Trong nước

Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Sáng 29/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ủy ban cần thực hiện đúng theo quan điểm, định hướng lớn trong văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, để xác định những vấn đề trọng tâm, chiến lược, địa bàn trọng điểm trong các hoạt động song phương và đa phương. Với một mục tiêu, tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân và lấy lợi quốc gia là tối thượng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các hoạt động của Ủy ban Đối ngoại thời gian qua hoàn thành tốt, có những mặt hoàn thành xuất sắc, được Quốc hội, cử tri cả nước ghi nhận. Với đặc thù rất riêng, Ủy ban Đối ngoại còn thực hiện nhiệm vụ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực, kiến nghị các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, tổ chức quốc tế khác, về việc ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, tham mưu, điều phối hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam và Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra trình Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thỏa thuận quốc tế, tham gia thẩm tra 31 dự án luật…Ủy ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra 9 điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn, gia nhập liên quan đến chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế quan trọng và quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến 6 điều ước quốc tế có quy định khác hoặc chưa quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội. Những dự án luật được Ủy ban chủ trì thẩm định được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Trong công tác giám sát, ngoài công tác giám sát cấp ủy ban, Ủy ban Đối ngoại còn thực hiện phối hợp giám sát chung với Quốc hội các nước. Ủy ban đã chủ trì tham mưu phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mai tự do mà Việt Nam là thành viên; triển khai 6 chuyên đề giám sát liên quan đến việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, từ đó đề xuất, kiến nghị những nội dung cần hoàn thiện trong hệ thống chính sách, pháp luật phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai thắng lợi mọi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Về công tác đối ngoại, Ủy ban tham mưu tốt cho Ủy ban Thường vụ, lãnh đạo Quốc hội thực hiện tốt các kênh đối ngoại song phương với các nước. Mở rộng, các kênh ngoại giao của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Ủy ban đã chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực mà Quốc hội là thành viên. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, với vai trò là năm Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á 2020 và Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông - Nam Á lần thứ 41, Ủy ban đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến đa phương thành công. Về hoạt động của Tổ chức Nghị sỹ hữu nghị, Nhóm đại biểu trẻ, Nhóm nữ nghị sỹ Quốc đã hoạt động bước đầu hiệu quả.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và các ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc này của Thường trực Ủy ban, Ủy ban Đối ngoại cần bắt tay ngay vào việc thảo luận lên kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV dựa theo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của Ủy ban, của Quốc hội và trên cơ sở đánh giá 6 nhóm công tác; căn cứ vào Nghị quyết 161 của Quốc hội về tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội,

Đặc biệt, thực hiện đúng theo quan điểm, định hướng lớn trong văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, để xác định những vấn đề trọng tâm, chiến lược, địa bàn trọng điểm trong các hoạt động song phương và đa phương. Với một mục tiêu, tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân và lấy lợi quốc gia là tối thượng; chú ý xây dựng ngoại giao kinh tế; góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với việc gắn chặt ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân./.

Tác giả: Lê Tuyết

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP