Trong tỉnh

Chủ tịch tỉnh Nghệ An “lệnh” sở, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa

“Các cấp, các ngành tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư; xử lý các vấn đề phát sinh, chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư…”

Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo như vậy trong phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5 diễn ra vào ngày 29/5. Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu bám sát kịch bản tăng trưởng để điều hành, phấn đấu hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra;

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 và số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thu hút FDI Nghệ An khởi sắc

Theo thống kê, tính từ đầu năm 2023 đến tháng 05, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 57 dự án, điều chỉnh 52 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14.842 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An tiếp tục tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư FDI với 13 dự án (cấp mới 7 dự án và điều chỉnh 6 dự án) có tổng số vốn 428,6 triệu USD.

Với kết quả nói trên, so với 4 tháng đầu năm 2023, Nghệ An tăng 01 bậc, lên vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất cả nước; tiếp tục đứng đầu 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung về thu hút FDI.

Trước đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, 03 tháng đầu năm 2023, Nghệ An tiếp tục vào tốp 10 thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước, tính lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 132 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 2,737 tỷ USD.

Thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian gần đây đã có nhiều bước đột phá, tạo khởi sắc cho kinh tế - xã hội địa phương

Cũng trong thời gian qua, các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… đã đóng vai trò lớn trong việc đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…vào “lót ổ” để đầu tư.

Nhiều dự án đã được hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 200 triệu USD; 4 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất điện tử, như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT với tổng vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD.

Mới đây, tỉnh Nghệ An cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD. Nhà đầu tư thuê đất tại khu công nghiệp WHA với diện tích 48ha; theo kế hoạch sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 và giai đoạn 3…

Các doanh nghiệp FDI đang đóng góp khoảng 30 - 35% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho tỉnh này.

Theo kết hoạch của địa phương, trong năm 2023, Nghệ An phấn đấu thu hút từ 100 - 120 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 32.000 - 35.000 tỷ đồng; trong đó, vốn FDI khoảng 500 - 600 triệu USD vào triển khai trên địa bàn.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Tại thông báo số 369/TB-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao các cấp, các ngành tập trung rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư; xử lý các vấn đề phát sinh, chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; bám sát kịch bản tăng trưởng để điều hành, phấn đấu hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Công điện số 469/CĐ-TTg ngày 25/5/2023 và số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ (được giao tại Công văn số 4077/UBND-CN ngày 29/5/2023 và số 4110/UBNDKT ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh).

Riêng Sở Công Thương, ông Nguyễn Đức Trung yêu cầu đơn vị này cần tập trung chỉ đạo, rà soát phương án sản xuất các sản phẩm công nghiệp, rà soát các sản phẩm còn dư địa nhằm bù đắp các sản phẩm thiếu hụt. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ thương mại hóa, nâng cao hiệu quả các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu câu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan...tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Mặt khác, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu Tổ công tác đầu tư công kiểm tra thực địa các dự án để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong tháng 6/2023, phân loại các dự án để tính toán khả năng giải ngân; rà soát các dự án giải ngân chậm, tiến độ không đảm bảo theo cam kết để tham mưu các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, điều chuyển cho các dự án có tiến độ tốt, còn thiếu vốn và có khả năng giải ngân…

Đối với Ban quản lý KKT Đông Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đảm bảo việc khởi công dự án KCN Thọ Lộc (Vsip II) đúng tiến độ. Cùng với đó, đơn vị này phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình các nội dung: Chủ trương đầu tư Dự án KCN Hoàng Mai II; điều chỉnh Dự án Cảng nước sâu Cửa Lò.

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương gọi là “5 sẵn sàng”gồm: sẵn sàng về mặt bằng; sẵn sàng hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư.

“Nâng cao công tác phối hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc quán triệt cán bộ, công chức khắc phục tình trạng ách tắc, chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm gây ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chung…” – Ông Nguyễn Đức Trung chỉ đạo như vậy đối với công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên địa bàn thời gian tới.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP