Trong nước

Bộ Nội vụ đề xuất trả lương cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Công chức TP Thủ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết dự kiến ban đầu khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, số tỉnh, thành từ 63 đơn vị dự kiến còn 34 đơn vị, cấp xã từ hơn 10.000 xã dự kiến còn 5.000 xã.

Theo dự kiến, cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có thể được đưa về xã. Tại dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện chế độ công chức thống nhất từ trung ương đến địa phương, không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Trong 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Chủ trương trên đặt ra vấn đề tuyển dụng, chọn lọc, quản lý, trả lương với cán bộ, công chức như thế nào để đáp ứng được yêu cầu công việc mới.

Cơ sở để trả lương theo vị trí việc làm nên tính thế nào?

Trong dự Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới.

Đây là điểm mới của dự luật khi Bộ Nội vụ đề xuất bỏ toàn bộ quy định về ngạch công chức trong luật hiện hành, thay vào đó Chính phủ sẽ quản lý theo vị trí việc làm.

Dự luật dành một chương riêng quy định về vị trí việc làm, trong đó có vị trí việc làm của công chức gồm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, làm hỗ trợ, phục vụ.

Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.

Cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Dự luật quy định rõ về căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức. Đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về vị trí việc làm.

Trong hồ sơ xây dựng dự luật sửa đổi, Bộ Nội vụ đã tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia về tiền lương của công chức và đưa ra một số đề xuất.

Theo đó, các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm tiền lương, thưởng, phụ cấp đi lại, cư trú, khu vực… không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm.

Tiền lương được xây dựng tính theo mức trung bình của xã hội và khu vực tư nhân. Vì vậy để đảm bảo đời sống cho công chức, giúp công chức yên tâm công tác, hạn chế việc làm thêm cũng như tiêu cực.

Do vậy bộ đề xuất Việt Nam cần trả lương theo vị trí việc làm. Cơ sở để trả lương phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động.

Bộ Nội vụ cho rằng có như vậy mới giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác và góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và "chảy máu chất xám".

Đề xuất thuê tổ chức độc lập tuyển dụng công chức với số lượng lớn

Cũng tại hồ sơ xây dựng dự luật, Bộ Nội vụ tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia về tuyển dụng công chức, đưa ra một số đề xuất.

Theo Bộ Nội vụ, về môn thi các quốc gia không tổ chức thi môn kiến thức chung mà tập trung thi tuyển hoặc phỏng vấn về chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Vì không phải vị trí việc làm nào cũng yêu cầu ngoại ngữ và công chức trong quá trình làm việc phải cam kết sử dụng được ngoại ngữ trong công việc. Nếu không đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá công việc của công chức.

Đối với môn kiến thức chung, trong quá trình tập sự, công chức sẽ được người hướng dẫn truyền đạt và tìm hiểu về kiến thức hệ thống chính trị, hành chính và pháp luật. Như vậy sẽ tiết kiệm chi phí cho cơ quan tuyển dụng và công sức của thí sinh.

Đối với hình thức thi tuyển, Bộ Nội vụ dẫn kinh nghiệm các nước cho rằng nên ưu tiên hình thức xét tuyển.

Đối với cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít thì phân cấp cơ quan tự tuyển dụng vì gắn với yêu cầu sử dụng. Đối với cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nên thuê tổ chức tuyển dụng độc lập.

Bộ đề xuất bổ sung hình thức tuyển dụng nội bộ, cụ thể ưu tiên những người có kinh nghiệm trong khu vực công hoặc những người đang thực hiện làm việc theo chế độ hợp đồng tạo động lực thăng tiến trong nền công vụ.

Cũng theo báo cáo, Úc, Thái Lan và Nhật Bản sử dụng danh sách trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên, dựa trên kết quả tuyển dụng cho một vị trí tuyển dụng khoảng 5 người có số điểm cao nhất.

Nếu người đứng vị trí thứ nhất mà không thể nhận việc do vi phạm quy trình tuyển dụng, bằng cấp hay sức khỏe… thì cơ quan quyết định tuyển dụng người đứng ở vị trí thứ 2 hoặc sử dụng danh sách ưu tiên để bổ sung vào các vị trí tương đương trong cơ quan.

Như vậy sẽ sử dụng tối đa kết quả tuyển dụng và tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí tổ chức tuyển dụng công chức.

Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng danh sách 5 thí sinh có số điểm cao nhất theo thứ tự ưu tiên để dự phòng cho các vị trí khuyết.

Tại Nhật Bản, Thái Lan… quy định thời gian tập sự, thử việc từ 3 - 6 tháng để công chức rút ngắn thời gian tập sự, thử việc, thực hiện các công tác đào tạo, bổ nhiệm, tính thâm niên công tác cho công chức.

Hiện nay thời gian tập sự ở Việt Nam là 12 tháng, nếu công chức không vi phạm pháp luật thì đa số công chức được nhận xét đạt yêu cầu tập sự.

Vì vậy Việt Nam cân nhắc việc rút ngắn thời gian tập sự, thử việc cho công chức để sớm được bổ nhiệm chính thức, thực hiện quy trình sử dụng, quản lý công chức.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP