Đoạn đường nhựa thẳng tít san sát những dãy nhà cao tầng dẫn về khu trung tâm hành chính huyện đầy sôi động với kẻ buôn người bán khiến chúng tôi như lạc vào một khu đô thị sầm uất. Thế nhưng, bên cạnh sự hào nhoáng đó, khi màn đêm xuống, bức tranh tương phản càng rõ nét hơn với những mái nhà dặt dẹo nằm rải rác dưới chân đồi nằm bên cạnh UBND huyện Nghĩa Đàn.
Đoạn đường chưa đến 1km dẫn về xóm Đồng Thanh (xã Nghĩa Hội) với những đường dây điện uốn lượn trên những chân cột xiêu vẹo. Trong màn sương đêm chỉ thấy leo lét vài đốm sáng mù mờ của ánh đèn dầu.
Ông Cao Xuân Hồng (59 tuổi, xóm Đồng Thanh) bên chiếc đèn dầu thở dài: “Người ta ở tận vùng sâu, vùng xa không có điện dùng còn tin được chứ đằng này, từ chỗ nhà tôi đi ra trụ sở của UBND huyện chưa đến 1 km mà lại phải thắp đèn dầu ăn cơm thì ai dám tin. Vậy mà từ ngày kéo đường dây về (năm 1991) cho đến tận hôm nay, hàng trăm hộ dân ở xóm Đồng Thanh và Xóm Khe Bai chưa một lầnđược dùng điện một cách đúng nghĩa của việc mua – bán. Các thiết bị điện dùng chỉ được mấy hôm rồi cháy”.
Nói xong, ông Hồng chỉ ngay vào dàn máy bơm nước phủ bạt trong góc giếng ngán ngẩm: “Dàn máy bơm nước này tôi mua về để tắm cho đàn lợn mới dùng được hơn 1 tháng đã bị hỏng rồi. Lúc nào muốn bơm nước cũng phải đợi người ta đi ngủ thì máy mới đủ tải để chạy được. Riêng các cháu nhỏ trong xóm, giờ học bài của chúng là lúc 4g sáng hoặc đêm khuya”.
Cùng bức xúc về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhàn (52 tuổi, hàng xóm của ông Hồng) bày tỏ: “Thực tế, chúng tôi mua điện tại công tơ và trả tiền theo giá điện Nhà nước nhưng không được dùng điện. Trong khi đó, tất cả các chi phí về cột trụ, dây tải lẫn công tơ điện đều do bà con góp tiền xây dựng và sử dụng từ ngày kéo đường dây về cho đến ngày nay. Bên Cty cung cấp điện không hề có đầu tư gì thêm. Hiện tại, đường dây mà bà con vẫn dùng là dây trần. Mỗi mùa mưa gió là mỗi lúc lo sợ bị chập cháy điện”.
Ông Ngô Đình Xuân - xóm trưởng xóm Đồng Thanh cho biết: “Không chỉ ở xóm Đồng Thanh mà xóm Khe Bai bên cạnh cũng chung cảnh có điện nhưng không dùng được. Đây không phải là vấn đề mới mẻ mà diễn ra suốt 25 năm nay. Biết bao lần bà con kiến nghị lên trên nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa rồi đâu lại trở về đấy. Ngoài việc chờ đợi thì chúng tôi cũng không biết làm gì khác”.
Chiếc máy bơm nước của ông Hồng dùng được hơn 1 tháng đã bị cháy do điện không đủ tải.
Đất bỏ hoang vì ... không có điện
Câu chuyện tưởng như khó tin ở “khu đất vàng” quanh trụ sở UBND huyện ấy lại chính là sự thật. Ông Đậu Văn Xuân - xóm trưởng xóm Khe Bai cho hay: Khu vực đất phía xóm ngoài, quanh con đường nhựa nằm sau lưng trụ sở huyện được quy hoạch làm đất ở hiện đều đã có chủ sở hữu. “Nhưng vì đường tải điện quá yếu nên người ta còn chần chừ chưa xây nhà. Nếu như chất lượng truyền tải điện tốt thì có lẽ ở khu đất đó bây giờ nhà tầng mọc chen chúc nhau rồi chứ không để cỏ hoang như vậy”.
Cũng theo ông Xuân, đã không ít lần bà con kiến nghị lên các cấp và cũng vài lần chính quyền xã kêu gọi dân cùng góp tiền nâng cấp, đầu tư đường dây mới. Song, do chi phí đầu tư quá cao trong khi người dân cho rằng họ mua điện tại công tơ nên việc đầu tư đường dây mới phải do bên phía đơn vị bán điện chịu trách nhiệm. Vì vậy, tình trạng này chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được.
Một cây cột điện bằng sắt với đường dây điện được móc nối tạm bợ. Trong khi đó, hệ thống đường dây dẫn hiện vẫn là dây trần. Ảnh: T. Lợi
Trao đổi về vấn đề này, ông Đậu Khắc Long - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội cho hay: Từ năm 2015, HTX không còn quản lý mà chuyển giao cho bên đơn vị cung cấp là Cty Điện lực Nghệ An nên trách nhiệm thuộc về phía nhà cung cấp. Còn về phía chính quyền xã thì chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến lên huyện cũng như bên phía đơn vị cung cấp để tìm hướng giải quyết nhằm giúp bà con sớm có nguồn điện ổn định để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, việc này phải cần có sự thống nhất của bên mua và bên bán nên không thể giải quyết ngay.
Trả lời về sự chậm trễ giải quyết tình trạng trên, ông Phạm Tuấn Sơn, chánh văn phòng UBND huyện Nghĩa Đàn giải thích: “Hiện chúng tôi cũng đã tiếp nhận được phản hồi của một số địa phương về chất lượng cung cấp điện chưa đáp ứng được yêu cầu của bà con nhân dân. Trên thực tế này, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi tới các đơn vị hữu quan, trong đó có điện lực Nghĩa Đàn. Tuy nhiên, do đang trong quá trình triển khai dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng trên toàn huyện nên không thể đáp ứng ngay nguyện vọng của bà con”.
Trong thời gian chờ đợi đơn vị cung cấp có biện pháp giải quyết thì hơn 300 hộ dân nơi đây vẫn phải chấp nhận cảnh sống trong ánh sáng đèn dầu và mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất đều bị hạn chế. Thiết mong các cơ quan hữu quan nhanh chóng có biện pháp khắc phục tình trạng trên để người dân được sử dụng nguồn điện đảm bảo và an toàn.
Tác giả bài viết: Thủy Lợi