Bạn cần biết

"3 không" khi luộc măng tươi chuẩn nhất, không lo bị đắng và độc

Từ lâu măng tươi đã là một trong những món ăn yêu thích của nhiều người. Bên cạnh một số tác dụng với sức khỏe thì măng tươi cũng không ít tác hại nếu chế biến và ăn sai cách. Bỏ túi ngay mẹo hay sau để bảo vệ sức khỏe.

Một số tác hại của măng tươi ít người biết

Mặc dù măng ngon và có một số lợi ích nhất định với sức khỏe nhưng nếu ăn măng quá thường xuyên và không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Sau đây là những tác hại của măng tươi cũng như những điều cần lưu ý khi ăn măng để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

Trao đổi với Thanh Niên Bác sĩ CKI Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, trả lời: Măng tươi chứa nhiều chất xơ, khoáng chất, vitamin và đặc biệt phytosterol - chất này có khả năng ngăn chặn cholesterol xấu.

Tuy nhiên trong măng tươi chứa nhiều cyanide. Sau khi vào cơ thể, cyanide chuyển hóa thành axit cyahydric. Đây là độc chất đối với cơ thể, gây chóng mặt, buồn nôn, nặng hơn có thể tím tái, suy hô hấp…

Thêm vào đó, để bảo quản được lâu và có màu sắc đẹp, măng có thể được sử dụng chất tẩy trắng hoặc diêm sinh (lưu huỳnh). Hai chất này độc hại với cơ thể.

Theo đó để an toàn, nên lựa chọn măng có nguồn gốc rõ ràng. Măng tươi cần được ngâm và luộc kỹ trước khi ăn. Khi luộc, mở nắp để măng bay bớt chất độc.

Khi người ăn phải măng chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc. Ảnh minh họa.

Thông thường các triệu chứng ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn món măng trong vòng 30 phút với các biểu hiện như: Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn… Trường hợp ngộ độc nặng, người bị ngộ độc có thể bị co giật, cứng hàm, duỗi cứng, suy hô hấp, tím tái, hôn mê…

Bên cạnh đó, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm càng đáng lo khi nhiều người kinh doanh sử dụng các chất để tẩy trắng măng với mục đích để bảo quản măng tươi lâu.

Mách bạn cách chế biến măng tươi để loại bỏ chất độc

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc chia sẻ với báo Công An nhân dân, để phòng tránh ngộ độc xyanua do ăn măng người dân cần chế biến măng đầy đủ trước khi ăn.

Măng nên luộc sôi kỹ (nếu có thể thì sôi trong 1-2 tiếng), măng tươi trước khi ngâm trong lọ thì thái thành các miếng nhỏ và mỏng sau đó ngâm trước trong nước trong 24h để loại bớt độc tố.

Ngoài ra, trong quá trình luộc hoặc ngâm măng ở ngoài thì cần thay nước mới nhiều lần để loại bỏ hiệu quả các độc tố (vì nước cũ có độc tố từ măng khuếch tán ra). Người dân cũng nên tránh tình huống ăn quá nhiều măng tới mức cực đoan (ví dụ ăn măng là chính và tới khi no, hoặc "ăn thay cơm").

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, măng tươi có chứa độc tố nên tuyệt đối không ăn măng sống, cần phải chế biến đúng cách trước khi ăn.

Cụ thể, để loại bỏ độc tố này khi ăn và chế biến, người dùng cần lưu ý những điều sau đây:

- Măng tươi có chứa độc tố nên tuyệt đối không ăn măng sống.

- Khi luộc, nấu măng bạn nên mở nắp nồi để chất độc có thể bay hết ra ngoài, không ngấm vào măng gây hại cho sức khỏe.

- Để măng giữ được lâu trước khi đem măng đi sấy hoặc phơi làm măng khô nên ngâm măng tươi trong nước muối.

- Khi luộc măng bạn nên luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày).

Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng đã được loại bỏ, lúc đó mới đem chế biến món ăn.

- Lưu ý trong quá trình luộc măng, bạn có thể cho thêm vài trái ớt, hoặc một nắm lá rau ngót, luộc lại 2 đến 3 lần, sau đó xả bằng nước sạch để trôi hết vị đắng.

- Quan sát những măng tre có màu trắng/vàng bất thường hoặc có mùi lạ (dấu hiệu của mùi lạ hoặc măng đã được ngâm hóa chất) thì nên loại bỏ và tuyệt đối không nên ăn.

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP