|
Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhiều lần ra thông báo đến cá nhân, tổ chức có liên quan lô hàng ô tô BMW đến làm thủ tục theo quy định nhưng vẫn “bặt vô âm tín”.
Không phải vô chủ
Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép đang lưu giữ 118 container tại cảng CMIT với số lượng khai báo trên Manifest (bản khai hải quan) là 256 chiếc xe hiệu BMW. Tuy nhiên, dù cơ quan hải quan đã nhiều lần phát thông báo vẫn không thấy chủ lô hàng 256 ô tô BMW đến làm thủ tục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số ô tô trên mới 100% và được nhập về Việt Nam nhiều đợt. Đợt nhiều nhất nhập về 44 container vào tháng 3-2017. Hơn một năm qua, những ô tô này vẫn nằm yên trong các container ở cảng.
Chính vì vậy Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề xuất tái xuất lô hàng khỏi Việt Nam chuyển trả cho nơi xuất ở nước ngoài do không có chủ hàng đến nhận.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về lô hàng trên, ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, khẳng định: “Chủ lô hàng 118 container với hơn 250 ô tô tại cảng Cái Mép là của hãng BMW (Đức) chứ không phải vô chủ. Còn bên nhận hàng là một đại lý nhập khẩu ô tô tại Việt Nam”.
Tuy từ chối cung cấp thông tin chi tiết về đơn vị nhận hàng tại Việt Nam nhưng ông Tuấn cho hay: Lý do phía đơn vị đại lý nhập khẩu ô tô có thông tin trên Manifest của lô xe BMW không đến nhận là do lô hàng này giao chậm, không theo thỏa thuận nên đơn vị này từ chối nhận.
Lô xe BMW phơi nắng phơi mưa không có ai đến nhận. Ảnh: INTERNET |
“Lô ô tô BMW chưa làm thủ tục hải quan và cũng không liên quan đến vụ buôn lậu của Công ty Cổ phần Ô tô Âu Châu (Euro Auto)” - ông Tuấn cho biết thêm.
Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), nhà nhập khẩu và phân phối chính thức thương hiệu ô tô BMW tại Việt Nam kể từ ngày 1-1-2018, cũng khẳng định: Lô hàng 256 ô tô BMW trên không phải của Thaco. Hiện Thaco đã bán ra thị trường các mẫu xe của BMW với mức giá công bố 1,5-4,1 tỉ đồng/chiếc tùy mẫu xe.
Trước đó, hồi năm 2017, hơn 600 ô tô BMW cũng phơi mưa phơi nắng hơn một năm tại cảng VICT (TP.HCM). Nguyên nhân do Công ty nhập khẩu Euro Auto có nhiều sai phạm và có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng. Tổng giám đốc Công ty Euro Auto và những người liên quan có nhiều sai phạm, sau đó bị bắt về hành vi buôn lậu.
Tại buổi họp báo công bố Thaco là nhà nhập khẩu, phân phối BMW đầu năm 2018, ông Paul de Courtois, Giám đốc điều hành của BMW châu Á, xác nhận hãng sẽ xuất ngược trở lại Đức lô xe BMW gồm 600 chiếc này do những chiếc xe lưu ở cảng trong một thời gian dài, xuống cấp, chất lượng không đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu BMW.
Không nhận có thể bị tiêu hủy
Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, cho biết một lô hàng khi nhập vào cảng Việt Nam đều có thông tin bên chủ hàng và bên nhận. Tuy nhiên, thông tin này có thể thay đổi và không chính xác. Mặt khác, vì rất nhiều nguyên nhân mà bên nhận không đến nhận hàng.
Ví dụ, có thể hãng tàu giao nhầm cảng; lô hàng từ Mỹ chia làm hai phần một phần giao ở Việt Nam, một phần giao ở nước khác nhưng bị nhầm lẫn; hãng tàu giao lô hàng nước khác cho khách hàng ở Việt Nam.
Ngoài lô hàng ô tô 256 chiếc, tại cảng Cái Mép có 52 container hàng hóa thuộc nhiều mặt hàng gồm hàng tiêu dùng, điện tử, thực phẩm, dệt may... cũng được nhập về trong các năm 2016 và 2017 nhưng không có người đến nhận. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép đã và đang phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xử lý. |
Ngoài ra, ông Tuấn thông tin có thể do hàng kém chất lượng, giao hàng không đúng hợp đồng nên bên nhận không nhận hàng. “Có nhiều lô hàng do khoản thuế, phí phải đóng quá cao gấp nhiều lần giá trị lô hàng nên bên nhận hàng không đến làm thủ tục khai báo nhận hàng. Đối với lô hàng không có ai đến nhận thì xử lý theo đúng quy định về xử lý hàng tồn đọng theo Thông tư 203/2014 của Bộ Tài chính” - ông Tuấn cho hay.
Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ Việt Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thuộc Cục Hải quan TP.HCM, cho biết: Hàng hóa từ nước ngoài nhập vào Việt Nam khai trên bản khai hải quan của hãng tàu, sau khi nhập cảnh vào cảng nước ta thì khai bản khai hải quan cho đơn vị cảng và cơ quan hải quan. Bản khai hải quan thực ra chỉ là bản lược khai mang tính chất thông lệ chứ không xác nhận đó chính xác là lô hàng của công ty đó, chưa có giá trị pháp lý.
“Cơ quan hải quan chỉ nắm thông tin trên bản khai hải quan khi lô hàng đó cập cảng hạ bãi thôi. Ví dụ trên bản khai ghi bên nhận là Công ty A nhưng thật sự có phải của Công ty A hay không thì lúc đó chưa thể chắc chắn. Vì phía hãng tàu có thể thay đổi thông tin chủ hàng, người nhận hàng ngay sau đó. Chỉ khi nào hãng tàu phát đi lệnh giao hàng, nếu Công ty A có lệnh giao hàng đến mở tờ khai để nhận hàng mới xác định rõ thuộc sở hữu của Công ty A” - ông Tiến nói rõ.
Ông Tiến cho biết theo quy định của Thông tư 203/2014 của Bộ Tài chính, nếu không có ai đến nhận thì tùy vào từng mặt hàng để có các hình thức xử lý khác nhau như chuyển giao cho cơ quan nhà nước, bán đấu giá hoặc tiêu hủy.
Theo Thông tư 203/2014 của Bộ Tài chính về xử lý hàng tồn đọng, hàng hóa tồn đọng thuộc đối tượng giám sát hải quan được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng) bao gồm: • Hàng hóa mà chủ hàng hóa tuyên bố từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ. Không thừa nhận việc chủ hàng hóa từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ đối với hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. • Hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận. • Hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa. • Hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, bản khai hàng hóa nhưng không có người đến nhận. |
Tác giả: QUANG HUY
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM