Trong tỉnh

"Cả cuộc đời tôi đã thủy chung, trọn vẹn niềm tin với Đảng"

Đó là khẳng định của cụ Phan Tố Đức (108 tuổi, ở Thanh Chương, Nghệ An), 83 năm tuổi Đảng - người từng tham gia rải truyền đơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Kí ức tự hào

Những ngày đầu Xuân mới Quý Mão 2023, chúng tôi ghé thăm nhà cụ Phan Tố Đức (SN 1915, thôn Kim, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Thấy khách vào, với sự trợ giúp của cháu nội, cụ Đức gượng dậy. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", sức khỏe của cụ đã yếu hẳn và không còn được minh mẫn. Nhưng khi chúng tôi nhắc đến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, trông cụ phấn chấn hơn hẳn.

Cụ Phan Tố Đức - người từng tham gia rải truyền đơn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

108 tuổi đời, 83 năm tuổi Đảng, cụ Đức là lão thành cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Cụ Đúc nhớ lại, năm 1930, thực dân Pháp đàn áp, bóc lột đất nước ta một cách dã man và huyện Thanh Chương cũng không ngoại lệ. 15 tuổi, cậu thiếu niên Phan Tố Đức đã sớm giác ngộ tinh thần cách mạng.

Trước sự đàn áp, bóc lột của giặc, hàng vạn nông dân của huyện Thanh Chương biểu tình có vũ trang, chống trả quyết liệt ách cai trị của thực dân.

Cụ Đức kể, huyện Thanh Chương thời đó có rất nhiều đồn bốt là lính khố xanh, khố đỏ của Pháp đóng quân. Ngoài ra, còn có tri huyện, lính tráng thường xuyên đàn áp khiến cuộc sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Hình ảnh tái hiện phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại huyện Thanh Chương Nghệ An (Ảnh: Tư liệu).

"Khi đó tôi chỉ là một đứa trẻ nên không được tham gia các cuộc họp của người lớn. Nhiều hôm tôi nghe lén nội dung qua cửa sổ nên rất mong muốn được tham gia để đứng lên đấu tranh", cụ Đức nhớ lại.

Theo lời cụ Đức, khoảng cuối tháng 8/1930, không khí cách mạng rất sục sôi. Đêm 31/8/1930, các đội Tự vệ đỏ canh gác các ngả đường, bến đò để cô lập huyện đường Thanh Chương với các làng xã.

"Tôi đọc thông, viết thạo nên được giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn và đọc truyền đơn cho mọi người nghe. Nội dung truyền đơn kêu gọi mọi người đi biểu tình, đứng lên đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp", cụ Đức cho hay.

Một góc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.

Rạng sáng ngày 1/9/1930, sau tiếng trống phát lệnh ở các đỉnh núi cao, cả huyện Thanh Chương náo động tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hò reo. Suốt một ngày đấu tranh, đốt và đập phá nhiều tài sản ở huyện đường, hủy hồ sơ tài liệu, đập phá nhà giam, giải thoát tù nhân…, cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Chiều 1/9/1930, chính quyền Xô Viết được thành lập.

Trọn đời theo Đảng

108 tuổi đời, 83 tuổi Đảng cụ Đức vẫn luôn tự hào về những kí ức đã qua.

Gia cảnh khó khăn, khi đó chàng thiếu niên Phan Tố Đức đang theo học lớp Nhì đệ nhị ở địa phương nhưng buộc phải nghỉ giữa chừng. Được giác ngộ cách mạng nên cụ nhanh chóng trở thành "hạt nhân" trong phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng ở xã Võ Liệt.

"Ban đầu tôi vẫn chưa hình dung được Đảng là gì, có vai trò như thế nào?. Chỉ biết những việc Đảng đang vận động, đang thực hiện đều mong muốn người dân được hạnh phúc, ấm no. Vậy là tôi theo", cụ Đức tâm sự.

Không có nghi thức chào cờ, không đọc lời tuyên thệ... nhưng ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng, mãi mãi là ngày không thể nào quên đối với cụ Đức.

"Hôm ấy đúng ngày phiên chợ Rộ, có người nhắn tôi lên nhà anh Miên (người hàng xóm - PV), để bàn công việc. Tôi lên thì đã có 4 người ở đó và được thông báo về việc cần thiết phải thành lập một Chi bộ Đảng ở Võ Liệt để lãnh đạo phong trào ở đây. Tại buổi thành lập Chi bộ Đảng này, tôi được bầu làm Phó Bí thư phụ trách công tác tuyên truyền", cụ Đức nói với giọng đầy hãnh diện.

Đình Võ Liệt, huyện Thanh Chương - nơi đây là địa điểm họp bàn về công việc đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp những năm đầu 1930.

Sau cuộc Binh biến Đô Lương (13/1/1941), địch tăng cường khủng bố, vây ráp và đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị lộ, trong đó có Chi bộ Võ Liệt. Cụ Phan Tố Đức bị bắt, kết án 12 năm khổ sai và bị chuyển đến nhà lao Buôn Ma Thuột.

Chỉ vào những vết chai sạn trên cánh tay, cụ Đức kể, tại các nhà lao, địch tra tấn rất dã man nhằm buộc tù nhân khai ra các cơ sở, tổ chức Đảng nhưng ai cũng cắn chặt môi, giữ trọn khí tiết với Đảng.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nhiều nhà lao được phá, nhiều nhà hoạt động cách mạng được thả, trong đó có cụ Đức. Năm 1946, cụ Phan Tố Đức về lại Thanh Chương và được phân công nhiệm vụ Phó bí thư Đoàn thanh niên huyện, sau đó phụ trách công tác tuyên truyền.

Năm 1947, cụ Phan Tố Đức được bầu vào Ban chấp hành thanh niên tỉnh Nghệ An và công tác tại đây 2 nhiệm kỳ trước khi chuyển sang phòng liên lạc miền Nam. Sau đó cụ được điều trở lại phụ trách công tác tuyên truyền của huyện Thanh Chương và đảm trách công việc này trong suốt 20 năm.

Cả cuộc đời cụ đã thủy chung, trọn vẹn niềm tin với Đảng.

"Năm 1972, vợ tôi mất, để lại 7 đứa con nhỏ dại. Tôi quyết định xin nghỉ để thay vợ nuôi dạy các con", cụ Đức nói đồng thời nhấn mạnh: "Hơn 80 năm đi theo Đảng, tôi tự hào một điều là chưa bao giờ làm gì có lỗi với Đảng, với nhân dân. Cả cuộc đời tôi đã thủy chung, trọn vẹn niềm tin với Đảng".

Ông Bùi Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương tự hào nói: "Cụ Phan Tố Đức là cán bộ lão thành cách mạng, cả cuộc đời cống hiến cho quê hương, đất nước. 108 tuổi đời, 83 tuổi Đảng, cụ là tấm gương sáng cho các thế hệ con, cháu học tập và noi theo".

Tác giả: Nguyễn Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP