Giáo dục

Giải pháp nào để chữa bệnh "gian dối" trong giáo dục?

Ở mỗi cấp học, sự gian dối biểu hiện ở các mức độ khác nhau, từ quay cóp, đạo văn cho đến mua điểm, chạy chứng chỉ... tuy nhiên căn bệnh này không phải "vô phương cứu chữa".

"Học thật, thi thật, nhân tài thật" là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi làm việc vào tháng 5 vừa qua. Đây được coi là "kim chỉ nam" cho sự phát triển của giáo dục, bởi chỉ khi việc học đi vào thực chất thì chúng ta mới có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn nạn gian dối liên quan tới học tập, thi cử… tiếp diễn khiến chất lượng giáo dục chưa thể nâng cao.

Trao đổi với PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề này.

Gian dối nảy sinh ở nhiều cấp độ

Giáo sư nhận định thế nào về hiện tượng gian dối trong giáo dục hiện nay?

- Ở mỗi cấp học (từ tiểu học cho đến đại học), sự gian dối được biểu hiện với các mức độ khác nhau. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, chẳng có hành vi nào gian dối tới mức làm tổn thương chất lượng của ngành giáo dục bởi ở tuổi này, các em rất trong sáng.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, ở mỗi cấp học, sự gian dối được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau.

Cao hơn một chút, hành vi gian dối mà đối tượng thanh thiếu niên hay mắc phải chính là quay cóp. Tuy nhiên, chuyện học sinh quay cóp không phải bây giờ mới xuất hiện mà nó có từ thời xa xưa, bởi người ta thường nói "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Song, ngày trước, việc quay cóp bài vở không tinh vi, trắng trợn như bây giờ.

Ở bậc cao đẳng, đại học cũng xuất hiện sự gian dối trong cách học, cách làm bài. Nhiều sinh viên quá chú trọng các kỳ thi để lấy điểm số cao mà không chú tâm tới kiến thức mình thu nạp được, dẫn tới hiện tượng đạo văn khi làm tiểu luận, luận án tốt nghiệp hay nghiên cứu khoa học. Ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ… cũng xảy ra tình trạng gian dối tương tự. Bởi vậy mới xuất hiện trường hợp luận án này có nội dung na ná với luận án kia, mặc dù tên đề tài hoàn toàn khác.

Chưa dừng lại ở đó, ngành giáo dục còn nhức nhối trước một số vấn nạn tiêu cực như xin điểm, chạy chứng chỉ… để có hồ sơ học tập đẹp, thành tích cao hơn thực lực. Trường hợp này dính dáng tới đối tượng nhận hối lộ. Ví dụ như khi đi thi, các bài thi được đánh dấu riêng biệt để người chấm biết được đâu là người đã nhờ vả để có thể dung túng, ngụy tạo thành tích.

Nếu hành vi quay cóp, gian dối của học sinh chỉ với mục đích đạt điểm cao để "tránh đòn" của thầy cô, bố mẹ… thì hành vi nhận hối lộ trong học tập, thi cử kia tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều. Dần dần, hình thức, thói quen này cứ lớn lên.

Nhiều kỳ thi hiện nay đã trở thành những phi vụ mua bán. Đây là hành vi phạm pháp, hình thành dựa trên gốc rễ của lòng tham, bất chấp nhân cách và giá trị đạo đức.

Không chỉ dừng lại ở một cá nhân, hành vi này còn liên quan tới nhiều đối tượng đồng lõa, tham nhũng để thu về lợi ích. Có thể kể đến như vụ việc mua bán, gian lận điểm thi tại Hà Giang vào năm 2018, pháp luật phải vào cuộc xử lý. Càng ngày, căn bệnh gian dối này càng ăn sâu, bén rễ và khó chữa vô cùng.

Khi giáo dục xuất hiện vấn nạn gian dối sẽ gây ra hậu quả gì, thưa giáo sư?

- Tôi cho rằng, sự gian dối làm ngành giáo dục bị biến dạng, méo mó, đồng thời ảnh hưởng tới nhân cách con người. Trong nhân cách sẽ bao gồm đạo đức lẫn tài năng. Dưới tác động của môi trường giáo dục với nhiều sự giả dối, con người sẽ mang trong mình tính xấu, chữ đức vì vậy mà kém đi. Đức mà kém, thì tài năng cũng chẳng thể được công nhận.

Ngoài ra, vấn nạn này còn khiến chúng ta đào tạo ra những thế hệ ít tài năng, sau khi lớn lên không thể phục vụ được những công việc mang tính công nghệ cao và liên kết quốc tế; bởi các em phải chịu áp lực nặng trĩu căn bệnh thành tích trên vai, sự dối trá khiến kết quả của các em chỉ là ảo, không phản ánh đúng thực lực.

Nhiều người với năng lực yếu kém, song nhờ con đường chạy chọt, gian lận để trót lọt có được công ăn việc làm, thậm chí đảm nhận vị trí với trách nhiệm cực lớn. Theo tôi, điều này mang lại cái hại nhiều hơn là cái lợi, không chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân, mà còn kéo theo cả tập thể, thậm chí xã hội.

Người lãnh đạo phải thực hiện nêu gương

Theo giáo sư, trong bối cảnh hiện tại, giải pháp nào giúp ngăn chặn những hành vi giả dối đang phá hoại nền giáo dục nước nhà?

- Ở cấp độ vĩ mô, cần hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, đề bạt, bố trí cán bộ một cách tôn nghiêm, phải dựa trên năng lực, chứ không dựa trên tiêu chí bằng cấp, chứng chỉ. Hệ thống giáo dục thành công phải gắn liền với những nhà lãnh đạo nhiệt huyết, tài năng.

Thứ hai, người lãnh đạo phải thực hiện nêu gương, cho người dân thấy được rằng vai trò của mình là quan trọng nhất, đồng thời cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm về lĩnh vực mà mình đảm nhận. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh đổi mới giáo dục, xây dựng nền giáo dục thực học, thực tài.

Bên cạnh đó, muốn khắc phục "căn bệnh" gian dối trong giáo dục thì cần có sự đồng bộ, kết nối vai trò và trách nhiệm giữa ngành giáo dục với các cấp, các ngành, đơn vị thuộc cơ quan nhà nước. Một khi môi trường sư phạm trong sạch, thì xã hội cũng sẽ văn minh, và ngược lại.

Đúng là bệnh giả dối trong giáo dục đã và đang gây nhức nhối trong xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã rất nỗ lực với nhiều thành tích đáng để tự hào…

- Cái gì cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh những điều chưa được tốt đẹp, thì tôi phải khẳng định rằng, ngành giáo dục nhiều năm trở lại đây đã có nhiều "điểm sáng" và thành tựu nổi bật.

Tôi lấy ví dụ như phổ cập giáo dục, ngành giáo dục nước ta đã làm rất tốt và hiệu quả. Trong đánh giá về phát triển thiên niên kỷ, những nhà lãnh đạo quốc tế đều thừa nhận rằng, nền giáo dục Việt Nam rất bình đẳng về giới tính, tất cả trẻ em gái hầu như đều được đi học, và tỷ lệ nữ sinh viên trong các trường đại học ngày càng lớn, đặc biệt tại các trường Sư phạm. Điều ấy chứng tỏ rằng, nền giáo dục chúng ta vừa phổ cập, vừa đại chúng, đồng thời quan tâm và chú trọng đến bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh tài năng, trở thành nguồn nhân lực trọng yếu trong xã hội hiện tại. Những bước tiến về văn hóa, công nghệ và kỹ thuật đều có sự đóng góp tích cực của những công dân thuộc thế hệ mới.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang mở ra thời kỳ mới, thời kỳ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ta đang hướng tới tìm hình mẫu người công dân mới trong giáo dục. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí công dân học tập. Đây là mô hình con người Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tôi cho rằng, nếu bộ tiêu chí này bắt đầu từ năm 2022, đồng thời việc triển khai được thực hiện đại trà và đồng bộ, thì chỉ khoảng 5 năm nữa thôi, chúng ta sẽ có một mẫu người học tập thường xuyên, học tập suốt đời, đúng với yêu cầu của một xã hội học tập tại Việt Nam.

Mặc dù mô hình công dân học tập này vẫn đang trong quá trình xem xét và đánh giá, song nội dung mà mô hình này mang đã thể hiện năng lực, khả năng của một công dân trong thời đại số.

Nếu công dân học tập có được năng lực và kỹ năng sử dụng công nghệ, cùng với những phẩm chất đạo đức cần thiết, thì có thể đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia. Trước mắt, trong vòng 5 năm tới, chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo nên một chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, như là quyết định 749 mà Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020.

Giáo dục Việt Nam sẽ trở lại như một bông hoa

Thưa Giáo sư, với những thành tựu mà ngành giáo dục Việt Nam đã, đang và sẽ đạt được, liệu rằng chúng ta có quyền kỳ vọng về việc sẽ đẩy lùi được những tiêu cực nói chung và vấn nạn giả dối trong giáo dục nói riêng?

Câu chuyện mà chúng ta đang đề cập tới là vấn nạn gian lận, nó làm méo mó và biến dạng nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây không phải căn bệnh "vô phương cứu chữa", và nó không thể kéo dài mãi mãi. Bởi trong thời gian đổi mới này, khi những quy định mới về quản lý được đưa ra, chúng ta sẽ dần khắc phục được gian dối ấy, làm giáo dục Việt Nam trở lại như một bông hoa mà trước kia, Đảng và Nhà nước đã từng đánh giá.

Một lúc nào đó, chúng ta nên có những bài viết rộng rãi, chia sẻ với toàn thế giới rằng, giáo dục Việt Nam đang đi trên một con đường mới và dần đổi thay da thịt, đặc biệt là sau Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tôi luôn tin rằng Đại hội Đảng sẽ chỉ ra cho chúng ta một phương hướng mới để chúng ta phát triển cân bằng giữa giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn, giữa giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy; đồng thời đem lại nhiều thành tích như đã kỳ vọng.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Tác giả: Kiều Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP