Bạn cần biết

Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng nổ, nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh các biện pháp để kiểm soát dịch.

Hà Nội số ca sốt xuất huyết, nguy cơ tăng ca nặng, tử vong

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.Hà Nội, đến nay Hà Nội ghi nhận khoảng 9.500 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tăng 3,3 lần. Riêng trong tuần qua ghi nhận hơn 1.200 ca mắc và 3 trường hợp tử vong.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong.

Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.

Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 564/579 xã, phường, thị trấn, với số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm 58,1%, nội thành chiếm 41,9%.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân: Đan Phượng (1.057), Thanh Oai (854), Đống Đa (585), Thanh Trì (571), Thường Tín (565), Hà Đông (511).

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn diễn ra vào 31/10, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: "Bệnh sốt xuất huyết Dengue trên bình diện chung cả nước số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số ca mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11".

Theo thống kê của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, thành phố đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết, từ đó có những chỉ đạo kịp thời.

Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh.

Tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại một trường học trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ. Ảnh: Sở Y tế.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của sốt xuất huyết

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, mọi người nên đề phòng các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng, một tình trạng đe dọa tính mạng.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, cho biết đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Hiện thành phố đang tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.

PGS Cường khuyến cáo khi người dân có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người nên đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm, được thầy thuốc tư vấn, chỉ định. Không tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống…

Với trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết, bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trẻ có thể từ không triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch/nặng. Do có tới 4 loại sốt xuất huyết Dengue, nên một người có thể nhiễm tới 4 lần.

Thông thường bệnh sẽ diễn tiến với 4 giai đoạn: Ủ bệnh (5-7 ngày); sốt; nguy kịch/nguy hiểm và hồi phục. Trong đó trẻ có thể sốt 2-7 ngày kèm theo hiện tượng đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn; ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da...

"Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết từ nhẹ đến vừa thường không đặc hiệu nên trong những ngày đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác (cúm mùa, RSV (virus hợp bào hô hấp), Covid-19... ). Vì biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu nên trẻ cần được theo dõi sát và phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (sốc), để nhanh chóng nhập viện/can thiệp sớm nhằm giảm nguy cơ tử vong", bác sĩ Đỗ Anh lưu ý.

Bác sĩ Đỗ Anh cho biết thêm, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Nếu trẻ bị nhẹ chỉ cần điều trị ở nhà, cho trẻ nghỉ ngơi và hạ sốt. Cha mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt acetaminophen/paracetamol, tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt.

Hầu hết là trẻ sẽ hồi phục sau khi hết sốt, nhưng ước tính có 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue có thể tiến triển nặng/nguy kịch, đe doạ tính mạng, trong đó trẻ mắc bệnh lần 2 sẽ là yếu tố nguy cơ khiến bệnh tiến triển nặng.

Bác sĩ Đỗ Anh cảnh báo biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ là sốc. Quá trình chuyển nặng, nguy kịch thường xuất hiện khi đã hết sốt, có thể nguy hiểm đến tính mạng, liên quan đến thoát mạch, ứ dịch ( ở các khoang cơ thể: Khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng bụng,…), tình trạng suy hô hấp, khó thở, chảy máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể, dễ dẫn tới tử vong.

"Khi cha mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu sau nên cho trẻ nhập viện điều trị: Đau bụng; li bì/kích thích và nôn liên tục; cơ thể thay đổi đột ngột (đang sốt cao, trẻ hạ thân nhiệt); trẻ bắt đầu xuất hiện chảy máu (mũi/ miệng/tiểu máu/phân máu) hoặc da niêm mạc xanh tái; chân tay trẻ lạnh/ẩm; đau bụng/ gan to ra, ấn tức vùng bụng", bác sĩ Đỗ Anh chia sẻ.

Tác giả: Trúc Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP