Tiếp viên của một hãng hàng không tại Nhật Bản - Ảnh: REUTERS |
Khảo sát được thực hiện trực tuyến ghi nhận câu trả lời của 1.573 tiếp viên hàng không từ các công đoàn tại Nhật Bản. Trong đó, 38% được hỏi cho biết họ từng bị chụp lén, và 33% nói rằng họ không chắc nhưng tin rằng việc này đã từng xảy ra với mình.
Số liệu trên cho thấy lượng tiếp viên cho rằng mình từng trải qua việc bị quay chụp không xin phép đã tăng 9% so với khảo sát của Liên đoàn Hàng không Nhật Bản thực hiện vào năm 2019.
Đa số các tiếp viên cho biết mình đã bị chụp lén phần mặt và toàn thân, một số khác bị chụp lén phần phía trên váy, ngực, hoặc phần cơ thể phía sau.
Phản ứng đối với hành vi này, 57% tiếp viên cho biết họ đã không có hành động gì, chỉ có một phần nhỏ đã phản ứng bằng cách cảnh cáo bằng lời nói và yêu cầu những kẻ chụp lén phải xóa hình ảnh của họ đi.
Các tiếp viên ngần ngại trong việc phản ứng vì lo ngại khả năng “hành khách cảm thấy bị xúc phạm” và gây tổn hại đến mối quan hệ vốn đã rất nhạy cảm giữa họ và hành khách.
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng”, Hãng tin Kyodo News dẫn phát biểu trong một buổi họp báo của ông Akira Naito, chủ tịch Liên minh Công đoàn.
Ông Naito cũng cho biết “các hình phạt nặng hơn” sẽ giúp ngăn cản các hành vi quay chụp bất hợp pháp.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét đưa hành vi chụp lén các hình ảnh phần phía trên váy và bộ phận sinh dục thành hành vi phạm luật hình sự của nước này.
Việc quay chụp khi không có sự đồng thuận hiện được xem là hành vi gây phiền toái theo quy định của một số địa phương tại Nhật Bản.
Vì vậy, khi hành vi này xảy ra trên một chuyến bay, cần phải xác định việc đó đã xảy ra tại khu vực của địa phương nào thì mới có thể áp dụng quy định trừng phạt của địa phương đó.
Điều này gây khó khăn cho việc xử lý các vi phạm về quay chụp lén trên các chuyến bay quốc tế. Nếu vi phạm xảy ra khi máy bay đã rời khỏi không phận Nhật Bản, sẽ không có quy định địa phương nào có thể chế tài được hành vi đó.
Tác giả: Nghi Vũ
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ