Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh chụp cổng làng có biển tên Làng Vạn Hạnh – Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận. Chỉ trong thời gian ngắn, bức ảnh này đã có rất nhiều người bình luận và chia sẻ.
Theo tìm hiểu, đây là cổng làng đang được xây dựng của xóm 11, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Không những vậy, một số trang mạng xã hội đã cố tình chỉnh sửa, rồi tiếp tục đăng tải nhằm loan tin đồn thất thiệt, mục đích xuyên tạc hình ảnh của làng.
Clip: Sự thật về cổng Làng Vạn Hạnh và Trung Quốc.
Có mặt tại cổng làng, ghi nhận của PV, phía mặt ngoài cổng có dòng chữ: Làng Văn Hóa xóm 11 – xã Nghi Trung; còn phía sau là dòng chữ: Làng Vạn Hạnh và Trung Quốc; cả 2 mặt cổng làng đều có trang trí cờ Đảng và cờ Tổ Quốc.
Cổng làng đang được xây dựng tại xóm 11. |
Ông Hoàng Quynh (69 tuổi), người phụ trách việc xây dựng cổng làng cho biết: “Việc xây dựng cổng làng được sự đồng thuận của tất cả người dân, đến nay thì cơ bản đã hoàn thành. Cổng là sự kết hợp giữa lối kiến trúc cổ kính và hiện đại, 2 bên cổng có câu đối. Tên làng cũng được mọi người biểu quyết rồi mới tiến hành thi công”.
Theo ông Quynh, trước Cách mạng tháng 8, đơn vị hành chính của xóm bây giờ được gọi là làng; trong đó có 2 làng với tên gọi: làng Vạn Hạnh và làng Trung Quốc. Năm 1953, 2 làng trên được gộp lại trở thành xóm 11, xã Nghi Trung như hiện nay. Ông Quynh khẳng định Làng Trung Quốc đơn giản chỉ là một tên gọi, hoàn toàn không liên quan gì đến đất nước Trung Quốc.
Trao đổi về việc này, ông Võ Trọng Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Nghi Trung xác nhận, hình ảnh trên mạng xã hội đúng là cổng xóm 11. Tuy nhiên, hình ảnh đã bị chỉnh sửa, sự thực không đúng như mạng xã hội đã đăng tải.
“Khi nhận được thông tin, chúng tôi lập tức xuống kiểm tra. Về bản chất thì không sai, nhưng do lúc đơn vị thi công làm thành Làng Vạn Hạnh – Trung Quốc, để tên như vậy sẽ khiến cho nhiều người hiểm nhầm, và thực tế sau đó một số ý kiến trên mạng xã hội cũng phản ứng gay gắt về điều này. Chúng tôi đề xuất nên để thành Làng Vạn Hạnh và làng Trung Quốc, nhưng sau không đủ chữ nên đành phải để Làng Vạn Hạnh và Trung Quốc, như vậy sẽ đầy đủ và đúng hơn”, ông Tĩnh nói.
Bảng tên làng gây xôn xao dư luận. |
Theo ông Tĩnh, lúc đầu trong các cuộc họp người dân bàn bạc thì định để tên là làng Vạn Hạnh, nhưng sau đó nhiều người dân ở làng Trung Quốc cũ phản đối vì cho rằng xóm 11 kết hợp cả 2 làng, nếu để tên thì phải đầy đủ cả 2 để chứng tỏ nguồn gốc.
Theo quan niệm truyền thống, cổng làng được xem là bộ mặt, là hồn cốt, biểu tượng cho người dân sống trong làng. Chính vì vậy ai cũng muốn tên làng của mình có trên cổng, khẳng định sự hình thành và phát triển. Cuối cùng, phần lớn người dân đều đồng thuận ghép tên 2 làng lại với nhau.
Bức ảnh bị chỉnh sửa nhằm mục đích xuyên tạc cổng làng. |
Ông Tĩnh khẳng định việc xây dựng cổng làng là chuyện bình thường. Nhưng nhiều kẻ xấu đã lợi dụng bức ảnh bị photoshop một cách có dụng ý để xuyên tạc, bôi nhọ, gây nên sự xôn xao và hiểu nhầm. Vì vậy, ông Tĩnh mong muốn các cơ quan báo chí viết lại sự thật, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vấn đề, khẳng định nét đẹp văn hóa cổng làng.
“Kinh phí do người dân đóng góp với mức 500.000 đồng chia trong 2 năm, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của con cháu đi làm trên mọi miền đất nước. Dự tính cổng làng trên sẽ xây dựng hết khoảng 80 – 90 triệu, được xã hỗ trợ 30%”, ông Tĩnh cho hay.
Hiện nay, xóm 11 có 203 hộ, với khoảng 700 nhân khẩu, được UBND huyện Nghi Lộc công nhận là Làng văn hóa năm 2014.
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo Người đưa tin