Cuộc sống

Chồng tôi ra ngoài vui vẻ, dễ chịu, ga lăng, về nhà lại biến thành một con người khác

Tôi trăn trở, muốn một sự thay đổi để cải thiện tình hình nhưng xem ra người-đàn-ông-của-mình quá xa lạ. Với những suy nghĩ của riêng mình, tôi cố phân tích “một nửa của mình” theo cách nào đó logic nhất, cuối cùng cũng không thể… hiểu nổi!

Trong tôi đã hình thành nên ý thức phản kháng sự bất bình đẳng giới ngay từ khi còn rất nhỏ. Đầu tiên tôi ghét sự bất công đối với con gái, sau này là đối với phụ nữ, tôi ghét những ông chồng nặng đầu óc phong kiến, coi vợ như tôi tớ trong nhà và chỉ là cái máy đẻ thuê. Tôi nghĩ, thà ế độ ở một mình còn hơn làm vợ mấy người như thế.

Chần chờ, xét nét mãi cuối cùng tôi cũng có chồng. Hai vợ chồng bằng tuổi, tôi cười cười nửa đùa nửa thật “ra giá” ngay từ đầu: "Tại lỡ kêu anh-em rồi thì thôi, chứ không có dạ thưa đâu nhé". Anh cười có vẻ hiền khô, chẳng thèm chấp.


Sau này, khi tình cảm vợ chồng đã… cũ, tôi nhận ra chồng mình chẳng hiền. Sau đó còn nhận ra anh rất gia trưởng. Ban đầu là việc anh nổi cáu mỗi khi vợ chồng bất đồng quan điểm, tôi ăn thua đủ đến cùng. Anh nói: “Vợ gì mà cãi chồng lem lẻm, sao hồi đó không làm… thầy cãi đi”! Tôi cũng chẳng vừa: “Anh nói sai rồi, đây không phải là cãi mà là đang tranh luận để thống nhất…”. Với cái kiểu lý sự của tôi, anh chẳng thèm nghe nữa, bỏ đi một nước.

Tôi đã thấy những bà vợ chịu nhún nhường, lép vế thường bị chồng coi thường, lấn át. Thế nên tôi đã nghĩ muốn hạnh phúc bền lâu là phải “đấu tranh” đến cùng để bảo vệ cái đúng, tôi cũng lấy làm tâm đắc và thấm thía câu nói “Hạnh phúc là đấu tranh” của bậc vĩ nhân.


Nhưng hỡi ôi, tôi càng đấu tranh, càng lý lẽ, chồng tôi càng không muốn tranh luận với tôi nữa. Anh hay nổi khùng, cắt ngang cuộc tranh luận nhìn thấy trước là sẽ chẳng có hồi kết bằng cách bỏ đi hoặc trợn mắt quát: “Cắt cắt cắt! Cắt ngay!”. Tôi điên lắm nhưng chạm phải ánh mắt đang nảy lửa của chồng cũng thấy… ớn!

Không biết có phải cái tật hay lý lẽ của tôi mà sau này chồng tôi hay tự ý quyết định một mình, nhất là những việc lớn trong nhà, chẳng thèm bàn với tôi một tiếng. Khi tôi biết, có cự nự gì thì cũng chỉ nhận được một câu nói sặc mùi gia trưởng: “Đàn bà biết gì mà ý kiến!”. Tôi cũng chẳng dễ thỏa hiệp, vì vậy mà đã xảy ra nhiều cuộc chiến nảy lửa, có lúc còn tính đến chuyện chia tay cho… bõ tức!

Nhưng khi tính đến chuyện ly hôn lại gặp muôn vàn những điều phải nghĩ suy, trăn trở. Tính tới tính lui, tính xuôi, tính ngược thấy bất lợi cho con cái, lại thôi, lại lùi một bước. Mà đã lùi một lần là cứ phải lùi mãi.


Cái khổ của người phụ nữ là thế, dù suy nghĩ mạnh mẽ đến đâu, kiên quyết đến đâu cũng không chịu nổi khi nghĩ đến những thiệt thòi con mình phải hứng chịu. Bởi vậy chỉ biết chặc lưỡi, ôm lấy thiệt thòi cho riêng mình: “Đời mình lỡ rồi, thôi thì ráng cho các con vậy!”.

Sau những cuộc bảo vệ “cái tôi” của riêng mình, cả hai chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không muốn mở miệng nếu không có điều gì thật cần thiết. Không khí gia đình rơi vào lặng lẽ, nặng nề, làm các con tôi cứ phải dòm trước ngó sau mỗi khi muốn bày tỏ điều gì đó với cha.

Chồng tôi ra ngoài vui vẻ, dễ chịu, ga lăng bao nhiêu thì về nhà lại biến thành một con người khác, trái ngược hoàn toàn. Tôi thương thân mình, thương các con lớn lên thiếu niềm vui và mất tự tin khi mọi điều chúng làm khó được ba chấp nhận, lại kèm theo những lời mắng mỏ gay gắt.

Tôi trăn trở, muốn một sự thay đổi để cải thiện tình hình nhưng xem ra người-đàn-ông-của-mình quá xa lạ. Với những suy nghĩ của riêng mình, tôi cố phân tích “một nửa của mình” theo cách nào đó logic nhất, cuối cùng cũng không thể… hiểu nổi!

Đến tận bây giờ, sau hai chục năm sống đời sống hôn nhân, tôi đã tự thay đổi rất nhiều. Sự thay đổi này với tôi là cần thiết để không phải chết dần chết mòn vì những điều không bao giờ có được. Nếu đã không nhận được niềm vui từ “ai kia” thì phải tự lo cho mình, tự tìm niềm vui cho mình và các con. Hạnh phúc có nhiều “kiểu” khác nhau, nếu không có kiểu này thì phải tạo ra kiểu khác.

Mẹ con tôi luôn đồng hành bên nhau với những niềm vui, nỗi buồn và cả những lo toan của cuộc sống. Công bằng mà nói, cha tụi nhỏ cũng là người có trách nhiệm, nhưng lại theo “cái kiểu” của riêng mình. Thôi thì “sao Hỏa” hãy cứ là sao Hỏa vậy! Nghĩ thế cho nhẹ lòng…

Tác giả bài viết: Hoài Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP