Xã hội

Những chàng rể Tây ăn tết Việt

Tết đến, những chàng rể Tây cũng háo hức chào Xuân. Khi được hỏi về cảm xúc đón Tết ở quê vợ, họ đều chung câu trả lời: Rất tuyệt vời!

Những ngày cuối năm, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Ngân ở đường Bùi Hữu Nghĩa, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bận rộn hơn. Chồng chị là anh John Russell Hurst, quốc tịch Mỹ cũng góp tay dọn dẹp nhà cửa. Đây là năm thứ 2 John đón Tết ở Việt Nam cùng gia đình vợ.

John rất thích Tết Việt Nam vì đó là dịp sum vầy các thành viên trong gia đình. Ngày giáp Tết, John cùng vợ con đi chợ, mua bánh, kẹo và không quên mua một cây Mai, cành Đào đặt trong nhà. John rất nể phục mẹ vợ khi mình bà tự tay bày soạn mâm cúng đêm giao thừa với rất nhiều món được trình bày đẹp mắt: một con gà ngậm bông hồng đỏ, một đĩa giò, đĩa xôi... đậm nét bản sắc Việt.

Vợ chồng anh John Russell Hurst đi chợ Xuân.

“Trong dịp Tết, cả bốn thế hệ trong nhà quây quần bên nhau nên tôi cảm thấy rất tuyệt vời. Ở bên Mỹ thì điều này hoàn toàn không có được. Giao thừa, mẹ vợ tôi làm một mâm cơm cúng nhỏ. Các thành viên trong gia đình cũng phụ giúp mẹ làm cơm, quây quần bên nhau, mở nhạc Xuân và đón không khí Tết. Tôi cảm thấy mọi thứ rất nhẹ nhàng và thoải mái. Các thành viên trong gia đình đã có một năm vất vả, khi Tết đến mọi người được ở bên nhau thì tôi thấy rất hạnh phúc và đầm ấm”, anh John chia sẻ.

Cũng giống như anh John Russell Hurst, ông Iliyas Mamatov, người Nga, 45 tuổi cũng có một cuộc sống rất hạnh phúc với người vợ Việt. Tổ ấm của đôi vợ chồng Nga - Việt này nằm trên đường Trần Bạch Đằng, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Iliyas chọn Đà Nẵng làm nơi ở và làm việc lâu dài. Ông yêu Đà Nẵng từ những điều bình dị nhất.

Câu chuyện về lòng tốt của người Đà Nẵng đã níu chân ông ở lại với thành phố biển xinh đẹp này. Ông Iliyas nhớ mãi trong một đêm đi làm về muộn, khi xe máy hết xăng lập tức có một nhóm sinh viên tới ngỏ ý mua xăng giúp ông. Nhóm sinh viên này hỏi ông có tiền không thì một người bảo vệ tòa nhà gần đó chạy tới rút ví đưa 50.000 cho các bạn sinh viên chạy đi mua xăng giúp người khách nước ngoài. Ông Iliyas nói rằng, Đà Nẵng xinh đẹp càng thêm thân thiện từ lòng tốt của những cư dân thành phố này.

Đã ba năm ăn Tết ở Đà Nẵng, Iliyas Mamatov háo hức chờ đón Xuân về. Trước Tết, ông cùng mọi người trong gia đình dọn dẹp nhà cửa, ra chợ mua những chậu hoa cúc về trang trí trong nhà. Đêm giao thừa, Iliyas trao phong bao lì xì tặng người thân bên nhà vợ. Ông cũng được nhận lại phong bao mừng tuổi từ người lớn trong gia đình vợ.

Năm nay, Iliyas Mamatov (thứ 2 từ trái qua) lại được đón Tết tại Đà Nẵng cùng gia đình vợ.

Ông Iliyas mong đợi Tết đến mang theo những lời chúc an lành: “Tết năm nào, tôi vẫn rất mong đợi, đón chờ. Cảm xúc của tôi lúc này như mấy đứa nhỏ chờ đợi quà trong Giáng sinh vậy. Tôi rất háo hức mong chờ những điều tuyệt vời sắp đến. Đây sẽ là một cái Tết nữa tại Việt Nam mà tôi được đón cùng với gia đình. Năm nay tôi cũng mong muốn mọi điều tốt đẹp hơn, vạn sự như ý đối với tất cả thành viên trong gia đình”.

Còn với anh Yann Perrot, mỗi độ Xuân về lại mang đến cho chàng rể người Pháp này những niềm vui, hạnh phúc tuyệt vời cùng gia đình vợ. Mùa Xuân này Yann Perrot bước sang tuổi 36, là điều phối viên ở Viện Pháp tại thành phố Đà Nẵng. Cách đây 8 năm, từ mối duyên trong công việc, anh Yann và chị Đặng Thị Thảo ở tỉnh Nam Định nên duyên vợ chồng.

Nhớ lại năm đầu tiên ở lại Việt Nam ăn Tết, Yann rất bỡ ngỡ. Đó là Tết Nguyên đán 2011, Yann về Nam Định du Xuân cùng vợ. Từ đó, Yann rất yêu thích ẩm thực ngày Tết. Món bánh chưng, thịt gà, nem rán, giò lụa, thịt đông đậm đà hương vị Việt khiến Yann không thể nào quên. Yann vẫn nhớ cái vị cay cay của rượu nếp do chính tay mẹ vợ nấu, uống vào dịu ngọt mùi gạo nếp. Yann cũng đặc biệt ấn tượng với phong tục “đập đất, xông nhà” vào đêm giao thừa của người Việt.

“Trong đêm giao thừa, văn hóa người Việt có tục “đập đất, xông nhà”, nên khi Giao thừa cả gia đình tôi đều ra ngoài hết. Người nào có tướng số đẹp hợp với năm đó sẽ là người vào nhà trước. Cũng có một số năm tôi có tướng số đẹp nên được vào “xông nhà”. Sau đó thì cả nhà cùng chúc mừng năm mới, cho nhau những phong bì lì xì, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi ấn tượng nhất là phong tục “đập đất, xông nhà” của người Việt Nam”, chàng rể Yann vui mừng nói.

Rất nhiều chàng rể Tây tìm thấy niềm vui trong những Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Họ đã và đang có những kỷ niệm đẹp về đất nước, con người và truyền thống văn hóa trên quê hương thứ hai của mình./.

Tác giả: Phương Cúc

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: ăn tết việt ,rể tây

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP