Trong tỉnh

Ai trả công cao ngất cho người xẻ gỗ sa mu trăm tuổi?

Liên quan vụ việc 4 cây sa mu dầu cổ thụ ở bị đốn hạ ở đỉnh Phu Lon (huyện Tương Dương) Nghệ An, nhóm người được thuê xẻ gỗ kéo ra khỏi rừng tiết lộ những tình tiết đầu tiên.

Xem Clip: Chủ tịch UBND xã Tam Đình chia sẻ về vụ 4 cây sa mu bị đốn hạ

Ngay sau khi phát hiện gỗ sa mu cùng một số loại gỗ khác bị đốn hạ, công ty TNHH MTV Tương Dương đã chủ động làm hợp đồng thuê người dân xã Tam Đình vào xẻ đưa về.

Một m3 gỗ đưa ra khỏi rừng được trả công 12 triệu đồng

Anh Th., người được thuê vào lấy gỗ ra cho biết, đích thân ông Hồ Sỹ Thành - Giám đốc công ty Lâm nghiệp Tương Dương ký hợp đồng thuê anh và 2 người khác vào rừng xe gỗ trong 1 tháng.

Suốt thời gian vào rừng, anh Th. và các cộng sự luôn chịu sự giám sát của cán bộ công ty từ việc cưa xẻ, đưa trâu kéo gỗ ra khỏi rừng.

“Lúc mới vào, tôi thấy 2 gốc sa mu dầu lớn bị đốn hạ khoảng mấy tháng trước. Phía trên cùng, một cây sa mu dầu lớn khác mới bị đốn hạ vẫn còn nguyên cả thân. Toàn bộ đường mòn chúng tôi phải đóng cọc, làm lại để kéo gỗ ra ngoài dễ dàng” - anh Th. kể lại.

Bình quân 1m3 gỗ sau khi cưa xẻ, vận chuyển ra khỏi rừng được trả công 12 triệu đồng. Tất cả các loại gỗ đều tập kết gần trạm Kiểm lâm gần Khe Cớ (Vườn quốc gia Pù Mát), sau đó bàn giao số gỗ cho công ty Lâm nghiệp Tương Dương trước sự chứng kiến của trạm kiểm lâm và chính quyền sở tại.

Ông Vi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Tam Đình

Lý lịch các loại gỗ sa mu và sến được công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tương Dương thuê người dân vào rừng cưa xẻ, vận chuyển ra ngoài tập kết

Theo anh Th., trước khi kéo gỗ ra ngoài phải mất 2 ngày chỉnh lại lối mòn, hơn 1 tuần lập lán nấu ăn xẻ gỗ. Bình quân mỗi người làm gỗ ở rừng nhận được hơn 1 triệu đồng/ngày tiền công, sau khi trừ các chi phí.

“Chúng tôi chỉ là những người được lâm trường thuê xe gỗ thuê, không trực tiếp đốn hạ cây. Trước khi rời khỏi rừng, tôi chỉ thấy 3 cây gỗ sa mu dầu bị đốn hạ gần nhau. Thông tin cây thứ 4 gần đó bị đốn hạ tôi giờ mới biết” - anh khẳng định.

Kiểm lâm huyện Tương Dương nói gì?

Xem clip:

Chủ tịch UBND xã Tam Đình Vi Văn Thắng cho biết, từ năm 2016 đến nay, người dân xã Tam Đình đã chấm dứt tình trạng vào rừng đốn gỗ.

“Bây giờ người dân dựng nhà cửa, chỉ một ít trường hợp làm nhà có gỗ, số gỗ này sót lại từ chục năm trước. Thỉnh thoảng, một vài hộ dân có rừng được giao, khi có nhu cầu sửa chữa nhà bếp thì họ xin ý kiến của thôn bản vào rừng chặt vài cây nhỏ về làm” - ông Thắng nói.

Gỗ sa mu dầu có mùi rất thơm và dễ nhận biết

Một khúc sa mu dầu có đường kính 80cm đang bỏ lại ở lưng chừng núi

Cũng theo ông Thắng, vừa qua, xã và Kiểm lâm đi tuần tra ranh giới, phát hiện khu vực rừng của công ty Lâm nghiệp quản lý có hiện tượng người dân lén lút vào chặt cây. Sau đó, xã làm việc với công ty Lâm nghiệp thì DN thừa nhận việc công tác quản lý chưa được chặt chẽ.

Ông Nguyễn Xuân Hiến - Trưởng phòng Tổ chức hành chính công ty Tương Dương cho hay, việc xẻ gỗ đưa ra khỏi rừng đã hoàn thành vào ngày 23/6.

Đến ngày 12/7, có 39 tấm gỗ xẻ được đưa khỏi rừng với khối lượng 4,692m3. Tổng kinh phí thuê xẻ gỗ, vận chuyển khỏi rừng là hơn 54 triệu đồng.

Đồng thời, công ty kiến nghị UBND huyện chỉ đạo chính quyền xã và các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bảo vệ rừng, điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép.

Chiều 24/7, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến cho biết, khoảng tháng 5/2017, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Tam Đình đi tuần tra kiểm soát rừng, khi đến khu vực tiểu khu 693 (công ty Lâm nghiệp Tương Dương) phát hiện 6,3m3 gỗ tròn và gỗ vuông đã xẻ gồm các loại sa mu, sến.

Ông Nguyễn Hữu Hiến bên số gỗ sa mu dầu và sến ở bãi tập kết

Ông Hiến cho rằng, số gỗ kể trên không phải mới khai thác mà tồn đọng của lâm trường khai thác hồi 2014 nhưng không lấy hết.

“Số gỗ sót lại không còn nguyên cây mà đã bị xẻ ra thành từng khúc. Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi giao cho lâm trường vận chuyển đưa gỗ ra ngoài để bàn giao cho kiểm lâm” – ông Hiến nói.

Ông quả quyết: Toàn bộ số gỗ đã cưa xẻ, vận chuyển hết ra khỏi rừng. Chỉ còn một số không thể sử dụng còn sót lại.

Cây sa mu dầu bị đốn hạ trên đỉnh Phu Lon

Thế nhưng, tại hiện trường, gỗ sa mu dầu vẫn còn nằm ngổn ngang cùng nhiều loại gỗ khác, thân cây gỗ có đường kính dài từ 90cm đến 2,3m vẫn nằm vắt lưng núi.

Liên quan vụ việc này, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tương Dương đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân trước vụ việc khai thác gỗ trái phép.

Tập thể đội Khe Cớ bị khiển trách tập thể. Đội trưởng Nguyễn Cảnh Sơn bị chấm dứt hợp đồng lao động. Lãnh đạo công ty tự nhận khuyết điểm, phê bình của Chủ tịch huyện Tương Dương.

Tác giả: Quốc Huy – Lê Minh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: đốn gỗ ,trả công ,sa mu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP