Pháp luật

Anh thợ hồ và vụ án “ma men” đưa lối

Mẹ bị cáo ngồi lọt thỏm giữa khán phòng rộng mênh mông. Bà kể, mình làm thợ hồ. Bao nhiêu công việc nặng nhọc so với sức vóc của một người đàn bà như bà, bà đều không từ nan. Cả một đời làm lụng cực khổ, một mình bà chật vật lắm bà mới nuôi nổi ba đứa con khôn lớn. Luân lớn lên, hiền lành, chất phác. Làm mẹ đơn thân, nên bà chẳng có điều kiện để con trai học hành đến nơi đến chốn. Luân lớn lên, cũng theo mẹ cầm bay cầm bảng làm thợ hồ.

Hình minh họa

Người mẹ khốn khổ

Ánh nắng mong manh xuyên qua đám lá, rớt xuống vai người mẹ đang tần ngần ngồi bất động trên sân tòa. Bà cứ ngồi lặng lẽ như thế, chỉ có ánh mắt liên tục rướn lên, ngóng chiếc xe tù mãi vẫn chưa đến. Bà có mặt tại tòa rất sớm.

Từ dáng dấp đến quần áo, đều toát lên một vẻ lam lũ. Đặt bên cạnh bà, là chiếc làn nhựa cũ kỹ đựng mấy ổ bánh mì đã khô cong queo và hai chai nước ngọt. Có người xót xa nhìn bà, rồi thở dài ái ngại. Họ bảo, con cái lớn rồi, sao cứ mãi làm khổ cha mẹ thế kia.

Con trai bà là Đặng Duy Luân (26 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), là bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án cũng chính là bạn bè thân thiết của bị cáo. Cáo trạng thể hiện, khoảng 19h ngày 18/10/2016, Luân đang ngồi nhậu ở một quán tại khu Đông Nam Thủy An.

Tại đây, Luân gặp anh Quang đang ngồi nhậu ở bàn bên cạnh nên sang giao lưu. Đến 21h30 hôm đó, Luân ra về, anh Quang về cùng. Luân và Quang rủ nhau lên bệnh viện thăm người thân. Luân thăm anh trai bị tai nạn đang điều trị ở đây, còn anh Quang thăm vợ đang nằm chờ sinh.

Sau đó, cả hai lại rủ nhau đi nhậu tiếp với một người bạn của Luân, đến 4h30 sáng hôm sau mới tàn cuộc. Cả ba chở nhau trên chiếc xe máy của anh Quang, đến nhà nghỉ thuê phòng nghỉ lại.

Tại đây, Luân nảy sinh ý định chiếm đọat xe của anh Quang, nên vờ nói: “Cho em mượn xe máy để chở bạn về và về nhà thay quần áo rồi em lên lại”. Tưởng thật, anh Quang đồng ý đưa chìa khóa và giao xe cho Luân.

Thay vì chở bạn về nhà, Luân lại chở bạn đến tiệm cầm đồ để cầm xe. Biết được Luân có ý đồ muốn chiếm đoạt xe của anh Quang, người bạn này đã hết lời can ngăn, nhưng Luân một mực không nghe nên anh này bỏ về nhà. Luân cầm xe lấy 4 triệu đồng, sau đó gọi taxi về cầu ngói Thanh Toàn chơi và tiêu xài hết số tiền trên.

Anh Quang ở nhà nghỉ, đợi mãi vẫn không thấy Luân quay lại nên tìm đến nhà, nhưng cả người lẫn xe đều không thấy. Sau đó anh này báo công an. Sự việc được nhanh chóng điều tra làm rõ. Chiếc xe từ tiệm cầm đồ được quay về với khổ chủ. Luân bị bắt tạm giam. Ngày mở phiên tòa, anh Quang có đơn xin được xét xử vắng mặt.

Mẹ bị cáo ngồi lọt thỏm giữa khán phòng rộng mênh mông. Bà kể, mình làm thợ hồ. Bao nhiêu công việc nặng nhọc so với sức vóc của một người đàn bà như bà, bà đều không từ nan. Cả một đời làm lụng cực khổ, một mình bà chật vật lắm bà mới nuôi nổi ba đứa con khôn lớn. Luân lớn lên, hiền lành, chất phác. Làm mẹ đơn thân, nên bà chẳng có điều kiện để con trai học hành đến nơi đến chốn. Luân lớn lên, cũng theo mẹ cầm bay cầm bảng làm thợ hồ.

Bà phân bua, con trai mình vốn dĩ hiền lành, không làm điều xấu bao giờ. Lâu nay cũng chưa khi nào đàn đúm với bạn bè, bia rượu. Chỉ tại hôm ấy, “ma men” đưa lối, con bà mới không làm chủ bản thân. Một vị hội thẩm nhân dân phân tích, làm cha mẹ, ai cũng hết lòng yêu thương con cái.

Nhưng đừng để tình yêu mù quáng làm hại chính đứa con mình đứt ruột đẻ ra. “Bị cáo gây án thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Điều quan trọng, là bị cáo phải biết thừa nhận sai lầm”.

Bị cáo ngồi bần thần trong lúc chờ tòa nghị án

Lạm dụng hay chiếm đoạt?

Tại phiên tòa, bị cáo khai sau khi mượn xe của bị hại, chạy xe chở bạn về nhà. Trên đường đi mới nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Tòa liên tục xoáy vào hành vi của bị cáo, trước khi mượn xe hay sau khi mượn xe mới nảy sinh ý định chiếm đoạt?

Bởi nếu nảy sinh ý định chiếm đoạt xe nên bị cáo mới vờ mượn xe về nhà, thì bị cáo phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng nếu mượn xe xong, trên đường chạy về nhà mới nảy sinh ý định chiếm đoạt, thì bị cáo bị khép vào tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mới đúng.

Đứng nơi vành móng ngựa, người thanh niên học chưa hết lớp sáu cứ lúng ta lúng túng diễn đạt ý mình. Lúc bảo trên đường đi mới nảy sinh ý định đi cầm cố xe. Khi lại bảo thấy bạn mình say bí tỉ chẳng còn hay biết chi, mới nảy ý định chiếm đoạt xe nên lấy cớ mượn xe về nhà.

Tòa: “Cáo trạng vừa công bố có giống với cáo trạng bị cáo nhận được không?”. Bị cáo: “Dạ giống”. Tòa: “Bị cáo có đồng ý với nội dung cáo trạng không?”. Bị cáo: “Dạ đồng ý”. Tòa: “Vậy sao bị cáo lại khai quanh co như thế?”. Bị cáo lại ấp a ấp úng.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa tham gia xét hỏi: “Quá trình điều tra, bị cáo có bị đánh đập, có bị bức cung nhục hình không?’. Bị cáo lắc đầu bảo không có. “Vậy tại sao, ở cơ quan điều tra, bị cáo khai một đường, giờ lại khai một nẻo. Nếu bị cáo quanh co, không thành khẩn khai báo, thì VKS sẽ đề nghị tòa không xem xét cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo”.

Vị kiểm sát viên nhắc nhở, đồng thời trích đọc hồ sơ, các bút lục bị cáo đã khai, thể hiện rõ bị cáo có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, mới dựng lên vở kịch mượn xe về nhà.

“Ráng cải tạo tốt, rồi về đi phụ hồ với mạ nghe con”

Nhìn người thanh niên lưng dài vai rộng, lại đứng trước vành móng ngựa vì chiếm đoạt tài sản của bạn để tiêu xài, ăn nhậu, vị hội thẩm lắc đầu nhắc nhở: “Nếu bị cáo thiếu tiền xài, thì phải cố gắng kiếm tiền. Phải xài những đồng tiền trong sạch do mình bỏ sức lao động ra kiếm được. Bị cáo không thể dùng thủ đoạn phạm pháp để chiếm tài sản người khác.

Chưa kể tài sảnđó là của bạn mình. Vợ anh Quang đang nằm ở bệnh viện chờ sinh nở. Bị cáo lấy mất xe của bạn, thì anh Quang lấy đâu ra phương tiện để đi làm, chạy tới chạy lui bệnh viện chăm sóc vợ con?”. Bị cáo xấu hổ cúi gằm mặt, ra điều biết lỗi.

Tại phiên tòa, người chủ tiệm cầm đồ cho biết, chị chỉ mới mở tiệm cầm đồ còn chưa tròn một năm. Biết cầm xe không chính chủ là phạm pháp, nên chị hỏi cặn kẽ. Nhưng khi bị cáo nói đó là xe mình, bảo mẹ đi vắng, giấy tờ xe để trong hộc tủ bị mẹ khóa mất, không lấy ra được, chị cũng tin tưởng mà cầm xe.

Bởi bị cáo là chỗ quen biết ở địa phương. Sống cùng xóm, ra vào vẫn gặp nhau hàng ngày. Không ngờ... Chị bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng. Số tiền 4 triệu cho bị cáo cầm xe, thì chẳng biết đến lúc nào bị cáo mới hoàn trả.

Hội đồng xét xử phân tích, nhắc nhở chủ tiệm cầm đồ, trong quá trình làm ăn, tuyệt đối phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đừng vì cái lợi nhỏ trước mắt, cầm tài sản của kẻ gian đi ăn trộm ăn cắp, nếu biết mà vẫn cầm, có thể bị khởi tố hình sự. Vì chị này mới vào nghề, nên tòa chỉ nhắc nhở.

Tòa tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mẹ bị cáo lật đật chạy theo con ra chiếc xe bít bùng, nói với theo, giọng lạc trong gió chiều: “Ráng cải tạo tốt, rồi về đi phụ thợ hồ với mạ nghe con.

Tác giả bài viết: Hà Lê

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP