Trường đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM. WEBSITE NHÀ TRƯỜNG |
Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh bằng thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh của ông Trần Quang Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit) thuộc chương trình liên kết giữa Trường ĐH chuyên ngành Nam California - Mỹ) với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện trong 3 năm, từ năm 2000 - 2003.
Trên Báo Thanh Niên ra ngày 24.8, ông Trần Quang Nam cho biết ông theo học thạc sĩ chương trình này năm 2000. Theo quy định của luật Giáo dục ĐH năm 2012 và điều lệ trường ĐH năm 2014, hiệu trưởng trường ĐH có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài phải được cơ quan chức năng của Bộ GD-ĐT công nhận. Vì thế năm 2015, khi ông Nam được bầu làm hiệu trưởng của Trường Huflit thì đầu năm 2016 HĐQT trường này gửi Bộ GD-ĐT văn bản đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp cho ông Nam. Tuy nhiên, theo ông Nam, dù đã có 2 lần đề nghị nhưng đến nay Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cũng chưa có văn bản công nhận.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết vì chương trình liên kết giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH chuyên ngành Nam California chỉ được thử nghiệm trong 3 khóa, về mặt đảm bảo chất lượng, khó công nhận văn bằng này.
Lập luận này gây nhiều ý kiến trái chiều với những nhà chuyên môn.
Theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội ĐH, CĐ VN, về chất lượng, nếu xét hiện tại thì rất khó để công nhận nhưng xét về pháp lý thì không thể hồi tố vì lúc đó Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo chương trình này. Đáng lý ra, khi Bộ dừng chương trình phải có giải pháp cho người học. Đó là thi lại hoặc học qua chương trình khác để công nhận tương đương. “Hiện nay cần có quyết định rõ về điều này để những người đã học biết cách giải quyết, chứ vài bữa lại có một trường hợp như vậy thì không ổn”, bà Phương Anh cho biết.
Theo tiến sĩ Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục, đây là vấn đề do lịch sử để lại. Nếu so với luật hiện tại, với nhận thức đảm bảo chất lượng hiện tại, chương trình thạc sĩ của Trường ĐH Nam California có vấn đề nên rất khó để công nhận bằng cấp này trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp: “Thời điểm năm 2000 - 2003 rất mông lung. Đến năm 2003 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT mới ra đời. Năm 2007, khi gia nhập WTO, VN mới ký kết Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ, trong đó có giáo dục xuyên biên giới. Đến năm 2013, VN mới có văn bản đầu tiên về liên kết quốc tế. Vì vậy, có lẽ phải chấp nhận một số vấn đề lịch sử để lại. Đây là bài học đau thương chúng ta phải chấp nhận. Những vấn đề như chuyện này, nếu chúng ta chọn lựa giữa thượng tôn pháp luật và đảm bảo chất lượng, có lẽ phải ưu tiên lựa chọn thượng tôn pháp luật, chấp nhận điều đã thực hiện”.
Ông Hiệp đề nghị về lâu dài, Bộ GD-ĐT cần phải có quy định rõ ràng. Ở thời gian nào, chương trình, bằng cấp được chấp nhận; ở thời gian nào thì không. Điều này sẽ giúp những người đã theo học và lấy bằng ở thời điểm trước đây dễ dàng xác định pháp lý về bằng cấp của mình.
Còn theo luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM, xét về pháp lý, nếu như thời điểm các học viên học từ năm 2000 - 2003 không có văn bản nào của Bộ GD-ĐT hay cơ quan bên trên Bộ bác bỏ việc học chương trình thì phải công nhận việc học và bằng cấp này. Đó là pháp luật và phải tuân thủ.
Tác giả: Đăng Nguyên
Nguồn tin: Báo Thanh Niên