Trọng tài FIFA Võ Minh Trí sử dụng bộ đàm trong một trận đấu tại giải bóng đá chuyên nghiệp VN - Ảnh: Nam Khánh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Anh Tú - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) và ông Nguyễn Văn Mùi - trưởng ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đều cho rằng áp dụng VAR là chuyện xa vời với bóng đá VN.
Ủng hộ FIFA nhưng bóng đá VN không làm được
Là người trực tiếp có mặt tại Nga xem trận mở màn World Cup 2018, ông Trần Anh Tú cho biết đã cảm nhận được sự can thiệp của công nghệ VAR tại World Cup. Ông Tú nói rất ủng hộ FIFA đưa công nghệ hiện đại vào bóng đá nhưng bóng đá VN thì không làm được như FIFA.
Ông Tú chia sẻ: "Tôi nghĩ nên áp dụng công nghệ hiện đại vào bóng đá để giảm thiểu những sai sót từ trọng tài. Trước kia người ta coi sai sót của trọng tài là một phần của bóng đá nhưng khi công nghệ phát triển, có nhiều cách để hạn chế sai sót của con người thì nên ủng hộ, không nên bảo thủ".
"Trong tennis đã từ rất lâu người ta áp dụng công nghệ mắt diều hâu (hawk eye) để giảm sai sót, giờ bóng đá có VAR là điều rất mừng. Tôi nghĩ FIFA là một trong những liên đoàn thể thao hùng mạnh, rất hiện đại, tích cực đổi mới. FIFA liên tục nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật mới trong mỗi mùa World Cup để phát triển môn thể thao vua".
Trước câu hỏi về việc FIFA đã đưa VAR vào World Cup, vậy đến bao giờ bóng đá VN mà cụ thể là V-League có thể sử dụng công nghệ này, ông Tú cho biết: "Câu hỏi này tôi không thể trả lời được vì thực sự không biết đến khi nào VN mới có thể áp dụng những công nghệ hiện đại này vào bóng đá".
"Muốn sử dụng VAR phải có rất nhiều tiền đầu tư kỹ thuật, con người mà hiện nay bóng đá VN chưa có khả năng. Công nghệ này rất phức tạp nên tôi nghĩ ngay cả liên đoàn bóng đá các quốc gia phát triển chưa chắc thực hiện được".
VAR vẫn còn nhiều bất cập
Trưởng ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi cho biết dù ủng hộ FIFA áp dụng VAR nhưng theo ông, việc dùng công nghệ này trong bóng đá cũng mang đến rất nhiều bất cập.
Ông Mùi nói: "Áp dụng VAR mang đến công bằng hơn cho bóng đá nhưng cũng có nhiều bất cập. Mặc dù được trang bị rất nhiều camera nhưng không phải ở tình huống nào, góc quay nào hình ảnh cũng sắc nét, giúp xác định chính xác tình huống".
"Mỗi khi trọng tài chính sử dụng VAR phải mất ít nhất 15-20 giây để xem lại tình huống gây gián đoạn trận đấu, mất cảm xúc cho người xem. Tính liên tục của một trận đấu bị ảnh hưởng và nhiều đội bóng cũng lên tiếng không hài lòng về việc này".
Tuy nhiên, ông Mùi cho biết vẫn ủng hộ VAR. "VAR giúp trọng tài có thể sửa sai kịp thời nếu có. Điều đó trước đây không thực hiện được. Hiện VAR sử dụng trong bốn trường hợp: xác định bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ, nhầm lẫn về thẻ, nếu các tình huống này xảy ra sai sót thì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cục diện trận đấu. Do vậy dù bất cập nhưng muốn công bằng hơn cho bóng đá thì phải ủng hộ VAR", ông Mùi nói.
Ông Mùi cho biết hiện FIFA đã đưa công nghệ VAR vào Luật FIFA và chính thức áp dụng từ World Cup 2018. Sau này chắc chắn FIFA sẽ sử dụng công nghệ này tại các giải đấu lớn như World Cup U17, U20, World Cup nữ…
Dù vậy việc áp dụng VAR đại trà trên toàn thế giới, theo ông Mùi, là rất khó khăn. Với các liên đoàn bóng đá thành viên, tùy điền kiện thực tế có thể áp dụng hay không áp dụng.
Ông Mùi chia sẻ: "VAR cần đầu tư nhiều máy quay, phòng điều hành, đội ngũ kỹ thuật và trọng tài VAR. Tôi cho rằng chỉ các nền bóng đá hàng đầu thế giới, các giải đấu mang tầm thế giới mới có đủ năng lực tài chính và con người để áp dụng VAR. Những quốc gia như VN thì không có đủ trọng tài, không đủ tiền để áp dụng công nghệ này trong thời điểm hiện nay, còn vài chục năm nữa thì tôi không biết được".
Năm 2013 khi VPF được thành lập, ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch HĐQT VPF thời điểm đó, đã quyết định đầu tư hệ thống bộ đàm hiện đại có ghi âm cho đội ngũ trọng tài VN. Tuy nhiên theo ông Mùi, thời gian gần đây thế hệ bộ đàm được đầu tư giai đoạn 2013 đã hỏng nên VPF mua bộ đàm mới cho trọng tài, các thiết bị này giờ không có ghi âm như xưa.
Tác giả: KHƯƠNG XUÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ