Trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là cửa ngõ quan trọng của hành lang Đông - Tây.

Sáng 11/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Quý I/2022; phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và thời gian tới.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc

Hà Tĩnh có diện tích gần 6.000 km², chiếm 1,8% diện tích của Việt Nam. Dân số gần 1,3 triệu người chiếm hơn 1,3% dân số cả nước; có trên 164 km đường biên giới với nước bạn Lào; bờ biển dài 137km. Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là cửa ngõ quan trọng của hành lang Đông - Tây.

Tỉnh có nguồn tài nguyên, khoáng sản đa dạng, phong phú như: Quặng sắt, thiếc, đá granit, nước khoáng nóng, đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng, mặt nước, mặt biển…Có cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương lớn nhất Việt Nam công suất 82 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu 350.000 tấn. Có khu kinh tế Vũng Áng là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia, với nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang đầu tư các dự án trọng điểm tại Hà Tĩnh như Formosa (Đài Loan), Mitsubishi (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn PVN, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T... Đây là lợi thế quan trọng nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, thương mại, dịch vụ.

Hà Tĩnh là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”, nổi danh là đất anh hùng, đất thi nhân như danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du; Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ…Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản trường học Phúc Giang là di sản tư liệu thế giới.

Hà Tĩnh có nhiều bãi biển đẹp như Thiên Cầm, Xuân Thành, Kỳ Ninh, Đèo Con; có các khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, Kẻ Gỗ; có mỏ nước khoáng nóng Sơn Kim; du lịch kết nối vùng và liên vùng quốc tế với Lào, Thái lan…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Báo cáo tại cuộc họp, Bí Thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân năm 2021 ước đạt khoảng 5,02%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4 khu vực Bắc Trung bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 65,2 triệu đồng.

Sản xuất công nghiệp phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng gần 17% so với năm 2020. Xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50%.

Thu ngân sách dự kiến cả năm đạt 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa ước đạt 8.200 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu ước đạt 7.800 tỷ đồng.

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh tiêu biểu của cả nước có phương pháp, cách làm, chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới có 173/182 xã (tỷ lệ 95%) đạt chuẩn nông thôn mới. Có nhiều bước tiến trong cải cách hành chính, xếp thứ 8 cả nước về Chỉ số PAR Index; thứ 5 về Chỉ số SIPAS; thứ 7 về Chỉ số PAPI...

Các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, thể thao, thông tin truyền thông có nhiều tiến bộ. Công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai có hiệu quả. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được đảm bảo; chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia tiếp tục được giữ vững.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tình hình KTXH 5 tháng đầu năm 2022 dần phục hồi. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 8.600 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, tăng 53% so với cùng kỳ. Thành lập doanh nghiệp mới tăng (tăng 22% về số lượng, 43% về số vốn). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Trung Dũng cũng kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê; Việc mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng; xin chuyển đổi từ điện than sang điện khí và nâng công suất Trung tâm điện lực Vũng Áng 3; tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; ưu tiên đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 15 đoạn Lạc Thiện - Khe Giao kết nối Quốc lộ 8, qua Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc với Quốc lộ 8C và đường Hồ Chí Minh.../.

Tác giả: Vũ Khuyên

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP