Trong chu kỳ 5 năm thực hiện, năm học 2016 – 2017 là năm thứ hai tổ chức cấp huyện thị, năm thứ nhất tổ chức hội thi cấp tỉnh và chuẩn bị Liên hoan giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức 5 năm một lần vào năm học 2017 – 2018.
Trong phần thi ứng xử tình huống sư phạm trong công tác chủ nhiệm
Về mục đích Hội thi, chúng tôi không bàn nhiều, vì nó đã phản ảnh đúng yêu cầu của Thông tư: “Tuyển chọn, công nhận giáo viên đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, …tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi trường, mỗi địa phương và của cả nước, … từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực làm công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.
Tuy vậy, về nội dung và hình thức thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong Chương 2, Điều 6, ý d của Thông tư yêu cầu: “Thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm: giáo viên kể lại một việc làm để lại ấn tượng sâu sắc nhất của bản thân trong hoạt động chủ nhiệm và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo có liên quan đến câu chuyện đó”.
Thực tế, qua lần thứ nhất tổ chức Hội thi, chúng tôi đã chứng kiến nhiều sự trùng hợp các câu chuyện kể. Đó là do việc lạm dụng các câu chuyện có sẵn với sự sao chép bằng những lời kể gượng gạo, thiếu tự nhiên.
Bởi lẽ một việc ấn tượng sâu sắc nhất trong đời dạy học thì chắc chắn ai cũng có, tuy nhiên để sắp xếp lại, việc dùng từ và kể lại những mẫu chuyện đó thì không phải ai cũng kể lại được một cách hấp dẫn, lôi cuốn người nghe, đạt điểm cao và không phải giáo viên nào cũng có năng khiếu về kể chuyện, dù rằng giáo viên đó làm công tác chủ nhiệm rất tốt, được cha mẹ học sinh khen tặng trong việc dạy dỗ con em của họ.
Cũng nói thêm rằng, điều thiết thực nhất để đánh giá công tác chủ nhiệm là công tác giáo dục hàng ngày và đáng lưu ý nhất là tiết sinh hoạt cuối tuần của giáo viên chủ nhiệm thì trong Thông tư lại thiếu quan tâm. Đành rằng, việc bình xét đã được quy định theo Điều 5, ý 2, khoản b: “… tổ chức cho toàn thể giáo viên và lãnh đạo nhà trường bình bầu theo quy trình: nghe giáo viên báo cáo thành tích; thảo luận và xem xét minh chứng; đánh giá hồ sơ; chấm điểm các nội dung bình bầu; tổng hợp và công cố kết quả” .
Trong năm đầu tiên tổ chức Hội thi cấp thị xã, chúng tôi nghiên cứu Thông tư, thấy được vấn đề và đã đề nghị lãnh đạo thay đổi hình thức kể chuyện bằng một hoạt động quan sát tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần của giáo viên nhưng không được sự chấp thuận.
Và vì vậy, dù thực tế giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm, được nhà trường và phụ huynh đánh giá cao nhưng thiếu kỹ năng về kể chuyện, giáo viên đó sẽ không được công nhận là giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Theo chúng tôi, để Hội thi có ý nghĩa và hạn chế những tiêu cực, Bộ GD-ĐT cần có sự điều chỉnh.
Thứ nhất, cần nêu rõ trong Thông tư khuyến khích giáo viên tham gia dự thi, các cơ sở giáo dục tuyệt đối không nên ép buộc giáo viên.
Thứ hai, nên thay đổi Phần kể chuyện bằng việc dự giờ quan sát 1 tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần.
Với sự thay đổi này sẽ đánh giá thực chất hơn trong công tác chủ nhiệm, tránh được chuyện “đóng kịch” và hạn chế những rập khuôn dựa trên những câu chuyện có sẵn, mà qua Hội thi chúng tôi đã thực hiện.
Tác giả bài viết: Xuân Quang
Nguồn tin: