Vợ chồng anh Hùng tối ngày phải ở ngoài lều vịt giữa đồng làng.
LTS: Thu vô tội vạ, cùng kiệt sức đóng góp của người dân, đó là thực tế đã và đang diễn ra ở một số làng thuộc xã Trường Sơn.
Đau xót hơn và phẫn uất hơn, để người dân phải răm rắp hoàn thành các chỉ tiêu đóng góp dưới "cái mũ" là tự nguyện, chính quyền địa phương đã thực hiện những chiêu thức cưỡng ép chỉ thấy ở thời… phong kiến.
Không đủ tiền đóng góp, gia đình liệt sĩ bị bạc đãi bằng việc cắt tiêu chuẩn hộ nghèo, thậm chí có gia đình còn bị tịch thu cả chiếc giường cũ kỹ, tài sản duy nhất trong nhà…
Nỗi niềm của người đàn ông có cha là liệt sĩ
Giữa trưa, làng Thành Liên (xã Trường Sơn) vắng ngắt. Trời như đổ lửa nên chẳng mấy ai muốn ló mặt ra khỏi nhà. Tuy nhiên, giữa cánh đồng làng vẫn có một người đàn ông lụi cụi lùa đàn vịt dưới kênh.
Người đàn ông đó chính là nhân vật mà chúng tôi tìm kiếm, anh Phạm Hữu Hùng, con trai liệt sĩ Phạm Hữu Đường, người đã hi sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Anh Hùng cất tiếng khóc chào đời trước ngày bố anh nằm xuống đúng một tháng.
"Tôi chỉ nghe mọi người trong làng kể, tả lại về cha mình thôi. Ngày còn bé, hỏi về cha, mẹ tôi cũng cứ ú ớ, chẳng nhớ được gì. Nhận được tin cha tôi không còn nữa, sốc nặng bà ấy đã như người điên dại", nhắc về người cha liệt sĩ của mình, anh Hùng chia sẻ.
Chí thú làm ăn nhưng vợ chồng anh Hùng vẫn sống trong nghèo khó.
Nhà anh Hùng ở đầu xóm. Ngôi nhà giản đơn như nhiều nhà ở vùng nông thôn. Trong nhà, ngoài chiếc ti vi cổ lỗ và mấy cái ghế nhựa thì không thấy thứ gì đáng gọi là tài sản.
Thấy nhà có khách lạ, bà Ngô Thị Dậu, người từng chết điếng bởi tin chồng ngã xuống ngoài chiến trường năm nào lật đật tới kéo ghế ngồi cạnh con mình. Bà cứ ngồi thế chăm chú nhìn chúng tôi trò chuyện.
"Mẹ tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi, bà vẫn lúc tỉnh lúc mê. Tôi chỉ mong mẹ tôi khỏe, không ốm đau gì nữa để con cháu được yên tâm làm ăn thôi", anh Hùng thật thà.
Trong nhà không có nhiều đồ vật đáng giá nhưng trên tường lại dán chi chít giấy khen. "Tôi có 3 cháu, các cháu đều học được. Mình không có tiền bạc thì cũng cố gắng cho con cái chữ. Chỉ mong cháu học tốt để sau này thoát ly…", anh Hùng lấp lửng.
"Đấy, cũng vì sức ăn sức học của ba đứa con mà nhà tôi phải nợ một phần tiền quỹ thôn đấy. Tôi cũng muốn đóng hết cho xong nhưng mà nghèo quá!", chị Nguyễn Thị Vân, vợ anh Hùng góp chuyện.
Chị Vân bảo, ở đây, không chỉ xã, thôn mà trường học cũng thu nhiều khoản đóng góp. Những ngày chuẩn bị cho năm học mới này vợ chồng chị lại nát óc nghĩ cách xoay tiền để 3 đứa con được đến trường.
"Mỗi đứa đóng đến 4-5 triệu đồng chứ chả ít đâu, trước còn hộ nghèo thì còn đỡ, chứ giờ mất hộ nghèo rồi xoay tiền mệt lắm!", chị Vân rầu rĩ.
Nhắc đến chuyện hộ nghèo, anh Hùng bỗng dưng bức xúc: "Đấy, các anh xem, chẳng đâu như ở đây! Nhà tôi nghèo, không có tiền đóng góp cho thôn thì họ lại cắt luôn cái hộ nghèo của tôi…".
Đau đầu với "chát đòi tiền"
Theo như lời anh Hùng, bởi đông con, bởi phải nuôi mẹ già ngẩn ngơ bệnh tật, nên dù đầu tắt mặt tối quanh năm, nghèo khó vẫn cứ bám riết lấy gia đình anh.
Từ năm 2011, gia đình anh được chính quyền địa phương bình xét là hộ nghèo của thôn, được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước.
Mấy năm sau (từ 2013 đến 2015) kinh tế gia đình anh đã khá hơn, tuy nhiên vẫn nằm ở nhóm cận nghèo. Năm nay, bởi chị Vân vợ anh đau ốm, thuốc thang tốn kém, gia đình anh lại tái nghèo.
"Theo những tiêu chí mà nhà nước đưa ra thì gia đình tôi thừa tiêu chuẩn là hộ nghèo đấy. Xã cũng đã bình xét, chấp thuận rồi nhưng chỉ vì chưa đóng hết tiền quỹ cho thôn nên họ đẩy gia đình tôi ra.
Nói thật, để mọi người công nhận là mình nghèo thì cũng xấu hổ lắm nhưng khó khăn quá nên tôi chẳng biết tính sao!", anh Hùng thểu não.
Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, giống như nhiều gia đình khác, gia đình anh Hùng đều nhận được 3 tờ "chát đòi tiền" này. Khoản nợ tiền đường được ghi rõ ràng ở cuối tờ thông báo thứ ba.
Cầm tệp thông báo các khoản thu mà gia đình phải đóng hàng năm, anh Hùng bảo, anh chưa thấy nơi nào người dân phải đóng góp nhiều như ở quê anh.
"Đây các anh xem, đóng góp thế này thì nhà nghèo như tôi theo sao nổi!", anh Hùng bức xúc.
Căn cứ vào những tờ "chát đòi tiền" của gia đình anh Hùng thì giống như xã Hưng Lộc (Hậu Lộc), xã Trường Sơn cũng tiến hành thu các khoản đóng góp hàng năm của người dân vào hai đợt.
Đợt thứ nhất là vào đầu tháng 6, đợt hai vào trung tuần tháng 10.
Tuy giống nhau về kiểu thu nhưng lượng tiền mỗi hộ dân ở Trường Sơn phải đón khủng khiếp hơn rất nhiều và trong đó, có những khoản mà đến giờ nhiều người vẫn không hiểu là… thu để làm gì!
Anh Hùng cho biết, cứ đến "mùa đóng góp" là chính quyền địa phương lại phát cho gia đình 3 tờ thông báo các khoản đóng góp được in kín trên mặt giấy A4.
Tờ thứ nhất là "Thông báo các khoản thu của xã".
Thông báo này có kèm lời mào đầu theo kiểu rào trước đón sau: "Căn cứ vào nghị quyết HĐND xã kỳ họp thứ… Theo kết quả vận động của UBMTTQ xã về việc vận động cử tri đối với các khoản đóng góp tự nguyện. UBND xã Trường Sơn xin thông báo cho gia đình ông, bà…"
"Lời mào đầu" này, theo tìm hiểu của chúng tôi, xuất hiện đều đặn trên các tờ phiếu thu từ nhiều năm trước ở địa phương này.
Căn cứ vào thông báo trên thì 6 tháng đầu năm 2016, UBND xã Trường Sơn thu của gia đình anh Hùng 4 khoản, ấy là Phí Xây dựng kênh mương nội đồng, Quỹ đầu tư công và phát triển sản xuất, Quỹ an ninh- quốc phòng, Quỹ phòng chống thiên tai.
Tờ thứ hai là phần thu của làng.
Theo đó, làng Thành Liên tiến hành thu các khoản sau: Quỹ văn hóa làng, Quỹ an ninh xã hội, Quỹ đầu sào bảo vệ - thủy lợi, Quỹ thiếu niên nhi đồng, Quỹ khuyến học, Hội phí khuyến học.
Tờ thứ ba là thông báo về các khoản thu của các tổ chức ở trong làng. Tờ này, ngoài các khoản thu để phục vụ sản xuất thì cũng xuất hiện rất nhiều loại quỹ.
Cụ thể là Quỹ theo nghị quyết đại hội đại biểu xã viên, Phí thủy nông nội đồng, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ chăm sóc bà mẹ trẻ em và người cao tuổi, quỹ khuyến học, Quỹ tổ an ninh xã hội…
Đông con, lại thêm nuôi mẹ già bệnh tật và phải gồng gánh vô số những khoản đóng góp cho làng, xã, anh Hùng bảo, nhà anh chắc chắn là... nghèo bền vững.
Anh Hùng bảo, dù năm nào cũng hai bận đóng góp nhưng nhìn vào 3 tờ "chát đòi tiền" trên, anh không thể hiểu hết "ý nghĩa" của các khoản thu đó.
Không chỉ anh Hùng mà nhiều người trong làng thừa nhận, nhiều khoản thu của địa phương cứ na ná nhau và có những khoản xã, thôn, các tổ chức đều thu. Thậm chí, có khoản có tên nhưng không biết thu để sử dụng vào việc gì.
Nhà anh Hùng có 5 khẩu (chỉ có 2 lao động), tổng các khoản phải đóng 6 tháng đầu năm 2016 là gần 1,7 triệu đồng.
Anh Hùng bảo, tuy vụ nào cũng phải đóng trên dưới 3 tạ thóc nhưng gia đình anh vẫn cố gắng làm tròn nghĩa vụ với làng, xã. Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là những khoản… vặt vãnh.
"Sợ nhất là khi xã, làng có công trình. Khi đấy thì mình đóng… kiệt sức luôn", anh Hùng chia sẻ.
"Nộp tiền sẽ được… hộ nghèo!"
Theo anh Hùng, khi có công trình cần xây dựng thì làng cứ bổ theo đầu khẩu mà thu. Trẻ con vừa mới oe oe cũng phải đóng góp không thiếu một xu như người trưởng thành (người già trên 65 tuổi vẫn phải đóng một nửa).
"Làng làm công trình từ những năm 2007 cơ, cứ công trình này nối công trình kia, chẳng vụ nào ngưng việc đóng góp cả", anh Hùng cho biết.
Anh Hùng bảo, lo các khoản đóng góp thường xuyên đã mệt nên có thêm khoản "quỹ công trình" thì gia đình anh hụt hơi.
Theo đó, dự toán các công trình trên, anh Hùng nhẩm tính mỗi khẩu nhà anh phải đóng trên dưới 6 triệu đồng. Số tiền ấy được thôn chia ra và thu dần vào mỗi vụ đóng góp.
"Cả tiền quỹ công trình, cả tiền quỹ thôn, có vụ nhà tôi đóng đến vài triệu bạc. Thôn này có gia đình phải đóng đến cả chục triệu đồng mỗi vụ ấy chứ!", anh Hùng chia sẻ.
Theo như lời con trai liệt sĩ chống Mỹ này thì vụ thu nặng nhất khiến gia đình anh "hụt hơi" là vụ đóng góp đầu năm 2014.
Năm đó, bởi phải quyết toán công trình, nên ngoài những khoản thu chằng chịt định kỳ thì mỗi khẩu ở làng phải đóng thêm gần 1,3 triệu đồng.
Nhà đông khẩu, chạy theo các khoản thu thường xuyên đã bở hơi tai, đóng thêm hơn 6 triệu đồng nữa đã khiến vợ chồng anh kiệt sức. Không biết xoay đâu ra, anh đành nợ lại.
Vậy là cộng thêm khoản nợ trước, gia đình anh Hùng nợ làng hơn 7 triệu đồng. Và, chính khoản nợ này đã khiến gia đình anh Hùng bị "tước" "danh hiệu" hộ nghèo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đợt xét duyệt vừa qua, thôn Thành Liên có 8 gia đình đủ tiêu chí hộ nghèo và gia đình anh Hùng cũng nằm trong số đó.
Không chỉ có gia đình anh Hùng, ở làng còn gia đình chị Lê Thị Soi cũng nằm trong diện "không đóng tiền thì mất hộ nghèo".
Tuy nhiên, khi nhận được "tối hậu thư" của làng, chị Soi đã chạy vạy để hoàn thành một phần khoản nợ mà gia đình mình mấy năm nặng gánh.
Vượt "cửa tử" vào phút chót, gia đình chị Soi đã "rinh" về "phần thưởng" là mảnh giấy chứng nhận… hộ nghèo, còn gia đình anh Hùng bởi không thể xoay nổi tiền nên đành bị cắt.
Ông Nguyễn Sỹ Thành, Trưởng làng Thành Liên khẳng định, gia đình anh Hùng hoàn thành các khoản đóng góp thì làng sẽ... trả hộ nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Thành, Trưởng làng Thành Liên thừa nhận, gia đình anh Hùng bị "tước" hộ nghèo chính vì… không chịu đóng số tiền nợ quỹ làng trên. "Bây giờ anh Hùng nộp tiền sẽ được hộ nghèo ngay", ông Thành khẳng định.
Cũng theo ông Thành, ông đã nhiều lần khuyên vợ chồng anh Hùng cố gắng trả bớt khoản nợ trên nhưng không có kết quả.
"Nhà anh Hùng có 5 khẩu, có nhà 9-10 khẩu vậy mà người ta vẫn đóng được. Chúng tôi đã gửi văn bản họp dân lên xã. Lãnh đạo xã bảo, cứ bao giờ anh Hùng đóng tiền đường thì sẽ bàn giao quyết định (chứng nhận hộ nghèo- PV)", ông Thành khẳng định.
(Còn tiếp)
Tác giả bài viết: Đào Tuy- Tuấn Nam