Reuters ngày 5-12 trích lời quan chức thuộc đảng của ông Saleh cho biết, cựu Tổng thống Yemen đã bị nhóm phiến quân Houthi sát hại ở phía Nam Thủ đô Sanaa vào ngày 4-12. Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh người nghi là ông Saleh bị thương nghiêm trọng ở đầu và được những người có vũ trang bọc vào chăn khiêng đi.
Vài giờ sau, một nhân vật thân cận với ông Saleh đã xác nhận thông tin ông thiệt mạng là chính xác. Họ nói rằng đoàn xe chở ông Saleh đã trúng nhiều phát đạn của lực lượng phiến quân Houthi, trong khi một số nguồn tin khác cho biết xe của ông bị trúng tên lửa của phiến quân và ông này đã không qua khỏi.
Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, vốn bị lật đổ vào năm 2012 trong phong trào mùa xuân Arab, đã liên minh với lực lượng Houthi nhằm chống lại lực lượng do Saudi Arabia dẫn đầu khi chiến tranh bùng nổ ở Yemen vào năm 2014.
Tuy nhiên, liên minh với phong trào vũ trang Hồi giáo Houthi đã sụp đổ sau một cuộc tranh chấp trong việc kiểm soát nhà thờ Hồi giáo ở Thủ đô Sanaa giữa tuần trước. Vào ngày 2-12, ông Saleh bất ngờ tuyên bố đã sẵn sàng mở ra một "trang mới" với Saudi Arabia khi yêu cầu Riyadh ngừng tấn công Yemen, dỡ bỏ phong tỏa quốc gia Trung Đông này để đổi lấy sự ủng hộ từ phe của ông.
Vụ ám sát cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh khiến bất ổn tại Yemen gia tăng nhanh chóng. Ảnh: Reuters |
Không nằm ngoài dự đoán, hành động này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía lực lượng Houthi, tổ chức vũ trang này coi hành động của ông Saleh là sự phản bội, đồng thời kích động nhiều cuộc giao tranh, với những vụ nổ làm rung chuyển Thủ đô Sanaa.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, hơn 125 người đã chết trong cuộc chiến giữa hai phe trong vài ngày qua. Đến ngày 3-12, nhóm phiến quân Houthi đã chiếm được phần lớn Thủ đô Sanaa và bao vây dinh thự của ông Saleh cùng các đồng minh. Lực lượng liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu đã thực hiện các không kích nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi nhưng không đạt bất cứ kết quả nào. Vào sáng 4-12, nhà ông Saleh đã bị bao vây và thông tin ông bị sát hại bắt đầu lan truyền.
Cái chết của cựu Tổng thống Yemen cũng đã được các kênh truyền thông do lực lượng Houthi hậu thuẫn xác nhận, Houthi TV ngày 5-12 tuyên bố: "Ông Ali Abdullah Saleh và những người ủng hộ đã bị giết chết". Ngoài ra, Bộ Nội vụ do lực lượng Houthi kiểm soát cũng ra thông báo cho biết họ đã chiếm tất cả các vị trí và thành trì của lực lượng ông Ali Abdullah Saleh ở Sanaa cùng các khu vực lân cận. Hãng tin này còn tiết lộ rằng, phiến quân Houthi đã phá hủy ngôi nhà của ông Saleh ở Thủ đô Sanaa và bắt giữ Khaled, con trai ông.
Theo giới quan sát, việc cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người từng lãnh đạo Yemen trong suốt 33 năm, bị giết chết có thể là một đòn giáng mạnh vào hy vọng về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Mặc dù không còn giữ vị trí người đứng đầu đất nước, song ông Saleh vẫn được coi là người có tầm ảnh hưởng lớn và là nhân vật trung gian trong cuộc nội chiến khốc liệt tại Yemen giữa phiến quân Houthi và lực lượng do Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi, được liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu hậu thuẫn.
Bên cạnh đó, việc liên minh Saleh - Houthi tan rã đồng thời dấy lên lo ngại về việc xuất hiện phe phái mới trong cuộc xung đột cũng như đẩy lùi những nỗ lực nhân đạo hay bất kỳ giải pháp nào cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Theo các báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại Yemen đã làm hơn 17.000 người thiệt mạng, 2,5 triệu người buộc phải di dời và gây ra cuộc thảm họa nhân đạo nghiêm trọng khiến hàng triệu người không được sử dụng nước sạch và đứng trước nguy cơ bị chết đói. Theo một báo cáo hồi giữa năm 2017 của Tổ chức Lương thực quốc tế, 14,1 triệu người hay 51% dân số Yemen đang phải đối mặt với tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, trong đó có 7 triệu người ở tình trạng cực kỳ nghiêm trọng.
Ngày 4-12, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric đã hối thúc tất cả các bên xung đột tại Yemen "dừng ngay lập tức các hành động thù địch", nhấn mạnh rằng cần phải tiến tới một giải pháp thông qua đối thoại toàn diện. Phát biểu tại họp báo ở trụ sở LHQ, ông Dujarric bày tỏ hết sức quan ngại về tình trạng xung đột leo thang tại Yemen đã khiến quá nhiều người thương vong. Ông nêu rõ LHQ sẵn sàng bảo trợ cho tiến trình đàm phán hòa bình hướng tới một giải pháp chính trị toàn diện, công bằng và bền vững.
Bên cạnh đó, LHQ cũng kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Yemen bảo vệ dân thường, cung cấp các điều kiện y tế cần thiết cho những người bị thương, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại những vùng cần hỗ trợ khẩn cấp.
Tác giả: Thiện Nhân
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân