Giáo dục

286.000 thí sinh thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp: Tín hiệu đáng mừng

Theo thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT, năm nay số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia hơn 887.000, trong đó có đến 286.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 32%. Phải chăng đây là một tín hiệu đáng mừng cho “bài toán” nan giải về tình trạng cử nhân thất nghiệp?

Không ai có thể phủ nhận sức hút của tấm bằng đại học khi đỗ đại học là một dấu mốc quan trọng đặt “viên gạch” đầu tiên cho ước mơ thành công. Nhưng thực tế hiện nay, thất nghiệp đang là một nỗi sợ hãi thường trực đối với cử nhân đã ra trường và sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường. Con số thống kê hơn 200 nghìn cử nhân thất nghiệp vừa qua đã vẽ ra một viễn cảnh không hề tươi sáng cho "số phận" của tấm bằng đại học. Hình ảnh cử nhân ra trường loay hoay mãi chẳng kiếm được việc làm và những tấm bằng “xếp xó”, “cất tủ”, “làm cảnh” thật sự đã gióng lên một hồi chuông báo động mạnh mẽ về độ chênh của cán cân cung - cầu đối với tấm bằng đại học.

Đã có một thời người người nhà nhà chuộng tấm bằng đại học, xem nó như là một “tấm lệnh bài” đa năng để bước vào đời. Giấc mơ cổng trường đại học được ấp ủ mỗi ngày và bùng nổ thật dữ dội mỗi khi đến mùa tuyển sinh hằng năm. Áp lực thi cử không chỉ đổ xuống vai các sĩ tử với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng mà đó còn là một gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Bởi không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn là căn bệnh ảo tưởng về tấm bằng đại học đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận gia đình khi ồ ạt đăng kí dự thi với nhiều mục đích khác nhau: xây dựng tương lai cho bản thân và có cả suy nghĩ cho “bằng bạn bằng bè”, làm nở mày nở mặt gia đình.

Thêm vào đó là thực trạng các trường đại học, cao đẳng mở liên tục, các loại hình “hợp thức hóa” bằng đại học như từ xa, tại chức, chuyên tu… nở rộ đẩy tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” lên cao trào. Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thì vô vàn trong khi đội ngũ công nhân lành nghề cùng nguồn nhân lực chất lượng cao mà thực tiễn “khát” thì quá ít ỏi.

Lượng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp mỗi năm vẫn đều đều trong khi chất lượng thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Nghịch lí “đào tạo ngược” vẫn đang là nỗi trăn trở lớn của cả xã hội. Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì làm việc và cống hiến bằng những tri thức, kĩ năng tích lũy được trong bốn năm ngồi trên ghế giảng đường thì nay quay ngược lại học nghề kiếm việc hoặc các công ty, tập đoàn lớn tuyển dụng rồi đào tạo nghề lại cho cử nhân. Tiền bạc, thời gian, công sức đã tiêu phí một cách vô ích.

Và giờ đây, mùa tuyển sinh 2016 với những con số thống kê 286.000 thí sinh đăng kí thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp đã cho thấy một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của học sinh, gia đình và xã hội. Công tác hướng nghiệp trong trường học đã và đang phát huy tác dụng tích cực của mình trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Một mùa thi với số lượng thi sinh dự thi đại học giảm đồng nghĩa với số lượng hồ sơ ảo cùng gánh nặng chi phí thi cử giảm đáng kể. Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng.

Bằng đại học vẫn là một điểm tựa để vào đời. Nhưng đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời. Cảnh cổng các trường cao đẳng, trung cấp, các trường nghề đang rộng mở để đón chào các sĩ tử. Thành công sẽ đến khi có đam mê, sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng!

Tác giả bài viết: Thùy Mai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP