Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Thành viên và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Trước đó, vào ngày 06/3, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1830-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An với 25 thành viên.
Quang cảnh Phiên họp |
Trong phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh diễn ra sáng nay, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào dự thảo Quy chế làm việc; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo; Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo năm 2023. Đây là những văn bản quan trọng làm cơ sở để triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Với mong muốn tạo bước đột phá trong công tác cải cách hành chính, tại phiên họp các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể vào các văn bản nêu trên nhằm thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm; xác định được nội dung công việc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với trách nhiệm, bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các thành viên Ban Chỉ đạo cũng như các Sở, ngành, đơn vị, địa phương...
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, việc thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy |
Thiếu tướng Phạm Thế Tùng – Giám đốc Công an tỉnh nêu kinh nghiệm của ngành Công an trong thực hiện CCHC; đề nghị tăng cường tính công khai, minh bạch |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đề nghị bổ sung nhiệm vụ: Phối hợp với VCCI Nghệ An để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương |
Theo đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung nhiệm vụ phối hợp hợp với VCCI để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của các Sở, ngành, địa phương. Ngoài phân công theo đơn vị thì cần phân công theo ngành dọc từ tỉnh xuống cơ sở để giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Đồng thời, đề nghị quan tâm đến việc chỉ đạo đầu tư trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu... Bên cạnh đó, cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về công tác CCHC. Thành viên Ban Chỉ đạo cần xây dựng kế hoạch của riêng mình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Cần nghiên cứu có cơ chế trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số vụ việc tránh lúng túng trong quá trình triển khai...
Quyết tâm chính trị cao trong đẩy mạnh công tác CCHC
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị: Khi đã thành lập Ban Chỉ đạo thì phải thật sự quyết liệt và triển khai có hiệu quả công tác CCHC |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, công tác CCHC thời gian qua đã được tỉnh rất quan tâm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này. Mặc dù đã có chuyển biến, song kết quả chuyển biến chưa thực sự rõ nét. Việc thành lập Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh trong đẩy mạnh công tác CCHC; đồng thời cho thấy được yêu cầu, đòi hỏi trong công tác CCHC bởi chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Nêu kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, khi bắt đầu thực hiện tỉnh cũng rất “ì ạch”, cho đến cuối năm 2022, khi Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc vào làm việc trực tiếp với Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh, lĩnh hội và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công An, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 771/KH-UBND để triển khai các công việc, giao nhiệm vụ cụ thể và có đánh giá từng tháng. Từ đó, tạo chuyển biến rất tích cực, rõ nét. Tổng thể, qua đánh giá tổng hợp từ Cổng dịch vụ công quốc gia, có thời điểm tỉnh Nghệ An xếp thứ 04/63 địa phương trong toàn quốc về tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. Điều này minh chứng cho việc nếu chúng ta tập trung chỉ đạo, xác định được mục tiêu cần thực hiện thì có ngay kết quả cụ thể. Hay như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), những năm trước (năm 2017, 2018, 2019, 2020) vị trí của Nghệ An tăng đều qua các năm, nhưng đến năm 2021 xếp hạng PCI của tỉnh từ vị trí thứ 18 tụt xuống ở vị trí 30. Điều này cũng cho thấy một phần do chúng ta chưa quan tâm thường xuyên để duy trì. Nhận thấy được việc đó, năm 2022 tỉnh đã tập trung quyết liệt trong công tác cải cách hành chính. Theo kết quả công bố sáng nay, PCI của tỉnh đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2021.
Những văn bản cho ý kiến góp ý hôm nay mang tính chất “khung” và để có được kết quả thì phải có nhiệm vụ hết sức chi tiết, rõ, những nhiệm vụ trọng tâm; phân công thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để thực hiện đồng bộ công tác CCHC bên cạnh các giải pháp khác cần rà soát để đầu tư trang thiết bị theo nhu cầu thực tế, thiết thực để bố trí nguồn lực thực hiện phù hợp, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng để xuất Ban Chỉ đạo nên lựa chọn một số đơn vị Sở, ngành, địa phương để chỉ đạo thực hiện các vụ việc hành chính, nhất là đối với các đơn vị mà người dân, doanh nghiệp vẫn còn “phàn nàn” nhiều về sự phiền nhiễu để tập trung chỉ đạo nhằm đạt được kết quả rõ hơn.
Thành lập Đường dây nóng về CCHC do Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý – Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận |
Qua nghe ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh trao đổi một số vấn đề, nội dung liên quan đến Quy chế hoạt động, Phân công nhiệm vụ và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo trong năm 2023. Theo đó, về Quy chế, Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với ý kiến việc điều chỉnh bổ sung thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong Quy chế, yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động từ đầu năm đối với nhiệm vụ, địa bàn, đơn vị được phân công phụ trách để chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, theo dõi, đánh giá kết quả công việc của mình vào cuối năm. Đồng thời, cần nghiên cứu để đưa vào Quy chế cơ chế lãnh đạo chỉ đạo thực hiện vụ việc hành chính phát sinh.
Về Kế hoạch hoạt động, thống nhất bổ sung nhiệm vụ phối hợp với VCCI chi nhánh Nghệ An để xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương cấp huyện; thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân về công tác CCHC do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo.
Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm về kết quả CCHC của đơn vị được phân công.
Trong Kế hoạch hoạt động của năm 2023, Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu trang thiết bị để phục vụ công tác CCHC trong khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể để thực hiện có lộ trình, hiệu quả trong điều kiện nguồn lực của tỉnh có hạn. Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền về công tác CCHC.
Ở cấp huyện, thành lập Ban Chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy làm Trưởng Ban. Sở, ngành cấp tỉnh thành lập Tổ Công tác giao cho người đứng đầu cơ quan là Tổ trưởng Tổ công tác.
Về việc chọn điểm chỉ đạo thực hiện công tác CCHC trong năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thống nhất chọn: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh; Thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc và Diễn Châu. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần phải có giải pháp trong công tác kiểm tra để không làm mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc của cơ sở nhưng đảm bảo kết quả đánh giá chính xác của công tác kiểm tra.
Lưu ý về những vấn đề, nội dung cần được bổ sung, điều chỉnh, Ban Chỉ đạo thống nhất thông qua Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ và Kế hoạch hoạt động năm 2023.
Tác giả: Phan Quỳnh
Nguồn tin: nghean.gov.vn