Số hóa

Hệ thống camera ở TP.HCM nhận dạng mặt người

Đến nay, Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh TP.HCM đã tích hợp hơn 1.000 camera ở các sở ngành, trong đó có nhiều camera có thể phân tích hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt.

Phó giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường giới thiệu hệ thống camera nhận dạng khuôn mặt

Ngày 12.5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố kết quả triển khai giai đoạn 1 các trung tâm thuộc Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 -2020, tầm nhìn đến 2025”. Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo đề án; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Điều hành đề án.

Tự động nhận diện, báo về trung tâm

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Dương Anh Đức cho biết qua hơn một năm thực hiện đề án trên, TP đã triển khai và đạt một số kết quả nhất định như xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư cho đề án...

Camera trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương

Đáng chú ý, Phó giám đốc Sở TT-TT Lê Quốc Cường cho hay đến nay Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh đã tích hợp hơn 1.000 camera ở các sở ngành. Trong số camera này có nhiều camera chất lượng, được thiết kế nhiều lớp ở tầm cao, thấp và trung bình, có thể giúp quan sát được mọi sự cố ở các tình huống khác nhau. “Khi có một sự cố nào đó về giao thông, an ninh trật tự thì hình ảnh camera này được hệ thống phân tích và tự động báo về trung tâm điều hành để người trực xem xét, xử lý, phân tích hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, khi muốn giám sát một người, sau khi hệ thống camera được thiết lập, chỉ cần người đó xuất hiện ở một hệ thống camera nào đó thì hệ thống tự nhận diện và báo về trung tâm điều hành. Các tính năng phát hiện đám đông, tụ tập, nhận dạng phương tiện, hành vi bạo lực, an ninh trật tự... cũng được thiết lập như vậy. Có nghĩa là sau khi được “huấn luyện”, mỗi khi ghi nhận hình ảnh trùng khớp với “huấn luyện”, camera sẽ tự động chuyển hướng để ghi nhận và gửi thông tin cho trung tâm.

Lưu ý những khu vực quan trọng

Theo ông Cường, Sở TT-TT thiết kế app (ứng dụng) trên ĐTDĐ. Lãnh đạo TP nếu cài app này trên điện thoại thì có thể nhận thông tin, xem từng camera từ trung tâm điều hành để điều phối và có phương án ứng phó. Hệ thống camera này được phục vụ cho trung tâm điều hành và trong tình huống cần thiết có thể chuyển thành trung tâm chỉ huy tình huống khẩn cấp vì đã sẵn sàng kết nối với trung tâm chỉ huy camera của công an.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong sau khi nghe báo cáo tỏ ý không hài lòng khi một sở ngành và các tổng công ty nhà nước ở TP chưa hợp tác, không chịu chia sẻ xây dựng kho dữ liệu dùng chung để phục vụ đề án xây dựng đô thị thông minh. Ông Phong yêu cầu sau hội nghị này từng sở ngành, đơn vị phải ký cam kết hoàn thành và phân công cụ thể người thực hiện đề án.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới UBND TP sẽ yêu cầu các trường mầm non nhà nước phải kết nối vào hệ thống camera của TP. Việc làm này để theo dõi mọi hoạt động ở các trường mầm non, khi có sự cố có thể trích xuất hình ảnh để làm rõ. Tuy nhiên, việc kết nối này muốn thành công thì hệ thống camera của trường phải đồng bộ. Với các trường mầm non tư thục, ông Tuyến cho biết sẽ vận động việc kết nối vào hệ thống camera của TP.

Liên quan đến hệ thống camera, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý cần xác định những vị trí quan trọng, nhạy cảm để lắp đặt camera, khi cần bật lên là thấy ngay. Camera lắp đặt tại những địa điểm này phải có chức năng nhận dạng được mặt người để đảm bảo tính an toàn của TP. Ngoài ra, cần phân quyền truy cập để lãnh đạo TP, sở ngành có thể truy cập khi cần xử lý.

Áp dụng “làn sóng xanh” trục đường từ sân bay về trung tâm

Tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho hay trong tháng 6.2019, Sở GTVT sẽ triển khai “làn sóng xanh” ở một số trục đường, nhất là từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm và trục đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ. “Làn sóng xanh” cho phép định lượng, tối ưu hóa thông tin để đưa ra phương án nếu xe chạy với vận tốc 40 km/giờ sẽ không gặp đèn đỏ. Muốn làm được điều này cần phải áp dụng như mô phỏng của trí tuệ nhân tạo. Sắp tới, Sở GTVT sẽ phối hợp với những giáo sư nghiên cứu về kỹ thuật dòng xe, lĩnh vực mô phỏng của Đại học Monash, Melbourne (Úc) triển khai “làn sóng xanh” ở những trục đường nói trên.

Sớm cập nhật dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trước mắt ban điều hành, thực hiện đề án sớm đưa vào danh mục những cơ sở dữ liệu phải cập nhật từ đây cho đến tháng 10.2019. Cụ thể, cần cập nhật toàn bộ kết luận thanh tra từ năm 2016 đến nay để người dân, báo chí theo dõi giám sát; cập nhật danh mục dự án đầu tư ở TP.HCM mà các doanh nghiệp đang thực hiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư biết tìm cơ hội hợp tác, kèm theo đó là danh mục kêu gọi đầu tư, trước mắt là danh mục 210 dự án mà TP.HCM đã công bố...

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị UBND TP.HCM cần phải sớm công bố 20 - 30 thủ tục hành chính mà sở ngành, quận huyện gửi lên; công bố danh mục, quy trình xử lý các loại hồ sơ trình lên UBND TP.HCM. Đề án cũng cần công bố dữ liệu các trường đại học, phổ thông, tiểu học, mầm non... ở TP.HCM để người học nắm thông tin về trường lớp và nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu.

Tác giả: Trung Hiếu - Trác Rin

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP