Trong tỉnh

Hội nghị giao ban ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố

Sáng 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy quý I năm 2023. Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đánh giá khái quát tình hình, kết quả công tác của các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy quý I/2023; tình hình kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ khi thành lập đến nay; nhiệm vụ công tác quý II và trong thời gian tới.

Trong quý I, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Trung ương về thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn, 63/63 Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động với cơ cấu, thành phần theo quy định. Việc các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và nhanh chóng triển khai có hiệu quả các hoạt động đã thể hiện quyết tâm cao của Tỉnh ủy, Thành ủy trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, thế hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Qua đó, khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị nội dung, tài liệu, các điều kiện cần thiết phục vụ 137 phiên họp của Ban Chỉ đạo và 166 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo; tham mưu Ban Chỉ đạo xử lý số lượng lớn đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực. Trong quý I/2023, các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy đã tiếp 565 cuộc/954 lượt công dân, đã tiếp nhận, xử lý 8.442 đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Qua làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý và tham mưu cấp ủy xử lý đơn thư, phản ánh của công dân đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác này ở nhiều địa phương; một số vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài, phức tạp đã được giải quyết dứt điểm.

Hội nghị cũng đã quán triệt nội dung, giá trị cốt lõi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” là sự tổng kết thực tiễn phong phú, thể hiện quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, cụ thể, đầy sức thuyết phục của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, cuốn sách có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.

Tại Nghệ An, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; chủ động tham mưu xử lý một số vụ việc liên quan đến đơn, thư, kiến nghị, phản ánh của công dân. Chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, đôn đốc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trong năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực.

Bộ máy Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải vận hành thông suốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ

Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá việc thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao từ Trung ương đến địa phương, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên, nhân dân. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở có chuyển biến rõ rệt. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh của nhiều địa phương đã ban hành các quy chế, quy định hoạt động rất cụ thể, thiết thực; trong đó quy định về nguyên tắc, tiêu chí và việc xác lập danh mục các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo như Nghệ An, Quảng Ngãi, Ninh Thuận...

Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị trong thời gian tới cần thực hiện 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đều mới thành lập nên phải vừa làm vừa học vừa hoàn thiện vừa rút kinh nghiệm. Cần đặt ra nguyên tắc cho Ban Chỉ đạo là một tập thể “Mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ”, “Mỗi thành viên của Ban Chỉ đạo hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không được cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào”.

Thứ hai, nắm vững chắc năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo; Ban Chỉ đạo không làm thay các cơ quan chức năng và không chỉ quan tâm xử lý từng vụ việc cụ thể mà phải “đúng vai, thuộc bài”, phải nắm vững, nắm chắc cơ chế chính sách, luật pháp, quy chế, quy định.

Thứ ba, Ban Chỉ đạo kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, những mắt xích yếu, bảo đảm bộ máy Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được vận hành “thông suốt, thực hiện đúng chức năng, đúng chỉ đạo, ai không làm thì đứng ra một bên cho người khác làm”. Cần tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc nghiêm túc, khoa học, nề nếp, kỷ luật, kỷ cương, phối hợp công tác nhịp nhàng, đồng bộ, tuyệt đối tránh tình trạng “hình thức, tắc trách, được chăng hay chớ, lúc ra mắt thì rầm rộ sau đó thì thưa thớt, nguội lạnh dần, làm mất uy tín”.

Phải có chương trình kế hoạch một cách bài bản, kiểm tra đôn đốc một cách thường xuyên, trước mắt cần khẩn trương bổ sung quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban Chỉ đạo cho “đúng vai, thuộc bài” và hoàn thành chương trình công tác năm 2023 đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo hiệu quả; tuân thủ nghiêm chế độ làm việc. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp ba tháng một lần; Thường trực Ban Chỉ đạo họp một tháng một lần và họp đột xuất khi cần.

Thứ tư, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương để tạo chuyển biến rõ nét, đột phá với những kết quả cụ thể, thực chất, cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu yếu, điểm khó, điểm nghẽn, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm. Tập trung lãnh đạo chỉ đạo, quán triệt cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong Đảng bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo, tăng cường, giám sát thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP