Sáng 15/11, bàn về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Quốc hội, đã có nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu về việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Báo cáo trước Quốc hội, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay (Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện), làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật.
Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh Ngọc Thắng |
Về việc này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến tán thành Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay (Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện), làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật.
Tuy vậy, ý kiến thứ hai không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Về phía Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công /ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Tại phiên thảo luận tổ về luật này, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho hay, tình hình thực tiễn hiện nay đòi nợ thuê đang ẩn đằng sau những hình thức trên, việc này cũng chẳng cần công ty, làm theo kiểu “xã hội đen”, rất không lành mạnh, để lại hậu quả xã hội lớn.
“Nếu các loại hình kinh doanh này (Cầm đồ, đòi nợ - PV) hậu quả nhiều hơn hiệu quả thì nên cấm. Kinh doanh đòi nợ, tôi thấy cấm là có lý, các doanh nghiệp vay ngân hàng còn đang làm ăn chưa hiệu quả, khó khăn, kinh doanh đòi nợ cấm là đúng”, ĐB Phương nêu quan điểm.
Cũng theo ông Phương, đối với hình thức cho vay tài chính, cầm đồ phải đánh giá kỹ trong kinh doanh có điều kiện. Nếu cần, phải siết chặt hơn nữa, đề phòng cả lợi ích nhóm, câu kết trong lĩnh vực này.
Tại phần thảo luận tổ, đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Ảnh Ngọc Thắng |
Còn ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) thì lại cho rằng, rất khó để cấm loại hình kinh doanh này, nếu cho kinh doanh thậm chí sẽ giúp phần giảm bớt tệ nạn ngoài xã hội từ những nhóm xã hội đen, tổ chức tự phát.
“Nên mở hành lang pháp lý. Ai đứng ra làm được thì ủng hộ, bên chủ nợ phải có phần tỉ lệ nhất định để trả thù lao đi đòi chẳng hạn. Nhưng anh phải làm theo đúng pháp luật. Phải tìm hiểu, hòa giải, động tác giống như tương tác, trao đổi chứ không phải dùng hành vi trái pháp luật.
Bây giờ dùng hành vi trái pháp luật nhiều quá, theo tôi nên mở đường. Cấm thì không nên, mà cái gì cấm thì phát triển rất mạnh, nên tôi đề nghị không cấm”, ĐB Kim nêu quan điểm.
Đồng tình quan điểm không nên cấm, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, đây là nhu cầu của xã hội, cấm thì sẽ biến tướng. Tín dụng đen bị cấm thì chuyển sang hoạt động trên mạng, đòi nợ thuê cũng thế, nên quan tâm xây dựng pháp luật đủ để quản lý chứ không nên cấm, ông Nhường nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nêu quan điểm tại phần thảo luận tổ, ông cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Ví dụ tín dụng đen, qua các tổ chức đòi nợ thuê, đứng sau là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự.
Và ông cho rằng, cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý.
Tác giả: Công Luân - Hoa Liên
Nguồn tin: Báo Người đưa tin