Trong tỉnh

Chuyện kể ở nhà lưu niệm nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai

Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật của nữ chiến sỹ cộng sản kiên cường. Gần 8 năm qua, nơi đây đã đón tiếp, truyền tải thông tin về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Thị Minh Khai cho hàng chục nghìn người khắp mọi miền đất nước.

Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai tọa lạc tại đường Quang Trung, TP Vinh

“Chúng tôi được chị chọn”

Hai thuyết minh viên làm việc tại Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai (đường Quang Trung, phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An), Nguyễn Thị Thu Hằng và Trần Thị Thu Hằng cùng tốt nghiệp cử nhân khoa Lịch sử (Đại học Vinh), cùng dự tuyển vào Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và tình cờ được sắp xếp công tác cùng một địa điểm vào đầu năm 2013.

“Đối với chúng tôi, đây là cơ duyên, có lẽ được chị chọn? Thời gian đầu trong không gian yên tĩnh, đối lập với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp nơi phố thị, nhiều lúc bản thân cũng thấy buồn, nhất là vào những dịp cuối tuần, lễ tết vì hai người luân phiên trực tất cả các ngày trong năm, nhưng giờ nơi đây như là gia đình của chúng tôi. Trong thâm tâm, chúng tôi thấy nhà lưu niệm có ba thành viên, nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai là mẹ, là chị trong mái ấm này”, Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ.

Theo hai thuyết minh viên cho biết, cả hai đam mê môn Lịch sử và cùng theo học chuyên ngành Lịch sử nên tên tuổi Nguyễn Thị Minh Khai trở nên thân thuộc và gần gũi khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng thực tế công việc lại khiến họ lo lắng, bởi đó là nghề “thổi hồn” vào những hiện vật, thuyết minh hướng dẫn cho khách thập phương về thân thế, cuộc đời một nữ anh hùng dân tộc.

Trần Thị Thu Hằng cho biết: “Những mẩu truyện ký, tác phẩm điện ảnh, kịch nói, ấn phẩm văn học được chúng tôi tìm tòi sưu tập hay những câu chuyện từ người thân của chị Nguyễn Thị Minh Khai kể lại làm chúng tôi thêm hiểu và cảm phục vô cùng về nữ anh hùng. Một lần, tôi đọc tác phẩm “Chị Minh Khai” của nhà văn Nguyệt Tú, tôi lặng người xúc động về chi tiết Nguyễn Thị Minh Khai phải dằn lòng gửi con còn đỏ hỏn trên tay cho các đồng chí để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến bây giờ, có thể nói, chúng tôi hiểu về cuộc đời nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai như hiểu chính bản thân mình. Trong tâm, hình ảnh nữ chiến sỹ kiên cường luôn hiển hiện”.

Thuyết minh viên Nguyễn Thị Thu Hằng kể lại cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Thị Minh Khai cho du khách

Như một sự đồng điệu tâm hồn, thuyết minh viên Nguyễn Thị Thu Hằng ngồi kế bên tiếp lời: “Qua câu chuyện ấy, với cương vị người mẹ, chúng tôi hiểu sự hy sinh của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai lớn lao thế nào. Tình mẫu tử thiêng liêng, là nỗi khát khao được ẵm bế, nhớ thương con mình... Từ đó, khi hướng dẫn, mỗi thuyết minh viên đã chạm đến tận đáy sâu cảm xúc của chính mình để diễn tả, nhiều người rưng rưng ngấn lệ khi nghe chúng tôi kể chuyện”.

“Thổi hồn” vào hiện vật

Gần 8 năm làm thuyết minh hướng dẫn tại nhà lưu niệm, chị Thu Hằng đã đón tiếp, truyền tải thông tin về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Thị Minh Khai cho hàng trăm đoàn khách. Có những người từ xa đến, đủ các thành phần từ cao tuổi đến thanh thiếu niên.

“Mỗi lần đứng trước di ảnh thiêng liêng, trước tượng đài chị Minh Khai trong tiếng nhạc quốc ca hùng tráng, chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì mình đã trở thành một phần của khu tưởng niệm, dù nhỏ bé, nhưng có thể đóng góp việc truyền tải, lưu giữ những ký ức lịch sử đẹp đẽ có tên là Nguyễn Thị Minh Khai”, một thuyết minh chia sẻ. Hè 2019, nhà lưu niệm đón gần 10 chuyến “Hành trình về nguồn” do UBND TPHCM tổ chức.

“Lúc chia tay, đoàn khách tặng chúng tôi chiếc khăn rằn, nét đặc trưng rất duyên của người Nam bộ, cũng là chiếc khăn mà chị Nguyễn Thị Minh Khai thường quàng cổ khi hoạt động ở Nam Kỳ, chúng tôi trân quý lắm”, Trần Thị Thu Hằng kể.

Nhà lưu niệm còn là điểm đến tâm linh của những người dân xung quanh mỗi ngày rằm, mồng 1 hàng tháng. Nguyễn Thị Thu Hằng kể: “Tôi nhớ buổi sáng tháng 9, có một người phụ nữ khoảng 65 tuổi mặc đồ giản dị, đi xe đạp mang lễ đến viếng. Sau khi thắp hương xong, bà nói, cho bà mượn cuốn sách “Hai chị em liệt sỹ Minh Khai, Quang Thái”.

Chỉ có duy nhất một cuốn phô tô nhưng tôi cũng đưa bà mượn. Thế rồi gần cuối buổi sáng ấy, thấy bà mang đến cho tôi 10 cuốn phô tô và bảo “sách ni hay, dì đi phô tô, để đây, ai cần thì cho họ đọc”. Tôi rất cảm động và thấm thía, hiểu thêm bài học về sự cho đi và nhận lại trong cuộc sống”. Ở TP Vinh, có cụ Bình đã ngoài 70 tuổi, thường đi xe đạp cà tàng ghé qua nhà lưu niệm tặng sách, bài viết mà cụ sưu tập được về nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Những hành động ý nghĩa như thế ngày càng làm phong phú thêm hiện vật, tư liệu về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 516/KH-UBND giao UBND thành phố Vinh, UBND huyện Hưng Nguyên cùng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao triển khai nhiều hoạt động nhằm tiếp tục tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ vì hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên toàn thế giới. Thông qua việc tổ chức lễ kỷ niệm để giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao lòng tự hào, tinh thần yêu nước, yêu quê hương, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Nhà lưu niệm tọa lạc tại phường Quang Trung, thành phố Vinh trong khuôn viên 2.400m2, với các hạng mục chính: nhà lưu niệm, nhà quản lý và đón khách, nội thất khu thờ, sân vườn, cảnh quan và các hạng mục phụ trợ… Đây là một công trình văn hoá để tưởng niệm và trưng bày một số hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ chiến sỹ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai.
Các hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bao gồm: Tuyên truyền, tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương; thăm, tặng quà thân nhân đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (diễn ra ngày 26/9/2020, tại TP Vinh). Chỉnh trang, vệ sinh cảnh quan, môi trường Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong và các khu vực liên quan; tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên và Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ở phường Quang Trung, thành phố Vinh; trưng bày chuyên đề hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Sáng 25/9, đại diện Tỉnh Đoàn Nghệ An đã dâng hương, dâng hoa tại Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai.

Tác giả: Cảnh Huệ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP