Giáo dục

Băng dính - lũ lụt và những câu chuyện về nghề giáo

Hai câu chuyện liên quan đến liêm sỉ, đến tình người vừa xảy ra không phải là điển hình, không phải là chuyện xưa nay hiếm.

Do trong giờ học một số cháu nói chuyện riêng ảnh hưởng đến các bạn nên cô giáo Phùng Hồng Anh đã dùng băng dính dán miệng các cháu.

Sau những cơn “mưa đá” mà cộng đồng mạng phấn khích dội xuống, dù tập thể phụ huynh đã có đơn kiến nghị thông cảm với cô, cô Phùng Hồng Anh vẫn viết đơn xin thôi việc.

Ngày 13/12/2016, lũ lụt bất ngờ đổ về khiến bốn cô giáo (Võ Thị Thu Sương, Nguyễn Thị Hòa, Thái Thị Tuyết Hồng và Lê Thị Kim Hằng) trường Mầm non Mỹ Phú 2 (xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cùng 35 cháu bé bị kẹt trong nước lũ.

Bằng sự nhanh nhạy, các cô đã thông báo ngay cho cha mẹ học sinh nhưng chỉ có 20 cháu được đón về, 15 cháu và bốn cô giáo phải bám vào cửa sổ chờ ứng cứu.

May là nước chưa ngập đến nóc nhà như hình ảnh lũ lụt một số nơi vừa qua và cũng may mắn sau gần hai giờ bị nước bủa vây, cô trò đã được lực lượng cứu hộ và người dân giải cứu.

Cửa sổ, tủ hồ sơ nơi các cô giáo cùng 15 học sinh bám trụ chống chọi nước lũ. (Ảnh: News.zing.vn)
Hành động cứu học trò của bốn cô giáo với suy nghĩ: “thà cô chết chứ không để trò chết” không chỉ thể hiện tấm lòng cao cả của người mẹ mà còn là sự cao quý của nghề dạy học: dạy chữ và dạy làm người.

So với người lái xe tải giúp xe khách thoát tai nạn hiểm nghèo được một doanh nghiệp tặng một chiếc xe con làm phương tiện mưu sinh thì hành động của các cô giáo nêu trên cũng không khác về bản chất, cũng là cứu người trong phút giây tử thần rình rập.

Sự khác nhau là ở chỗ với bốn cô giáo, Thủ tướng gửi thư khen, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo sáng 16/12/2016 đã cử đoàn cán bộ vào Phú Yên trao Bằng khen của Bộ và tặng quà cho các cô giáo.

Tặng bằng khen và quà cho các cô là điều kịp thời và rất đáng trân trọng. Nhưng còn những thiệt hại vật chất mà ngôi trường này phải gánh chịu và bao nhiêu cơ sở khác trên địa bàn cùng bị lũ quét thì rất cần sự chung tay của cả xã hội.

Nhận thấy việc làm của mình là sai cô Phùng Hồng Anh xin thôi việc, “thôi việc” cao hơn “từ chức” bởi “từ chức” không có nghĩa là mất việc, nghĩa là vẫn còn nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống.
Bao nhiêu người là sai, làm trái, làm những việc trái lương tâm, trách nhiệm dám dũng cảm từ chức chứ chưa nói đến thôi việc?

Những kẻ làm thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ cho đất nước có bao nhiêu kẻ dám “thôi việc”?

Chẳng phải họ dây dưa đến phút cuối cùng với lập luận “đúng quy trình” đó sao?

Chẳng phải khi không còn cách nào khác, họ sẵn sàng rời bỏ tổ quốc để lo thân đó sao?

Những kẻ của cải đầy nhà, cuối đời bỗng nhiên chọn bệnh viện làm chốn dung thân, dù chẳng bao giờ hiến một giọt máu cứu người như cô giáo Thái Thị Tuyết Hồng (vừa hiến máu xong là ngâm mình trong lũ cứu học trò) có thấy hổ thẹn với liêm sỉ thấp kém của mình?

Những người ấy có thể có rất nhiều tiền, có thể có một cuộc sống vật chất đầy đủ ở nước ngoài nhưng họ không đáng để so sánh với hành động “thôi việc” của cô giáo trẻ.

Còn doanh nghiệp, khi tặng quà cho người có hành động dũng cảm, liệu người ta có “chọn mặt gửi vàng”? Liệu có ai “dại dột” bỏ món quà giá trị như chiếc xe con tặng cho mấy cô giáo vùng quê?

Và liệu những người từng đạo diễn, từng phê duyệt cho trình chiếu đoạn băng “Nhặt xương cho thày” có cảm thấy xấu hổ khi nghe các cô giáo nói “thà cô chết chứ không để trò chết”?

Cuộc đời này không bao giờ thiếu những con người bình dị chỉ khoảnh khắc trở thành anh hùng.
Mưa lũ ở miền Trung đang gây ngập lụt, chia cắt nhiều tuyến đường khiến việc di chuyển đi lại của người dân gặp rất nhiều nguy hiểm. Ảnh: An Nguyên
Có thể bốn cô giáo ở Phú Yên không phải là anh hùng theo nghĩa được tuyên dương nhưng với cha mẹ học sinh, với dư luận xã hội, hành động đó xứng đáng được ghi nhận như hành động của những người anh hùng.

Và cả những ai đó, hễ thấy một thày/cô làm gì chưa phải là a dua “ném đá” có nên nghĩ lại?

Thiết nghĩ đã đến lúc không nên tô hồng nghề dạy học, những từ ngữ cao siêu như “nghề cao quý” hay “kỹ sư tâm hồn”… không làm các thày cô bớt chạnh lòng khi mỗi tháng nhận năm ba triệu tiền lương, khi có thể bị mất việc bất kỳ lúc nào như mấy trăm thày cô ở Thanh Hóa, khi đơn độc đến cùng cực như “người đương thời” Đỗ Việt Khoa buộc phải viết đơn xin thôi việc.

Những người thày, dù chọn nghề dạy học chưa chắc đã là ưu tiên hàng đầu nhưng trách nhiệm với nghề, tình yêu con trẻ thì không thiếu.

Hy vọng việc đặt các thày cô vào vùng hào quang để đòi hỏi các thày cô phải “trong như ngọc” chỉ là câu chuyện của quá khứ.

Điều cần làm với Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo là tạo điều kiện để các thày cô sống được bằng nghề, với truyền thông là bớt đi những “cơn mưa” khi một “tai nạn nghề nghiệp” chẳng may xảy tới và không thể không hy vọng các thày cô mới bước vào nghề sẽ cẩn trọng hơn với hai chữ “thày - cô” mà xã hội dành tặng.

Người viết thực sự trân trọng hành động của bốn cô giáo trường Mầm non Mỹ Phú 2, xin gửi tới các cô tình cảm của một đồng nghiệp già.

Mong các cô có cuộc sống an bình, hạnh phúc, yêu nghề, sống được bằng nghề và luôn đặt niềm tin vào nghề đã chọn.

Tác giả bài viết: Xuân Dương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP