“Miếng bánh ngon”, đại gia chiếm phần
Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Du lịch hồi đầu tháng 12, ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, cho rằng, ngành hàng không còn dư địa tăng trưởng rất lớn. So với một số nước có thị trường du lịch lớn như Thái Lan thì số hãng hàng không thường lệ của Việt Nam chưa bằng 1/3 (Thái Lan có 13 hãng thường lệ và 10 hãng thuê chuyến). Ông Kiên kiến nghị Việt Nam nên tạo cơ hội cấp phép thêm nhiều hãng hàng không mới để tham gia thị trường.
Hiện Việt Nam mới có 3 hãng hàng không thường lệ, trong đó Vietnam Airlines (bao gồm VASCO) đứng đầu phân khúc truyền thống, Vietjet Air đứng đầu phân khúc giá rẻ, tiếp theo là Jetstar Pacific. 3 hãng này đang khai thác 47 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với 18 sân bay địa phương.
Hai hãng hàng không lớn chiếm thị phần áp đảo tại Việt Nam |
Bamboo Airways vừa mới được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và tuyên bố chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh trong tháng 12 này.
Nhiều năm gần đây, thị trường hàng không Việt Nam luôn tăng trưởng hai con số. Thống kê mới nhất từ Cục Hàng không - Bộ Giao thông Vận tải, cho thấy, nửa đầu năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 25 triệu hành khách, tăng 15%.Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trườnghàng không Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Chiếm phần lớn trong “miếng bánh” hàng không béo bở hiện nay là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đáng chú ý là thị phần bay của Vietjet Air tăng rất mạnh và đang gần bám sát tổng số chuyến bay của Vietnam Airlines. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số chuyến bay của Vietjet đạt 60.362 chuyến (tăng 21,8%), chỉ kém Vietnam Airlines gần 4.000 chuyến bay.
Như vậy, kể từ năm 2012, sau chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối 2011, Vietjet Air đã đều đặn tăng trưởng, thị phần đạt trên 41%, ngang ngửa và thậm chí có thời điểm vượt cả Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, đối chiếu với các mục tiêu phát triển du lịch, dư địa cho phát triển hàng không tại Việt Nam được đánh giá vẫn còn rất nhiều và là cơ hội cho các nhà đầu tư nhảy vào “chiếm chỗ”.
Bamboo Airways đã sớm khẳng định hướng đi riêng cho mình khi chọn khai thác các đường bay liên vùng kết nối các điểm du lịch của Việt Nam với nhau, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cũng như với các quốc gia trong khu vực.
Tuy chưa bay, nhưng rất nhiều hành khách đã tò mò, quan tâm đến giá cả, độ an toàn, chất lượng dịch vụ của hãng hàng không mới này. Bởi, thêm một hãng hàng không là người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn.
Một doanh nghiệp khác đang xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là Vietstar Air. Từ năm 2016, cơ quan thẩm quyền về hàng không đã xem xét hồ sơ của hãng và đánh giá đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định, nhưng cái khó của Vietstar Air là chọn Tân Sơn nhất làm sân bay căn cứ, trong khi sân bay này đang quá tải về cả đường lăn, sân đỗ, nhà ga... Vì thế, khả năng là hãng này vẫn phải chờ.
Thêm “cá mập”, cuộc đua càng khốc liệt
Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia) vừa tái khẳng định mục tiêu đầu tư vào Việt Nam khi ký kết biên bản ghi nhớ với Hàng không Hải Âu (HAA) để thành lập hãng hàng không giá rẻ, sau 3 lần nỗ lực xâm nhập nhưng thất bại.
AirAsia vẫn đang nỗ lực xâm nhập thị trường hàng không Việt Nam |
Tổng giám đốc AirAsia, ông Tony Fernandes, nhận xét Việt Nam là một thị trường lớn với gần 100 triệu dân, còn tại Đông Nam Á tổng số dân là 700 triệu người, nên đây là cơ hội lớn họ không dễ dàng từ bỏ.
Nếu AirAsia thành công với việc đầu tư vào Hàng không Hải Âu, đây sẽ là đối thủ nặng ký đối các hãng hàng không Việt Nam. Bởi, AirAsia đang khai thác 141 chuyến bay khứ hồi hàng tuần trong tổng số 13 đường bay (trong đó có 6 đường bay độc quyền) kết nối các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,... với các thành phố lớn ở Thái Lan, Philippines. Hãng đã chuyên chở 12 triệu lượt hành khách đến và đi từ Việt Nam kể từ khi gia nhập thị trường năm 2005.
Với những ưu thế nổi bật về đường bay, về lượng hành khách nên ông Tony Fernandes tự tin giá vé của AirAsia sẽ rẻ hơn. Chưa kể, thương hiệu của hãng lớn hơn rất nhiều, độ phủ, sự phân phối cũng rộng hơn, dễ tiếp cận được khách hàng mới.
Như vậy, trong vòng 3-4 năm tới, nếu không có thay đổi từ chính sách, ngoài các giấy phép hàng không đã cấp, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 2 hãng hàng không, nâng tổng số lên 6 hãng.
Song, trước mắt, để được cấp phép và để bay được vẫn là bước thủ tục quan trọng với các hãng hàng không mới muốn gia nhập thị trường. Vì thế, ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Air, kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cấp phép cho các hãng hàng không mới. “Nước ta có 7-8 hãng hàng không là bình thường”, ông nói.
Ông Nam cũng đề nghị sửa Luật Hàng không để đưa trần đầu tư nước ngoài lên 49%, thay vì 30% như hiện nay. Theo ông, các hãng hàng không nội địa đã và đang đầu tư vào các hãng bay Thái Lan, Campuchia, ở mức 49% và bộ máy quản lý, điều hành ở các hãng này phần lớn là người Việt mà không gặp khó khăn, vướng mắc gì với các quốc gia đó. Do vậy, ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nên được đối xử tương tự.
Ngoài ra, việc quản lý các hoạt động bay hàng không chung và hạ tầng hàng không chung (sân bay chuyên dùng), theo ông Nam, nên sửa luật để đưa về Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Quốc phòng), như thế các hoạt động hàng không chung mới phát triển tốt được.
Tác giả: Ngọc Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet