Cộng đồng mạng

Chàng rể Đức nói tiếng Việt 'như trai Nghệ An'

Vừa ngồi xuống bàn ăn Martin đã hỏi vợ "Nước mắm ở mô?" bằng giọng Nghệ An khiến chị Hòa bật cười.

Những video về cuộc sống thường ngày của vợ chồng Martin Knöfel và Nguyễn Thị Hòa, cùng 39 tuổi, ở Thụy Sĩ gần đây được nhiều người yêu thích bởi chàng rể Tây nói "giọng quê choa" khá sõi và dùng đúng nhiều từ địa phương.

"Tôi thích học tiếng Việt, đặc biệt phải nói bằng giọng Nghệ An bởi muốn giao tiếp dễ dàng với nhà ngoại cũng như để vợ tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà", anh Martin nói.

Chị Nguyễn Thị Hòa và anh Martin Knöfel đã sinh sống tại Thụy Sĩ 13 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

16 năm trước, Martin Knöfel, một kỹ sư xây dựng người Đức đến Việt Nam làm việc. Anh gặp chị Hòa qua một người quen. Cả hai trúng tiếng sét ái tình rồi tổ chức đám cưới không lâu sau đó. Năm 2010, họ sang Thụy Sĩ định cư và trải qua những tháng ngày ban đầu gian khó.

Martin kể, khi đó anh vừa ra trường nên lương thấp. Chị Hòa sang nước ngoài lần đầu, chưa có việc làm trong khi còn phải chi trả tiền thuê nhà, điện nước. Có thời điểm tài sản giá trị nhất của hai vợ chồng là chiếc xe đạp.

Ngôn ngữ khác biệt, kinh tế eo hẹp khiến người vợ nản chí, hôm nào cũng khóc. Mỗi lần thấy vợ buồn, Martin lại gần an ủi. "Vì anh mà em phải xa gia đình, anh sẽ cố gắng bù đắp", người đàn ông nói. Tan giờ làm, anh dành hết thời gian cho vợ, họ cùng nhau làm việc nhà, nấu nướng. Sau này, Martin cũng là người định hướng để vợ học thêm ngành y, tốt nghiệp, được nhận vào làm tại một trung tâm chấn thương chỉnh hình tại Thụy Sĩ.

Dù vậy, nhiều lúc thấy chị Hòa vẫn ngồi thẫn thờ. Martin đoán vợ nhớ quê nhà. Anh nghĩ nếu vợ được nói tiếng mẹ đẻ hàng ngày sẽ nguôi ngoai. Từ đó, anh lên kế hoạch tự học tiếng Việt, đặc biệt là chất giọng Nghệ An, dù có phần khó nghe và khó phát âm với người nước ngoài.

Việc đầu tiên là trong giao tiếp hàng ngày, người đàn ông Đức chủ động nói chuyện với vợ bằng chất giọng Nghệ An, trau dồi thêm từ vựng bằng cách gọi điện cho người thân ở Việt Nam thường xuyên.

Martin đã 20 lần về quê vợ nhưng những danh xưng như mệ, ba, mạ, o, tau, bọn choa... khiến người đàn ông này bị ngợp, không thể nhớ hết. Nhưng anh biết để hòa nhập được với gia đình vợ cần thông thạo tiếng Việt, đặc biệt là chất giọng Nghệ An nên cố gắng học.

"Cứ nhìn thấy thứ gì anh cũng hỏi 'nói như thế nào' rồi ghi chép lại", chị Hòa kể. Khi mọi người nói chuyện, anh lắng nghe thật kỹ, phán đoán ý nghĩa của từng từ, không hiểu sẽ hỏi lại. Cứ nghe rồi ghi nhớ, dần dà vốn từ nhiều và phong phú lên.

Nhiều năm trước khi nghe Martin học nói tiếng Việt với chất giọng lơ lớ, nhiều người ở quê không hiểu. Anh lặp lại, mọi người nghe rồi cười ồ. Xấu hổ, anh im lặng rồi chuyển sang nói tiếng Đức với vợ. Lúc này chị Hòa giải thích không phải mọi người chê bai hay chế giễu mà là động viên, khen ngợi. Từ đó, mỗi lần về Việt Nam, chàng rể Đức rất tự tin nói tiếng Nghệ An khi ra đường.

Dù vậy, vì học theo kiểu truyền miệng nên nhiều lần người đàn ông Đức bị trêu chọc bởi không hiểu nghĩa từ lóng. Có lần trong bữa cơm, Martin hỏi mẹ vợ "Mẹ đã ăn quả khu mấn chưa?" khiến cả nhà cười phá lên. Trong suy nghĩ của anh, "khu mấn" là một loại quả, bởi anh từng được người khác hỏi câu này. Nhưng sau này mới biết, đó là từ "cái mông", mọi người dùng để trêu chọc nhau.

Học tiếng Việt nhưng phát âm bằng giọng Nghệ An nên khi trò chuyện với người vùng miền khác, đa số không hiểu Martin nói gì. Chị Hòa lại phải dạy chồng cách phát âm phổ thông ví dụ như không nói "Đi mô" mà phải nói "Đi đâu", "Mần răng" là "tại sao". Martin đã áp dụng rất tốt quy tắc này, đến nay thậm chí anh còn biết tự động đổi giọng khi gặp người cùng quê như một chàng trai Nghệ An thực thụ.

"Những lúc như thế anh thường ví von là 'Giọng Nghệ tìm về' bởi gặp được người cùng quê mọi khoảng cách rút ngắn lại một cách kỳ lạ", chị Hòa chia sẻ.

Sau này, mỗi lần theo bố vợ đi uống bia hay đi chơi, thấy anh nói tiếng Nghệ, người xung quanh tròn mắt nhìn. Có người không nén được tò mò hỏi: "Sao cậu nói hay quá vậy?". Người đàn ông Đức cười nói: "Bởi tôi là rể Nghệ An mà!"

Dù chưa từng rèn luyện qua khóa học chính thống nào, chỉ nghe rồi nói theo nhưng trình độ tiếng Việt của Martin tốt lên theo thời gian. Anh cũng tự học ghép vần, phát âm nên sau nhiều năm có thể đọc được một bài thơ dài bằng tiếng Việt và viết được những câu đơn giản. Trên giá sách, anh có nhiều cuốn về Việt Nam do những tác giả người Đức viết. Chàng rể ngoại quốc cũng tìm hiểu về các danh nhân, anh hùng dân tộc và đặc biệt ngưỡng mộ Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh Martin Knöfel và bố vợ trong chuyến về thăm Việt Nam, tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không sinh sống tại Việt Nam nhưng Martin có quan hệ tốt với gia đình vợ. Mỗi cuối tuần, anh lại gọi điện hỏi thăm ba mẹ vợ bằng tiếng Nghệ. Hoặc khi nào muốn nói chuyện, thấy vợ nấu món ăn mới là lại gọi cho ba để khoe. Martin còn nhớ hết tên họ hàng, hàng xóm, thậm chí bạn bè của bố mẹ để mỗi khi ai nhắc tới đều gửi lời hỏi thăm.

Yêu Việt Nam, chàng rể ngoại quốc yêu luôn ẩm thực quê vợ, đặc biệt là nước mắm. Bữa ăn nào trên mâm cơm của hai vợ chồng cũng có một bát nước chấm được pha đúng kiểu Nghệ An với gừng, tỏi, chanh và ớt cay. Người đàn ông này nghiện đến nỗi nếu trên bàn không có nước mắm, nhất định không ăn. Mỗi lần đi siêu thị, thứ đầu tiên anh chọn là nước mắm, mỗi chuyến du lịch mang đi ba chai vì sợ ở nơi lạ người ta không bán.

Ngoài nước mắm, Martin còn thích những món ăn Việt khác như bún, phở, nem, lẩu. Hầu hết bữa cơm của hai vợ chồng đều nấu theo kiểu Việt. Ngày thường đi làm về muộn, bữa tối họ thường có ba món chính là món mặn, canh và cơm. Cuối tuần có thời gian, chị Hòa sẽ chế biến cầu kỳ hơn như bún, phở hay đồ nướng.

Chị Hòa chia sẻ, bản thân luôn thấy hạnh phúc vì dù sống ở một đất nước xa lạ nhưng lại được nói tiếng mẹ đẻ và ăn những bữa cơm như người Việt hàng ngày. Không chỉ được chia sẻ mọi công việc, chị còn được chồng quan tâm tới cảm xúc vui buồn.

"Chỉ cần gọi điện cho vợ, nghe giọng là anh biết ngay tâm trạng tôi hiện như thế nào", chị Hòa nói. Dù đôi lúc vợ chồng mâu thuẫn nhưng họ không giận nhau được lâu, bởi chỉ cần nghe anh cất lên tiếng Nghệ, chị lại thấy ấm lòng.

Clip anh Martin Knöfel hỏi vợ về nước mắm Việt trong bữa ăn của hai vợ chồng.

Hơn một năm nay, người vợ Việt thường xuyên đăng tải clip hai vợ chồng nói chuyện với nhau bằng tiếng Nghệ An lên trang cá nhân. Với chất giọng lơ lớ, biểu cảm khuôn mặt chân thành của Martin khi nói chuyện nhận được sự yêu thích của nhiều người.

"Không chỉ tôi mà mọi người xem video đều cảm thấy vui vẻ, giảm căng thẳng. Những câu tiếng Nghệ hóm hỉnh của anh cũng khiến gia đình luôn tràn ngập tiếng cười", người vợ chia sẻ.

Tác giả: Hải Hiền

Nguồn tin: vnexpress.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP