Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung trao đổi các nội dung các đại biểu quan tâm |
Tổ chức kết nối giữa sản xuất và bao tiêu sản phẩm
Đồng chí Lê Khánh Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu đặt câu hỏi |
Mang nỗi niềm của người dân vùng biển, đồng chí Lê Khánh Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu cho hay: Hiện nay cuộc sống của nhân dân làm nghề muối gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá muối thấp, đầu ra tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ, giá trị sản xuất đạt thấp; Đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thu mua tiêu thụ; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các làng nghề sản xuất muối trên địa bàn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phùng Thành Vinh trả lời các vấn đề liên quan đến ngành Nông nghiệp |
Về nội dung này, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh cho biết: Thời gian qua để giúp cho các diêm dân duy trì, phát triển và mở rộng sản xuất, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021, trong đó: Hỗ trợ một lần, với mức 3.000.000 đồng khi xây dựng bộ chạt lọc cải tiến để thay chạt lọc cũ; Hỗ trợ bạt nhựa nilon trải ô kết tinh... Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 9.508 bộ chạt lọc cải tiến, và trải bạt ô kết tinh đạt 2.540 đơn vị. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức cho các HTX diêm nghiệp, diêm dân trong sản xuất muối.
Việc thực hiện chính sách trải bạt ô kết tinh và xây dựng chạt lọc cải tiến đã nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất muối. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nghề muối không được đầu tư nên xuống cấp, nhất là đường giao thông, thủy lợi, kho chứa muối…. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở NN&PTNT đề xuất với Bộ NN&PTNT hỗ trợ xây dựng Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và tổ chức lại các vùng sản xuất muối trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Làm rõ thêm nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những người làm nghề muối, nhất là hiện nay các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, mất nghề bởi hai nguyên nhân: Sản xuất nhỏ, manh mún, diện tích sản xuất muối chất lượng cao phát triển chậm, năng suất hạn chế. Thu nhập của diêm rất thấp. “Làm sao để nâng thu nhập của người trực tiếp xuất ra muối là mong muốn rất chính đáng”.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cùng với các Nghị quyết của HĐND tỉnh, vừa qua UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030; trong đó dành 100 tỷ đồng để thực hiện 01 trong 03 dự án thuộc Đề án để đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề muối và kiên cố hóa hệ thống thủy lợi. Cùng với đó là thực hiện 2 dự án: Dự án Tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại đồng muối, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến muối thông qua đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến muối; Dự án Phát triển liên kết trong sản xuất, chế biến muối giữa HTX với doanh nghiệp, xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch. Sau khi triển khai thực hiện có hiệu quả 03 dự án này thì mới có thể giải quyết được hết khó khăn của người làm nghề muối.
Đối với vấn đề hỗ trợ giá muối, để thực hiện việc này cần phải có chính sách, tuy nhiên theo quy định muối không phải là mặt hàng để có chính sách hỗ trợ giá. Còn đối với vấn đề bao tiêu sản phẩm, qua báo cáo có 5 cơ sở chế biến muối, hàng năm thu mua 40.000 tấn muối thô cho bà con diêm dân (chiếm 77% sản lượng sản xuất), %); trong đó có khoảng 20.000 tấn muối tinh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, khu vực Trung Đông.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm để tổ chức, kết nối giữa diêm dân và doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Liên quan đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các làng nghề làm muối, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết kinh phí thực hiện một phần từ Đề án của Bộ NN&PTNT, một phần giao cho Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh để thực hiện.
Nghiên cứu hình thức hỗ trợ các xã xây dựng NTM một cách linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ sở trong hơn 10 năm qua, từ thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương Phan Văn Dũng phản ánh: Tỉnh có chính sách hỗ trợ xi măng cho các xã về đích NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, chính sách này bộc lộ một số khó khăn như xi măng thường cung cấp chậm, nhiều nơi Nhân dân lại dùng xi măng để hoán đổi sang bê tông tươi và nhiều nơi không nằm trong lộ trình về đích NTM hoặc NTM nâng cao nhưng Nhân dân vẫn rất mong muốn được hỗ trợ xi măng để làm giao thông, thuỷ lợi. Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng đề xuất chính sách hỗ trợ xi măng nên áp dụng linh hoạt là có thể nhận bằng tiền và những xã không nằm trong lộ trình về đích vẫn được hỗ trợ để phát huy nội lực của Nhân dân.
Đồng chí Bùi Trọng Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mã Thành, Yên Thành đặt câu hỏi |
Cùng quan tâm đến nội dung xây dựng NTM, đồng chí Bùi Trọng Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mã Thành, Yên Thành đề nghị việc thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, cho xây dựng quy hoạch bổ sung phải đồng bộ; giao cho ngành chức năng tham mưu đơn vị tư vấn thiết kế phải có năng lực thực sự, phải sâu sát thực tế, không lạm dụng các thiết kế mẫu để áp đặt cho địa phương. Khi có bản thảo giao cho người đứng đầu từng địa phương phải tổ chức xin ý kiến góp ý của toàn dân ở từng địa phương cụ thể. Khi trình lên cấp trên phê duyệt phải được cán bộ chuyên môn thẩm định kiểm tra cụ thể để đạt tính khả thi cao nhất.
Liên quan đến nhóm vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng NTM đã góp phần quan trọng trong kết quả tỉnh nhà đạt được trong xây dựng NTM. Đó là, đến nay toàn tỉnh có 309 xã đạt chuẩn NTM, 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 09 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Và tỉnh thực hiện chính sách này tương đối tốt. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như việc thực hiện Luật Đấu thầu, việc cấp hỗ trợ xi măng cho các địa phương có phần nào chậm. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm để đảm bảo cung ứng xi măng kịp thời theo kế hoạch hỗ trợ cho các xã.
Đối với ý kiến đề nghị linh hoạt trong hình thức hỗ trợ xi măng thay bằng hỗ trợ bê tông tươi hay tiền mặt để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh giao ngành NN&PTNT phối hợp với ngành Tài chính để nghiên cứu có sự điều chỉnh phù hợp với quy định và thực tiễn của địa phương.
Đối với ý kiến đề nghị hỗ trợ xi măng cho các xã không đăng ký về đích NTM, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết vẫn phải ưu tiên cho những xã đăng ký về đích NTM. Trường hợp những xã tuy không đăng ký từ đầu nhưng quá trình thực hiện vẫn có khả năng về đích được thì cũng cần phải được hỗ trợ.
Liên quan đến Quy hoạch xây dựng NTM (nay được gọi là quy hoạch chung xã), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết theo quy định, định kỳ 5 năm phải được xem xét. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa tổ chức đánh giá, rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với thực tế. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát lại, song về thẩm quyền xây dựng và phê duyệt quy hoạch thuộc cấp huyện. Do đó, đề nghị các huyện quan tâm chỉ đạo từ việc thuê đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, các yếu tố đưa vào quy hoạch phải phù hợp để Quy hoạch có tính khả thi. Và một điều hết sức quan trọng khi xây dựng quy hoạch đó là cần phải lấy ý kiến của người dân bởi mục tiêu cuối cùng của các nhiệm vụ mà chúng ta thực hiện là vì lợi ích của người dân”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại diễn đàn này, những vấn đề liên quan đến xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng cá, vấn đề hỗ trợ cho tàu cá tham gia bảo đảm chủ quyền biển đảo... được các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đề xuất, mong muốn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành quan tâm, hỗ trợ để sớm triển khai nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghi Thủy Nguyễn Cảnh An đặt câu hỏi |
Trả lời câu hỏi của Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghi Thủy (TX Cửa Lò) Nguyễn Cảnh An liên quan đến triển khai thực hiện Dự án Khu resort Bắc đảo Lan Châu tại thị xã Cửa Lò do Công ty cổ phần Golden City làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nêu rõ quan điểm của tỉnh đối với các dự án chậm tiến độ là kiên quyết xử lý đúng quy định pháp luật, nhưng thực tế rất khó vì liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, vướng vào nhiều quy định. Có những nhà đầu tư cố tình chậm, nhưng cũng có nhà đầu tư do yếu tố khách quan làm chậm tiến độ hoặc chưa triển khai được nên UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, làm việc một cách cẩn trọng để có xử lý phù hợp.
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: nghean.gov.vn