng lực chấm thi của cán bộ chấm thi. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét, công bố cả các bài thi đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia để giáo viên và học sinh cả nước tham khảo, học hỏi.
Bên cạnh ý kiến đề xuất công bố những bài thi Ngữ văn đạt điểm 10 thì cũng có một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc. “Ngày xưa thì không sao, nhưng mà bây giờ nếu công bố thì cộng đồng mạng trên cả nước sẽ làm giám khảo online, lúc đó nhiều khả năng cả học sinh và giáo viên chấm thi sẽ “hứng” đủ các loại ý kiến khen chê trái chiều. Hãy để các em tự tin bước vào ngưỡng cửa đại học”, một giáo viên chia sẻ.
Giảng viên một trường đại học tại Hà Nội cũng cho rằng, bài thi của học sinh thuộc về bản quyền của học sinh và đã được hội đồng chấm đánh giá nên nếu công khai phải được sự đồng ý của học sinh. Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội hiện nay không phải đăng lên cái gì cũng tốt cho học sinh. Trong trường hợp đăng lên mà phản tác dụng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, vì vậy nên cân nhắc.
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân