Giáo dục

Hơn 40.000 giáo viên vào diện “nếu 2 năm liền không đạt chuẩn sẽ phải sang làm việc khác”

Những giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn mà không thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng chuẩn nếu 2 năm liền có kết quả đánh giá không đạt chuẩn và có 1 năm xếp mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không được bố trí giảng dạy.

Thay vào đó, sẽ được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

Thông tin này được Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo Thông tư Quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Để làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung dự thảo thông tư, báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT):

Phóng viên:- Dự thảo thông tư nói rằng phạm vi, đối tượng áp dụng là giáo viên, cán bộ chưa đáp ứng trình độ chuẩn nhưng không thuộc diện thực hiện lộ trình nâng chuẩn được đào tạo theo quy định trong các cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học, trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học hoặc cấp THCS; trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình phổ thông cấp tiểu học và cấp THCS; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.

Vậy ông có thể cho biết cụ thể những đối tượng không thuộc lộ trình nâng chuẩn gồm những ai và độ tuổi ra sao?

Ông Đặng Văn Bình: Luật Giáo dục 2019 đã điều chỉnh nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên mầm non (từ trung cấp lên cao đẳng), tiểu học (từ trung cấp lên đại học), trung học cơ sở (từ cao đẳng lên đại học). Do đó, một bộ phận nhà giáo chưa đáp ứng trình độ chuẩn phải thực hiện việc đào tạo để nâng chuẩn theo quy định của Chính phủ. Bộ GD-ĐT đã chủ trì xây dựng Nghị định quy định lộ trình thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên để trình Chính phủ ban hành, làm căn cứ pháp lý cho các địa phương, các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục và giáo viên thực hiện.

Tuy nhiên, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn nhưng không đủ số năm công tác theo quy định để tham gia lộ trình nâng chuẩn sẽ thuộc đối tượng của Thông tư này, cụ thể gồm:

Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, không còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Hơn 40.000 giáo viên không đủ số năm công tác để tham gia lộ trình nâng chuẩn

- Vậy số giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo mà không thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn này hiện nay trên cả nước là bao nhiêu, thưa ông?

Theo phương án đề xuất của dự thảo Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm chiết xuất cơ sở dữ liệu ngành giáo dục ngày 10/3/2020) là: 256.492 người (công lập: 207.606 người; dân lập, tư thục: 48.886 người). Trong đó giáo viên mầm non: 87.903 người (công lập 41.021 người, ngoài công lập 46.882 người), giáo viên tiểu học: 116.846 người (công lập 115.010 người, ngoài công lập 1.711 người), giáo viên THCS: 51.868 người (công lập 51.575 người, ngoài công lập 293 người).

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Theo số liệu thống kê, có 40.259 giáo viên, cán bộ quản lý (trong đó, mầm non: 7.207 người, tiểu học: 25.171 người, THCS: 7.881người) không phải tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo sẽ thuộc đối tượng quy định tại Thông tư quy định sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

- Nếu theo điều 3 và điều 4 dự thảo thông tư (quy định về việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo), như vậy được hiểu rằng chúng ta vẫn chấp nhận sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, thưa ông?

Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo chiều hướng tăng lên là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục phổ thông và phù hợp với xu thế về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo đó, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý trước đây đã đạt chuẩn, nay theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 thì chưa đáp ứng trình độ chuẩn. Nhưng trên thực tế, đa số giáo viên, cán bộ quản lý thuộc diện này đều là những giáo viên có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm, nhiều người là giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi và đang thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, quản lý trong các cơ sở giáo dục.

Những giáo viên, cán bộ quản lý này tiếp tục được tham gia các khóa bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Thưa ông, tại sao đối tượng của thông tư chỉ là giáo viên mầm non, tiểu học và THCS mà không có giáo viên THPT?

Theo quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019, giáo viên THPT vẫn giữ nguyên trình độ chuẩn được đào tạo như quy định của Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi 2009. Vì vậy, Thông tư này nếu được thông qua và ban hành chỉ áp dụng đối với giáo viên của các cấp học có thay đổi về quy định trình độ chuẩn được đào tạo tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

- Theo dự thảo thông tư, giáo viên trong 2 năm liên tiếp liền kề với năm thông tư có hiệu lực thi hành nếu có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác cho đến khi nghỉ hưu. Ông có thể cho biết những việc làm khác mà giáo viên có thể phải điều chuyển sang gồm những gì?

Những giáo viên này tùy vào điều kiện thực tế của từng trường mà có phương án bố trí, sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác như: phụ trách thiết bị, thí nghiệm, thư viện, giáo vụ, văn thư, thủ quỹ.

- Nếu dự thảo này được thông qua và thông tư được ban hành, những giáo viên trong diện đối tượng áp dụng liệu có gặp khó khăn trong việc đáp ứng hay không, thưa ông?

Dự thảo Thông tư không đưa ra quy định đạt chuẩn mới mà đưa ra những quy định đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo (theo Điều 72 Luật Giáo dục 2019) nhằm duy trì sự ổn định (cả về chính sách) đối với đội ngũ nhà giáo đã có nhiều năm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục. Bởi hầu hết những giáo viên này đều có thành tích và kinh nghiệm công tác (chỉ có trình độ chuẩn được đào tạo là chưa đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục 2019) nên những giáo viên, cán bộ quản lý thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này theo tôi sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, thực hiện.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Thanh Hùng (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Việt Nam Net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP