Có hay không sự "lạm quyền" của Chủ tịch UBND xã?
Ở kì trước, PL&DS có bài viết Khoét đất nông nghiệp đem bán cho nhà máy gạch? thông tin về việc mỗi ngày có tới hàng chục chuyến xe chất đất cao vút thùng xe, chạy nườm nượp xuyên làng, rồi ra đường 534 chạy thẳng về nhà máy sản xuất gạch ngói tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng đường dân sinh, khó khăn trong việc đi lại.
Câu chuyện đất nông nghiệp tại xóm 2, xã Nghi Mỹ nhiều ngày bị đào xới khiến dư luận hết sức quan tâm. Đặc biệt, sau khi PL&DS phản ánh, sự việc lập tức bị UBND huyện Nghi Lộc “tuýt còi”, chỉ đạo yêu cầu chấm dứt hoạt động này, đất ruộng mới thoát khỏi cảnh bị đào xới, rồi trở thành “hàng hóa”.
Từ góc nhìn trách nhiệm quản lý tại địa phương, người dân băn khoăn đó là vì sao ông Hoàng Đức Trì – Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ lại tự cho mình cái quyền thản nhiên để một đầu nậu đứng ra “cải tạo đất” với lý do đất cao, khó canh tác nhưng rồi thực tế “bờ xôi, ruộng mật” bỗng trở thành những món hàng “đắt giá”.
Vì sao Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ lại "vô tư" cho khai thác đất nông nghiệp? |
Dấu hiệu lạm quyền đã đành, ông Trì còn có biểu hiện không trung thực khi khẳng khái trả lời công luận rằng: Đã từng làm tờ trình xin huyện để cải tạo, nhưng huyện bảo thẩm quyền của xã nên xã tự quyết làm.
Tuy nhiên, thực tế, lãnh đạo huyện Nghi Lộc và Phòng TN&MT huyện này đều cho biết không nhận được tờ trình nào, hay thậm chí là ý kiến trực tiếp của ông Trì về việc xin “cải tạo đất” như chúng tôi đã ghi nhận.
Đáng buồn hơn, từ thông tin chúng tôi cung cấp về việc đất ruộng đang có dấu hiệu bị chuyển ra khỏi địa phương, thay vì cần một thái độ kiên quyết, xem xét sự việc một cách nghiêm túc, Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ lại “bình chân như vại” cùng câu nói: “Tôi sẽ cho kiểm tra”. Nhưng trong chiều cùng ngày, đất ruộng vẫn bị đào xới chuyển ra khỏi địa phương.
Ruộng bị "móc" thành "ao", giờ thì lấy đất ở đâu để san lại cho phẳng, ai phải chịu trách nhiệm? |
Nếu sự việc này không được nhân dân địa phương thông tin tới báo chí, không được cơ quan chức năng nào biết đến, liệu rằng nó sẽ kéo dài tới bao giờ, và đất ruộng sẽ bị đào xới, bán kiếm lợi bất chính tới mức nào?
Huyện chỉ đạo dừng, nhưng…
Sau khi có thông tin từ PL&DS, huyện Nghi Lộc đã nhanh chóng có văn bản giao việc, chỉ đạo yêu cầu xã Nghi Mỹ chấm dứt ngay việc tổ chức khai thác đất bán cho nhà máy gạch. Rõ ràng việc tiếp thu ý kiến báo chí của lãnh đạo huyện Nghi Lộc, Phòng TN&MT huyện đáng được hoan nghênh.
Theo đó, văn bản số 2014/UBND-TNMT về việc chấn chỉnh việc khai thác đất ruộng tại xã Nghi Mỹ, do ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc ký, nêu rõ một số chỉ đạo:
"Giao trách nhiệm đối với xã Nghi Mỹ, chấm dứt ngay việc khai thác đất ruộng trái phép tại xóm 2, khi phát hiện có hiện tượng khai thác thì lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định. Nghiêm cấm mọi hành vi khai thác đất trái phép bất kỳ mọi vị trí trên địa bàn xã, cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định hiện hành các trường hợp vi phạm. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm thì cần phải báo cao ngay cho UBND, Phòng TN&MT,CA huyện để xử lý theo đúng quy định.
Nếu tiếp tục để hiện tượng khai thác đất trái phép diễn ra, thì Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và trước pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không khai thác trái phép, báo ngay cho cơ quan chức năng khi có hành vi vi phạm.
Từ phản ánh của PL&DS, sự việc được UBND huyện Nghi Lộc kiểm soát, chỉ đạo dừng ngay, nhưng chưa được lòng dư luận vì chưa nói rõ việc khắc phục hậu quả đất ruộng nay hóa "ao cá" và trách nhiệm từng cá nhân để xảy ra sai phạm |
Đối với Phòng TN&MT, cần tăng cường công tác quản lý về đất đai, đặc biệt là khoáng sản chưa được cấp phép khai thác, đất ruộng của dân. Hướng dẫn chỉ đạo UBND xã Nghi Mỹ phối hợp với Phòng TN&MT, CA huyện xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Báo cáo Sở TN&MT đối với trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền để được xử lý".
Văn bản chỉ đạo của huyện Nghi Lộc ngay lập tức đã có hiệu quả khi đã dừng được việc khai thác đất ruộng đem đi bán trái phép để trục lợi. Thế nhưng, dư luận đang băn khoăn, với việc lạm quyền, thậm chí có dấu hiệu “thông đồng” của Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ gây hậu quả diện tích lớn đất ruộng đã bị đào xới sâu gần cả mét, đất bị mang ra khỏi địa bàn bán như “mớ rau, con cá” lại không bị xử lý về trách nhiệm hay sao? Và phương án xử lý hậu quả việc ruộng đã bị lấy đất và giờ thành "ao" thì như thế nào?
Nếu sự việc trên lại “hòa cả làng”, vậy làm sao có tính răn đe? Phải chăng chưa có chế tài xử lý người đứng đầu chính quyền xã khi để diễn ra tình trạng khai thác bừa bãi, bất chấp pháp luật về đất nông nghiệp?. Đề nghị UBND huyện Nghi Lộc cùng các cơ quan ban ngành cần làm rõ hành vi có dấu hiệu lạm quyền, lạm dụng chức vụ của Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ tự ý cho khai thác đất ruộng trong thời gian dài để thấy rõ tinh thần thượng thôn pháp luật.
Dư luận trông chờ vào sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ UBND huyện Nghi Lộc, cần sớm làm rõ đã có bao nhiêu khối đất nông nghiệp đã được đào xới khỏi ruộng, bán trót lọt, và xử lý các cá nhân sai phạm như thế nào?
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh