Trong nước

Chất vấn tại Quốc hội: Truy trách nhiệm nhiều vấn đề nóng

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ chiều 3/11 đến hết ngày 5/11. Các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp thứ 4 lần này thuộc về lĩnh vực xây dựng, nội vụ, thông tin và truyền thông, thanh tra.

Báo Tiền Phong ghi nhận một số ý kiến về những vấn đề nóng dự kiến sẽ được chất vấn.

Làm gì để “giữ chân” cán bộ, công chức giỏi?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp, ảnh) cho biết: Tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, trong đó có lĩnh vực thuộc ngành nội vụ. Cá nhân tôi và dư luận xã hội đều rất quan tâm lĩnh vực này. Đặc biệt là vấn đề biên chế công chức, viên chức xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nội dung liên quan chế độ tiền lương, thu nhập.

Vậy Bộ trưởng Nội vụ suy nghĩ gì và giải pháp như thế nào về việc này? Tại các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, Bộ trưởng Nội vụ đã đề cập vấn đề này. Song cá nhân tôi cũng kỳ vọng, làm sao để có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhất, nhằm hỗ trợ và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó và cống hiến nhiều hơn nữa. Đặc biệt cần phải có giải pháp để giữ chân đội ngũ có năng lực, trình độ cao.

Theo tôi, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc ra khu vực ngoài công lập là chuyện rất bình thường, cũng là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới, điều này Bộ trưởng Nội vụ cũng đã từng đề cập. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao, chuyên môn giỏi lại rời khu vực nhà nước, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ ngành y tế. Tất nhiên, dù làm ở khu vực công hay tư, thì họ vẫn cống hiến, đóng góp cho xã hội, thế nhưng nếu ở khu vực công, thì họ sẽ phục vụ được đa số người dân ở mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Để có thể giữ chân được người tài ở lại bộ máy nhà nước, rất cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho họ. Ngoài vấn đề tăng lương cơ sở tới đây, theo tôi, cần có thêm các chế độ ưu đãi khác với những chính sách hợp lý hơn, với chế độ đãi ngộ tốt hơn nữa.

Di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô dậm chân vì đâu?

Liên quan việc di dời trụ sở một số bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội, KTS, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm (ảnh), cho rằng, hiện còn một số vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách liên quan quyền sử dụng đất.

Vấn đề di dời trụ sở một số bộ ngành, cơ sở công nghiệp và một số cơ sở y tế không phù hợp quy hoạch đã được đặt ra từ năm 1998. Sau đó, đã có một số cơ sở công nghiệp được tạo điều kiện di dời. Ví dụ như Nhà máy Trần Hưng Đạo giờ trở thành siêu thị, hay Nhà máy Cơ khí đã trở thành khách sạn. Cùng với đó, các cơ sở công nghiệp nhỏ lẻ đã di dời ra một số khu, cụm công nghiệp. Nhưng, việc di dời một số cơ sở bệnh viện cũng rất khó thực hiện, ví dụ như Bệnh viện K, dù có vị trí mới ở Thanh Trì, nhưng vẫn giữ vị trí cũ.

Về các trụ sở bộ, ngành trong nội thành, hiện ở Hà Nội có khoảng 29 trụ sở bộ, ngành và tương đương. Trong những năm trước đã di dời được 7 trụ sở bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ KH&CN…

Thủ tướng cũng đã có quyết định, nêu cụ thể lộ trình các cơ quan phải di dời khỏi nội đô, xác định đơn vị nào phải di dời, đơn vị nào được ở lại. Hà Nội cũng đặt vấn đề sau khi các trụ sở này di dời thì sẽ phát triển các không gian xanh, công trình công cộng, bãi đỗ xe… nhưng đến nay không thực hiện được.

Vướng mắc ở đây là sự bất cập cơ chế chính sách về quyền sử dụng đất. Bởi các bộ này đã được nhà nước giao đất, thuê đất có thời hạn. Quy định của Luật Đất đai là khi giao đất có thời hạn thì họ không phải trả lại cho Hà Nội. Và nếu trả lại thì Hà Nội phải đền bù thoả đáng. Ngân sách của Hà Nội có hạn, nên các cơ quan thuộc diện phải di dời vẫn giữ đất lại với mục tiêu khác hoặc thậm chí bỏ hoang, rất ít sử dụng. Ở đây là bất cập về cơ chế chính sách, nhất là chính sách về quản lý sử dụng đất.. Đây là vướng mắc về Luật Đất đai, ngân sách đầu tư xây dựng.

Hà Nội hiện đang sửa Luật Thủ đô, có đề nghị khi di dời thì các bộ, ngành giao lại phần đất trụ sở cũ cho Hà Nội. Nhà nước sẽ cân đối ngân sách, bởi vì các trụ sở bộ, ngành ở nội đô ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc giao thông còn có nhiều vấn đề khác.

Di dời trụ sở các bộ ngành nên đồng thời chú trọng xây dựng các khu nhà ở gần đấy và ưu đãi cho cán bộ, viên chức làm việc tại các trụ sở đó mua với giá ưu đãi. Như vậy vừa thực hiện phân bố dân số tốt, vừa không gây áp lực cho nội đô mà lại vừa tạo điều kiện cho cán bộ viên chức.

Tác giả: LUÂN DŨNG - TRẦN HOÀNG - TRƯỜNG PHONG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP