Nhà đẹp

Cách đặt ban thờ hợp phong thủy để đón tài lộc, bình an

Khi đặt ban thờ, cần chú ý không đặt bài vị tổ tiên cao hơn tượng Thần, Phật; không đặt bàn thờ thẳng bếp và gần nhà tắm...

Đối với người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng việc đặt tủ thờ, ban thờ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Theo quan niệm của người Phương Đông nói chung, người Việt nói riêng, phòng thờ được coi là thế giới tâm linh thu nhỏ, là nơi trang trọng và thiêng liêng nhất trong căn nhà để thờ cúng, thể hiện sự biết ơn và tưởng nhớ gia tiên, những người thân đã khuất.

Đặt ban thờ hợp phong thủy sẽ giúp cho gia chủ đón nhiều tài lộc, bình an, hạnh phúc. Trái lại, nếu phạm phải những điều đại kỵ, gia chủ có thể gặp họa, vận xui trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày.

Hướng và vị trí bàn thờ

Tùy theo gia chủ, ban thờ cần có những hướng đặt phù hợp theo mệnh và theo phong thủy. Với gia chủ có mệnh hợp với hướng Đông tứ trạch thì bàn thờ nên theo hướng Bắc (Khảm), Nam (Ly), Đông Nam (Tốn) hay Đông (Chấn); còn với gia chủ có mệnh hợp với hướng Tây tứ trạch thì bàn thờ nên theo hướng Tây Bắc (Càn), Tây Nam (Khôn), Tây (Đoài) hay Đông Bắc (Cấn).

Hướng đặt ban thờ cần chú ý một số điều sau:

- Không đặt bàn thờ nhìn ra hướng Ngũ quỷ: Đông Bắc, hướng Tây Nam.

- Không đặt bàn thờ ở hướng Tây Nam nhìn ra hướng Đông Bắc.

- Không đặt bàn thờ ở Đông Bắc nhìn hướng Tây Nam.

Cách bày biện ban thờ

Ban thờ đặt trong gia đình cần tuân theo kích thước lỗ ban. Trên thước này có quy định tương ứng với các cung như: linh, phúc, sinh khí, ngũ lục, lục sát, an ấm hay họa hại… Vì vậy, phải chọn những kích thước ứng với cung cát như: sinh khí, phúc lộc, tài vượng.

Ban thờ nên có độ cao tỉ lệ với người trong gia đình, không nên làm quá cao gây khó khăn trong việc thờ cúng, nhưng cũng không nên làm quá thấp thiếu sự tôn nghiêm. Ban thờ thường có phần dưới và bên hông là tủ chứa đồ như gia phả, lịch giỗ kỵ, vàng mã, hương đèn…

Về màu sắc, không gian thờ cúng phải thể hiện được sự tôn nghiêm với những màu trầm làm chủ đạo như nâu, vàng kem, màu gỗ và màu của những bức sơn mài, hoành phi câu đối, sơn son thiếp vàng,…

Tùy theo kích thước ngôi nhà, điều kiện sinh hoạt... mà việc bày trí bàn thờ gia tiên khác nhau. Thông thường có 1 đến 3 bát hương, bát hương ở giữa thờ chung thần linh thổ địa, bát hương hai bên là thờ gia tiên và bà cô ông mãnh. Khi bố trí bàn thờ Phật cần cao hơn và tách biệt bàn thờ gia tiên.

Những điều cấm kỵ

Không đặt gần nhà tắm

Không đặt ban thờ sát nhà tắm bởi theo quan niệm, tắm rửa là việc trút bỏ ô uế, vì vậy, nếu đặt ban thờ cạnh nơi này sẽ làm mất đi tính tôn nghiêm, trang trọng.

Bài vị tổ tiên không cao hơn tượng Thần, Phật

Không nên đặt ban thờ tổ tiên đối mặt với bàn thờ Phật.

Bài vị tổ tiên không được cao hơn tượng Thần, Phật. Nếu bài vị tổ tiên đặt cao hơn tượng Thần, Phật sẽ khiến trong nhà “hạ phạm thượng”, “nô phụ chủ”, “thiên địa điên đảo”, “Nữ cường nam suy”.

Cùng với đó, không nên đặt ban thờ tổ tiên đối mặt với bàn thờ Phật.

Không đặt ban thờ thẳng bếp

Khi bạn đặt ban thờ cần nên lấy một vị trí thoáng, nhưng không được nhìn thẳng bếp và giường ngủ. Xung quanh bàn thờ cần làm rèm bằng hoa văn cổ, khi đốt hương để thờ cúng bạn kéo rèm lên, sau khi hết hương thì buông rèm xuống để đảm bảo sự thanh tịnh của nơi tôn kính.

Không đặt nơi có hướng gió

Một trong những nguyên tắc phong thủy khi đặt ban thờ là khi thiết kế hay bài trí, sắp đặt cho không gian thờ cúng bạn phải lưu ý tránh đặt bàn thờ gần luồng hút gió mạnh, gây “động” và có thể thổi tàn lửa nhang ra chỗ khác gây cháy. Đồng thời đặt ban thờ ở hướng gió cũng làm ảnh hưởng tới sự tôn kính.

Không thờ cúng từ 3 họ trở lên

Không nên thờ cùng một lúc 3 họ trở lên, thông thường là 2 họ Nội - Ngoại. Nhiều người có thói quen thờ cùng một lúc nhiều họ. Tốt nhất chỉ nên thờ họ của gia chủ. Nếu phạm phải điều này gia đình thường loạn, vận may giảm sút.

Tác giả: Lê Lan

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP