Trong nước

Cần có cơ chế để dân thực hiện quyền giám sát

"Tôi nghĩ rằng, muốn để dân giám sát thì phải làm sao có cơ chế cụ thể để dân thực hiện quyền này".

Nhận thức sâu sắc vấn đề phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm thực hiện phương châm 4 tại chỗ ở cơ sở để phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí trong giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ, cấp ủy tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương, thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội.

Cần phát huy dân chủ ở cơ sở như thế nào để phòng, chống tham nhũng hiệu quả? Phóng viên VOV phỏng vấn bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII về vấn đề này.

Bà Bùi Thị An – đại biểu Quốc hội khóa XIII

PV: Bà đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng ở cơ sở trong thời gian qua?

Bà Bùi Thị An: Trong giai đoạn vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những bước tiến dài và mang lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế.

Nếu phát huy tốt dân chủ thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện tốt hơn rất nhiều. Nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại, nếu nói ra sợ bị động chạm đến người nọ người kia, vì vậy mà còn dè dặt. Chưa có nhiều người dám đứng ra tố cáo khi phát hiện những sai phạm. Do đó, trong giai đoạn tới cần nâng cao, phát huy dân chủ ở cơ sở tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

PV: Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhằm phát huy và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống giặc tham nhũng, thưa bà?

Bà Bùi Thị An: Trong công tác phòng, chống tham nhũng mà có dân tham gia thì hiệu quả lớn hơn nhiều vì "chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước". Trong suốt quá trình lịch sử của đất nước đã chứng minh, có dân là có tất cả, không có dân là mất tất cả. Cho nên trong cuộc phòng, chống tham nhũng, việc dân tham gia là vô cùng quan trọng.

Từ khi có Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đến nay, dân được tham gia, giám sát công tác phòng, chống "giặc nội xâm". Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII đã thêm cụm từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", cho nên vị trí của người dân lúc này rất quan trọng.

Tôi nghĩ rằng, muốn để dân giám sát thì phải làm sao có cơ chế cụ thể để dân thực hiện quyền này. Ý kiến của dân sau khi nêu ra sẽ như thế nào, ai sẽ trả lời, trả lời trong bao lâu và trách nhiệm giải trình của cấp có thẩm quyền như thế nào. Quyền giám sát của người dân phải được cụ thể hóa, được luật hóa.

Bên cạnh đó, cần chọn những người đứng đầu có tâm, có tầm, có đức, xuất phát từ quyền lợi của dân để đưa ra những chính sách.

Theo đó, làm thế nào thể chế hóa việc dân giám sát, quyền của dân đến đâu, làm như thế nào, ý kiến của dân sẽ được trả lời, giải trình như thế nào. Có như vậy, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tốt hơn nhiều, từ đó làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Cần cố gắng chọn những người đứng đầu ở địa phương, ở các ngành là những người có đủ có phẩm chất, đạo đức, lấy dân làm gốc để làm chính sách thì khi đó sự tham gia giám sát của dân sẽ hiệu quả hơn, thực chất hơn nhiều.

Mặc dù Văn kiện Đại hội Đảng đã nêu và ngay trong điều 9 của Hiến pháp quy định MTTQ có quyền giám sát, song tôi cho rằng, vẫn cần tiếp tục nâng lên, cụ thể hơn thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Khi dân đã đồng thuận thì nhất định sẽ thắng lợi.

PV: Việc phát huy dân chủ ở cơ sở được coi là chìa khóa cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Tuy nhiên, khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phần nào cho thấy vẫn còn nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực chưa giải quyết thấu đáo vấn đề này, khiến người dân chưa thực sự hài lòng về cách làm việc ở chính quyền cơ sở. Ý kiến của bà như thế nào?

Bà Bùi Thị An: Các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan quản lý cấp trên phải tham gia giám sát việc thực hiện luật của cán bộ cấp dưới như thế nào. Ví dụ, giám sát việc thực hiện Luật tiếp công dân xem cán bộ có thực hiện đầy đủ không, trả lời khiếu nại, tố cáo có đúng quy định của Luật không… Tất cả đều phải công khai, minh bạch.

Luật tiếp cận thông tin đã quy định, tất cả phải được công khai, minh bạch. Thông tin đến dân một cách trực tiếp, đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân thì việc giám sát của dân mới hiệu quả.

Ngay cả việc lấy ý kiến của dân cũng phải có phương pháp, lấy ý kiến ở đâu, lấy bằng cách nào để không phải là hình thức.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP