Hủ tiếu Sa Đéc
Khác với những sợi hủ tiếu ở những nơi khác, vùng Sa Đéc lại có loại hủ tiếu với hương vị riêng biệt. Các sợi hủ tiếu không dai, không có vị chua mà đổi lại rất mềm, các sợi khi nấu lên lại có màu trong. Kết hợp với nước lèo được ninh từ xương, tủy cùng các loại rau củ được người nấu tỉ mẩn canh lửa và vớt bọt nên nước rất trong, vừa ngọt thơm nức mũi.
|
Tô hủ tiếu nóng hổi ăn kèm với thịt, tim, gan… cùng các loại rau ăn kèm như giá, hẹ, cần tây và xà lách khiến người ăn khó mà cưỡng lại được. Thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng đến nhiều nơi trên thế giới và được xuất khẩu từ những năm trước năm 1975 đến nay.
Gỏi ngó sen
Điển hình đầu tiên là món gỏi ngó sen. Ngó sen sau khi rửa sạch, cắt sợi sẽ được trộn với gia vị như chanh, đường, mắm, ớt và một chút rau thơm. Khi ngó sen đã thấm đều gia vị thì người ta bắt đầu xé nhỏ thịt gà đã luộc chín ra và trộn vào cùng. Gỏi ngó sen được trộn với gà ta xé phay là có vị ngon chuẩn nhất bạn nhé. Gỏi chua chua, ngọt ngọt, cay cay lại thêm độ dai và ngọt của thịt gà, khi ăn có thể chấm thêm một chút nước mắm pha sẵn là đã ngon đủ vị.
|
Khi ăn các đặc sản này, người Ðồng Tháp thường nhâm nhi vài ba ly Hồng Sen tửu. Ðây là một loại rượu duy nhất chỉ có ở Ðồng Tháp, rượu được ướp với cánh và nhụy hoa sen khoảng 6 – 8 tháng mới mang ra dùng, khi thưởng thức người ta không thể nào quên vị cay nồng của rượu đế, thoảng chút hương hoa sen làm ấm lòng người.
Bánh xèo Cao Lãnh
Bánh xèo Cao Lãnh được làm từ bột gạo, đổ thật mỏng trong chảo nhôm, được đốt trên lò củi, ăn giòn giòn, ngon miệng. Gạo được chọn làm bánh thường là loại gạo mới, có mùi thơm. Gạo thường được mang đi ngâm, xay nhuyễn hòa với nước cốt dừa, chút muối, hành lá xắt nhuyễn.
|
Nguyên liệu cơ bản để làm nhân bánh xèo là củ sắn (củ đậu) và giá đậu xanh. Cùng với củ sắn và giá, các đầu bếp địa phương thường làm bánh xèo nhân tôm thịt và bánh xèo thịt vịt. Tôm được dùng là tôm đất hoặc tôm sú. Thịt heo chọn phần thăn để thịt mềm. Bắc chảo lên bếp, chờ chảo nóng thì tráng phần bột mỏng, sau đó cho lần lượt các loại nhân vào. Khi bánh giòn rồi thì gấp lại làm đôi. Bánh xèo dọn ra ăn kèm với rau và nước chấm, nếu bạn nếm thử một lần sẽ muốn ăn thêm lần nữa.
Chuột đồng Cao Lãnh
Chuột đồng miền Tây thường sống nhiều trên những cánh đồng lúa. Chúng đào hang ở bờ ruộng làm nơi trú ẩn, sinh sôi và phát triển. Chuột đồng xuất hiện quanh năm tuy nhiên đông đúc nhất là vào mùa nước nổi. Lúc này nguồn thức ăn của chuột chủ yếu là lúa và các loại cây mầm non nên chúng rất to, lông bóng mượt, thịt đặc biệt thơm ngon.
|
Những con chuột béo ú sau khi được bắt về sẽ được đem đi thui vàng rồi làm sạch, để cho ráo. Sau đó thịt chuột được ướp cùng với nước mắm loại ngon và các gia vị thông thường, để khoảng một tiếng cho ngấm đều gia vị rồi đem chiên trong chảo dầu sôi.
Trong quá trình chiên chuột người nấu thường để lửa liu riu cho đến khi toả mùi thơm và chuyển màu vàng để thịt chuột được giòn mà không bị khét. Món chuột đồng chiên nước mắm sẽ ngon hơn nếu chúng ta ăn kèm với xoài xanh bào sợi, muối tiêu chanh hoặc nước mắm me tùy theo khẩu vị của từng người.
Hạt sen
Đồng Tháp chính là đầm sen lớn nhất cả nước, vì thế hạt sen là đặc sản Đồng Tháp mà nhiều du khách lựa chọn để mua về làm quà. Hạt sen có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, thanh mát và bổ dưỡng.
Sen Đồng Tháp là loại thực phẩm tự nhiên, có vị ngọt, tính mát, mùi thơm đặc biệt và vị đậm đà. Sen được tận dụng để làm nguyên liệu nấu nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như chè hạt sen, canh chua ngó sen,… Không chỉ dừng lại ở đó, hạt sen tại đây còn được người dân địa phương sử dụng khá phổ biến để làm thuốc chữa bệnh giúp bổ tâm, bổ tỳ vị, an thần, có thể dùng để chữa bệnh suy dinh dưỡng, tiêu giảm chứng mất ngủ, giảm khát mùa hè, bồi dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh,… cực kỳ hiệu quả.
|
Hạt sen tươi được bóc vỏ, bỏ tim hoàn toàn được làm bằng phương pháp thủ công cùng hương vị thơm ngon hơn hẳn các vùng khác trên cả nước. Du khách có thể chọn mua sen tươi hoặc sen khô để làm quà. Sen tươi thường có thời hạn sử dụng ngắn hơn nên nếu mua về, bạn phải sử dụng luôn. Sen khô bảo quản được lâu hơn nhưng trước khi sử dụng bạn phải ngâm nước thật kĩ để hạt sen bung nở.
Cá lóc nướng cuốn lá sen non
Nếu bạn thích các món đặc sản miền Tây thì chắc hẳn cá lóc nướng không thiếu thiếu trong danh sách này. Món cá lóc đồng dù nướng theo kiểu nào đều thơm, ngon theo cách riêng. Tuy nhiên ở Đồng Tháp, người ta còn thưởng thức cá lóc nướng theo một kiểu rất “Đồng Tháp” khi kết hợp với lá sen non.
|
Nguyên liệu chính cho món đặc sản này chắc chắn là cá lóc và lá sen non. Cá lóc được rửa sạch và đem nướng trui mà không cần bỏ phần bụng. Lá sen non chọn loại vừa mới nhô khỏi mặt nước, phần tán lá còn cuốn lại. Khi ăn, từng thớ thịt cá lóc đồng nướng kết hợp với rau sống và lá sen non có chút bùi bùi rồi chấm với nước mắm me cay cay khiến thực khách khó lòng quên được.
Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn