Thí sinh tham dự thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn |
Áp lực, căng thẳng
Thời điểm này, các địa phương đang tiếp tục “nóng” về việc công bố môn thi, thời gian tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10. Hầu hết các tỉnh, thành phố tổ chức thi tập trung, mô hình tương tự thi tốt nghiệp, với 3 môn thi Văn - Toán - Ngoại ngữ hoặc Văn-Toán-Môn thứ 3. Một số địa phương tổ chức thi thêm môn tổ hợp.
Với việc bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS và tính chất “đại trà” của việc công nhận tốt nghiệp THCS, thì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được xem là đặc biệt quan trọng, có tác dụng nâng cao chất lượng đầu vào cho bậc THPT.
Nhiều nơi, các lớp ôn luyện thi vào lớp 10 mở liên tục, các em học sinh lớp 9 miệt mài ôn luyện trong thời tiết nóng bức. Kỳ thi tạo ra áp lực rất lớn đối với các nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh, tốn kém kinh phí cho các cơ sở giáo dục.
Theo nhà giáo Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh), hiện đang có tình trạng hiểu sai về mục đích của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. “Nhiều nhà quản lý giáo dục, nhà giáo cho rằng tuyển sinh lớp 10 là kì thi bắt buộc, nhưng thực chất không đúng”-thầy Lê Văn Vỵ nói.
Nhà giáo Lê Văn Vỵ phân tích: Theo quy định của Luật Giáo dục 2005 và 2019, giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông. Đây là các cấp học có tính chất liên thông, học sinh đạt chuẩn của cấp học này thì được cấp bằng tốt nghiệp và được học tiếp lên cấp tiếp theo.
Các học sinh đã tốt nghiệp THCS đều đủ điều kiện lên học lớp 10. Nhưng do các địa phương không đáp ứng đủ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục công lập, nên có tình trạng số lượng học sinh đăng ký vào trường THPT cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Lúc này nhà trường buộc phải có giải pháp để chọn đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Nếu số lượng học sinh đăng ký vào trường thấp hơn hoặc ngang bằng chỉ tiêu tuyển sinh, thì trường không tổ chức thi tuyển, mà tổ chức xét tuyển.
Không bắt buộc tổ chức thi tuyển lớp 10
Theo quy định hiện hành, Bộ GDĐT không có quy định bắt buộc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, mà tùy theo điều kiện cụ thể, có thể tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển.
Tính chất “mở” và không bắt buộc của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 càng được khẳng định khi Bộ GDĐT không quy định cụ thể số lượng các môn thi, và hình thức tổ chức coi thi, chấm thi.
Năm 2019, Đà Nẵng đã bãi bỏ môn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chỉ thi hai môn Toán và Ngữ văn. Việc làm nói trên được đại diện Bộ GDĐT khẳng định là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố, bộ không có quy định nào bắt buộc về việc này.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đa số phụ huynh muốn giảm áp lực trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Vì vậy, thiết nghĩ các địa phương cần xem xét điều chỉnh các quy định như giảm bớt số môn thi, giao quyền tự chủ cho các trường THPT về khâu tuyển sinh, tổ chức xét tuyển đối với những trường tỉ lệ “chọi” thấp..nhằm giảm áp lực cho học sinh, tiết kiệm kinh phí.
Quan niệm phải tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 nhiều môn, làm chặt chẽ để nâng cao chất lượng đầu vào cấp THPT cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vì kiểu học nhồi nhét để đối phó với kỳ thi không làm cho học sinh giỏi hơn, mà việc nâng cao chất lượng giáo dục cần được tiến hành đồng bộ, trong cả quá trình.
Một vấn đề nữa, là con em gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo… cần được ưu tiên trong tuyển sinh vào các trường công lập. Cần xem xét tuyển thẳng các đối tượng này, còn lại chỉ tiêu thì mới tổ chức thi, xét tuyển.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao Động