Sacombank là đơn vị cấp tín dụng bậc nhất dành cho hệ sinh thái FLC |
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) vừa phát đi báo liên quan đến việc Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt. Nhà băng này khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.
Theo Sacombank, trong năm 2021, ngân hàng này đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh. Hoạt động cấp tín dụng này được thực hiện đúng quy định pháp luật, các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo.
"Tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank", thông báo của Sacombank nêu rõ.
Trong trường hợp phát sinh rủi ro, Sacombank cho biết sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng này.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Sacombank là đơn vị cấp tín dụng bậc nhất dành cho hệ sinh thái FLC và cả ông Trịnh Văn Quyết.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 của FLC, doanh nghiệp này đang có dư nợ vay 1.840 tỷ đồng tại Sacombank thông qua 2 hợp đồng tín dụng phát sinh trong năm 2021, kỳ hạn lần lượt là 60 tháng (số dư 1.240 tỷ) và 120 tháng (số dư 600 tỷ). Với số dư này, hiện Sacombank cũng là chủ nợ ngân hàng lớn nhất của FLC.
Được biết, Bamboo Airways là "đứa con cưng" của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết, có vốn điều lệ lên đến 16.000 tỷ đồng tính đến tháng 6/2021, trong đó, ông Quyết sở hữu 56,5% cổ phần, tương ứng 9.040 tỷ đồng theo mệnh giá. Cập nhật tháng 9/2021, Bamboo Airways đã tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng. Chưa hết, tạm tính theo mức giá chào sàn theo kế hoạch ấp ủ đã lâu của hãng hàng không này là trên 60.000 đồng/cổ phiếu, số vốn góp của ông Quyết còn có thể tiến sát ngưỡng 60.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 23/4/2021, sau khi Sacombank trở thành đối tác toàn diện của Bamboo Airways, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng 18 triệu cổ phần BAV để bảo đảm cho khoản vay tại nhà băng này, theo số hợp đồng cầm cố tài sản 202126040365. Giá trị lô cổ phần theo mệnh giá là 180 tỷ đồng và Sacombank đồng ý với mức giá xử lý là 8.500 đồng/cổ phần, tương ứng 153 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, các ngày 17/5, 19/6, 22/7 và 12/10 cùng năm, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục thế chấp lần lượt 92 triệu cổ phần, 57,5 triệu cổ phần, 114,5 triệu cổ phần và 114,3 triệu cổ phần BAV để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ở nhà bằng này.
Không chỉ cá nhân ông Quyết, Tập đoàn FLC cũng đem số lượng lớn cổ phần BAV làm tài sản đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng với Sacombank, ngoài ra là NCB (Ngân hàng Quốc dân) và OCB (Ngân hàng Phương Đông). Ước tính, tổng khối lượng cổ phần BAV được đem ra thế chấp từ cho các hợp đồng vay từ năm 2020 đến nay là hàng trăm triệu đơn vị, tương ứng giá trị theo mệnh giá là nhiều nghìn tỷ đồng.
Trong đó, đơn cử tại hợp đồng 202226570364 ngày 18/3/2022 tại Sacombank, Tập đoàn FLC đã đem cầm cố 20 triệu cổ phần BAV... Đáng nói theo quan sát, liên tiếp hai ngày ngắn ngủi từ 8/6 đến 10/6/2021, NCB cũng trở thành ngân hàng "miệt mài" bơm vốn cho Tập đoàn FLC khi nhận thế chấp 162,5 triệu cổ phần của hãng hàng không này, cho 12 hợp đồng tín dụng, nổi bật là hợp đồng số 011.02/21/HĐCC-9213 ký ngày 10/6/2021 với tài sản bảo đảm là 47 triệu cổ phần, tương ứng 470 tỷ đồng theo mệnh giá.
Bên cạnh đó, các pháp nhân khác cùng hệ sinh thái FLC như FLC Faros (ROS), Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding (FCA) cũng đã và đang sử dụng hàng chục triệu cổ phiếu BAV để làm tài sản bảo đảm ở Sacombank.
Tác giả: Tuệ Lâm
Nguồn tin: vietnamfinance.vn