Trong tỉnh

24/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra

Chiều 24/11, tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11/2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết: Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 đạt được những kết quả khá tích cực trên nhiều ngành lĩnh vực với 24/28 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế duy trì được đà tăng trưởng, tốc độ tăng giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7,3%.

Quang cảnh phiên họp thường kỳ

Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,55%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,68% (riêng công nghiệp tăng 7,2%); khu vực dịch vụ ước tăng 8,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,0%.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 344.224,56 ha, bằng 98,37% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 1.220.983 tấn (đạt 101,75% kế hoạch), tăng 1,14% so với cùng kỳ năm 2022. Chăn nuôi tiếp tục phát triển khá, tổng đàn trâu, bò ước đạt 801 nghìn con, tăng 1,86% so với năm 2022; tổng đàn gia cầm ước đạt 36,12 triệu con, tăng 6,72% so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được quan tâm thực hiện, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò; công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y tiếp tục được đẩy mạnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 9,5% so với năm 2022; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 10,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 22,1%. Một số sản phẩm công nghiệp dự ước có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 như: Gạch ốp lát granite ước đạt 6 triệu m2, tăng 87,5%; nước mắm ước đạt 350.000 nghìn tấn, tăng 47,61%; đường ước đạt 140 nghìn tấn, tăng 36,71%; viên nén sinh khối ước đạt 310 nghìn tấn, tăng 34,78%; thức ăn gia súc tổng hợp ước đạt 200.000 tấn, tăng 32,49%;...

Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Dự kiến trong năm 2023, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 06 xã đạt NTM kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn NTM (Hưng Nguyên).

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải báo cáo tình hình đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2023 ước thực hiện 96.930 tỷ đồng, tăng 12,94% so với năm 2022. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước thực hiện 17.771 tỷ đồng, bằng 112,07% dự toán, bằng 79,02% thực hiện năm 2022. Chi ngân sách năm 2023 ước thực hiện 35.661 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục nằm trong tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước. Tính đến ngày 15/11/2023, thu hút được 15 dự án FDI và điều chỉnh vốn cho 10 dự án FDI; tổng số vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh là 1.298,07 triệu USD, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn. Các dự án FDI chủ yếu thu hút vào khu kinh tế Đông Nam với 14 dự án, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 1.292,05 triệu USD (vượt 158,4% KH).

Các ngành, các địa phương đã làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, nhất là bảo đảm an sinh xã hội. 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 43.695 người, bằng 101% so với cùng kỳ. Ước cả năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 45.500 người, bằng 101,1% so với năm 2022. Trong 10 tháng năm 2023, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 66.700 đối tượng với số tiền trên 130 tỷ đồng/tháng; tiếp nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 7.430 trường hợp.

Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để tỉnh tiếp tục tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Nghệ An trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tiếp tục tập trung khắc phục như: Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP chưa đạt được mục tiêu đề ra, tạo áp lực lớn cho việc hoàn thành các mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một số chương trình, dự án còn chậm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, công tác cải cách hành chính mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra...

Tác giả: Thúy Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP