Nhiều cựu chiến binh của xã Diễn Thịnh chưa được hưởng quyền lợi |
Mặc dù người dân đã gửi nhiều đơn khiếu nại nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Từ mừng thật đến mừng... hụt
Ông Võ Văn Lưu (75 tuổi, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) đã phục vụ trong quân ngũ nhiều năm và là thương binh hạng 4/4. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà ở dột nát, năm 2014, ông Lưu được UBND xã Diễn Thịnh phê duyệt hồ sơ sau khi nhận được thông báo có chính sách hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà ở mới cho người có công theo Quyết định 22 của Chính phủ. Tuy nhiên sau một thời gian chờ đợi, ông Lưu cùng hàng chục thương binh khác phát hiện không có trong danh sách được hưởng chế độ.
Ông Lưu vô cùng bức xúc cho hay, nhận được thông tin có hỗ trợ, “gia đình chúng tôi rất phấn khởi vì cuối đời cũng xây được căn nhà vững chắc. Tôi và nhiều cựu chiến binh trong xã đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu nộp cho chính quyền xã Diễn Thịnh. Tôi nghĩ có Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng nên đã vay thêm của anh em, họ hàng để đủ tiền làm nhà mới. Đến cuối năm 2018, thấy các xã khác đã nhận được tiền rồi mà chúng tôi thì chẳng thấy đâu, lên hỏi thì xã bảo tiền chưa về kịp. Năm 2019 vẫn không thấy có tiền hỗ trợ, xã hỏi huyện thì huyện thông báo 52 hộ của xã Diễn Thịnh không có trong danh sách hỗ trợ. Thật quá vô lý. Suốt nhiều tháng qua tôi đã cùng hàng chục thương binh khác liên tục tìm đến cơ quan chức năng để hỏi về quyền lợi”. Cũng như tình cảnh của ông Lưu, hiện hàng chục gia đình có công khác ở xã Diễn Thịnh được UBND xã phê duyệt hỗ trợ cũng đã vay tiền để xây mới, sửa chữa nhà cửa và “dài cổ” chờ nhận tiền hỗ trợ, nhưng cuối cùng “ngã ngửa” vì không có tên trong danh sách nhận tiền.
Trước đó, vào năm 2014, UBND xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An lập danh sách phê duyệt 53 hộ dân có công với cách mạng được nhận tiền hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở theo Quyết định 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 42 gia đình xây nhà mới được hỗ trợ mỗi gia đình 40 triệu đồng và 10 gia đình sửa chữa nhà ở được hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng (tổng cộng gần 1,9 tỉ đồng). Đến cuối năm 2019, 52 gia đình này lại không có trong danh sách thông báo của huyện được hỗ trợ tiền.
Trả lời về vấn đề này, ông Hà Huy Đồng, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết, năm 2014, xã đã làm đầy đủ hồ sơ cho 53 người để hưởng chế độ hỗ trợ nhà ở và đã gửi lên huyện. Nhưng sau đó, họ lại không có tên trong danh sách được phê duyệt. Hiện nay, nhiều người làm đơn để đòi quyền lợi, xã cũng đã kiến nghị huyện giải quyết.
Kiểm tra, kết luận nhưng vẫn chưa xử lý
Trước những khiếu nại của người dân, UBND huyện Diễn Châu đã thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện danh sách bổ sung đối tượng được hưởng chính sách cho người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Theo kết luận của Đoàn kiểm tra, 53 hồ sơ của 53 gia đình chính sách xã Diễn Thịnh đã được nộp tại Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Diễn Châu (cơ quan chủ trì đề án). Tuy nhiên, người phụ trách của phòng này đã bỏ sót, không đưa vào danh sách tổng hợp trong đề án để UBND huyện Diễn Châu phê duyệt hỗ trợ.
Kết luận này xác định, trách nhiệm bỏ sót 53 hộ dân này là của cán bộ Phòng Công thương (nay là Phòng Kinh tế - hạ tầng). Ngoài ra, qua kiểm tra, huyện Diễn Châu còn phát hiện 114 gia đình người có công ở các xã Diễn Phú, Diễn Minh, Diễn Cát… cũng bị mất quyền lợi khi không có trong danh sách được phê duyệt. Cụ thể tại xã Diễn Minh còn 13 hộ gia đình không có trong đề án được duyệt; xã Diễn Phú có 67 trường hợp không được phê duyệt trong đề án do xã nộp chậm hồ sơ (hạn nộp hồ sơ trước ngày 25.4.2014 nhưng đến gần 1 tháng sau, xã Diễn Phú mới nộp cho Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện). Quá trình tham mưu, tổng hợp, phòng này đã thiếu sự kiểm tra, rà soát nên không đưa 53 trường hợp tại xã Diễn Thịnh vào để huyện phê duyệt.
Ông Lê Mạnh Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, sau khi phát hiện người có công bị mất quyền lợi do sự tắc trách của cán bộ, UBND huyện đã yêu cầu Phòng Nội vụ huyện tham mưu để xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm, đồng thời báo cáo sự việc với UBND tỉnh Nghệ An và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh vì huyện không có ngân sách để giải quyết. Hiện, huyện đang rất khó xử lý bởi chương trình làm nhà ở cho người có công đã kết thúc từ cuối năm 2019. Việc bổ sung hồ sơ của các thương binh này cũng không thể thực hiện vì không có kinh phí. Chỉ tính riêng 53 trường hợp ở xã Diễn Thịnh, số tiền để làm và sửa nhà đã là hàng tỉ đồng.
Dư luận rất bức xúc khi cán bộ huyện để xảy ra sai phạm khiến các đối tượng chính sách bị bỏ sót quyền lợi. Đặc biệt sự việc xảy ra đến nay đã 8 tháng kể từ khi huyện Diễn Châu có kết luận vụ việc sau khi lập tổ kiểm tra công vụ, địa phương này vẫn chưa xử lý kỷ luật một trường hợp nào. Người dân mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý sự việc để giải quyết quyền lợi cho thương binh, những người có công với đất nước.
Sau khi phát hiện người có công bị mất quyền lợi do sự tắc trách của cán bộ, UBND huyện đã yêu cầu Phòng Nội vụ huyện tham mưu để xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm, đồng thời báo cáo sự việc với UBND tỉnh Nghệ An và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh vì huyện không có ngân sách để giải quyết. Việc huyện đang rất khó xử lý bởi chương trình làm nhà ở cho người có công đã kết thúc từ cuối năm 2019. Hiện, bổ sung hồ sơ của các thương binh này cũng không thể thực hiện vì không có kinh phí. Chỉ tính riêng 53 trường hợp ở xã Diễn Thịnh, số tiền để làm và sửa nhà đã là hàng tỉ đồng. (Ông LÊ MẠNH HIÊN, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Nghệ An) |
Tác giả: Phạm Tước
Nguồn tin: Báo Văn Hóa