Xã hội

Tục “Trộm vợ”: Hiểu thế nào cho đúng?

Đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây tỉnh Nghệ An có một tục hôn nhân khá kỳ lạ: Đó là tục “trộm vợ”.

1: “Trộm vợ”- khởi thủy là một “mỹ tục”.

Đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây tỉnh Nghệ An có một tục hôn nhân khá kỳ lạ: Đó là tục “trộm vợ”.

Khởi thủy của tục “trộm vợ” ban đầu chỉ là một hình thức hôn nhân không trên cơ sở trình tự chung của cộng đồng. Người con trai và con gái yêu nhau, tự nguyện lấy nhau làm chồng - vợ, người con gái đã đi theo người con trai về nhà, chịu một số tục lệ thông thường để thành “dâu nhà người”… mà không qua các bước tình tự chung của cộng đồng! Những cuộc hôn nhân theo kiểu “đi tắt” như thế thường diễn ra ở những trường hợp: Khi hai người đã yêu nhau đắm say, nhưng bị một trong hai bên gia đình ngáng trở (có thể là do gia đình chàng trai (hoặc cô gái) quá nghèo, không “môn đăng hộ đối”; có thể là do cô gái bị ép duyên, buộc phải lấy một người nào đó mà mình không yêu.. vv… và… vv), thì cô gái tự nguyện đi theo “tiếng gọi trái tim mình” mà không cần phải qua một bước trình tự nào cả.

Lấy vợ kiểu như thế, đồng bào gọi là “trộm vợ”, và người vợ ấy cũng được gọi là “vợ trộm. Tuy nhiên, xét đến cùng thì đây chưa phải là “tục”, nó chỉ là một hình thức hôn nhân mà thôi, bởi xã hội người Thái ở miền Tây Nghệ An xưa nay luôn có “hịt, khoong” (ý nghĩa gần như luật tục), hình thức hôn nhân theo kiểu “trộm vợ” chưa bao giờ được quy định trong “hịt, khoong” của mường bản nào cả, cho nên không thể gọi là “tục” được. Nhưng hình thức hôn nhân theo kiểu “trộm vợ” này cứ đeo đẳng mãi trong cuộc sống của đồng bào, lâu dần đã trở thành như một tục lệ, bởi cuối cùng thì cộng đồng, dòng họ, anh em và gia đình của cả hai bên đã phải chấp nhận.
vo 1
Đón dâu

Tục “trộm vợ” của đồng bào dân tộc Thái ban đầu được xem như là một “mỹ tục”, vì dù sao thì tục này cũng đã phản ánh một thực tế của xã hội người Thái ngày xưa, khi “phép mẹ, quyền cha” trong hôn nhân của xã hội người Thái thời phong kiến còn được xem như một trái núi đá cao sừng sững trước mắt trai gái của bản mường, chưa một ai dám vượt qua được: Ca dao Thái có những bài rất xúc động, phản ánh sự khao khát tự do yêu đương, tự do mưu cầu hạnh phúc, nhưng bị ngăn cấm, bị ép buộc, bị các “thiết chế” của lễ giáo phong kiến Thái ngày xưa giăng ra như một trận đồ bát quái, khiến bao nhiêu gái trai đã lạc, đã sa vào trận: “Lòng em muốn chặt một cây/Sao cây không ngã, gió lay sớm chiều/Nơi em đã ngỏ lời yêu/Mong sớm chẳng được, mong chiều cũng không /Nơi em nước mắt lưng tròng/Mẹ cha ép gả, buộc lòng em theo”... vv.

Thực chất “phép mẹ, quyền cha” trong hôn nhân ngày xưa của xã hội người Thái chính là những “điều luật” quy định, tuy không thành văn, nhưng vô cùng chặt chẽ và hà khắc, đó là chưa nói đến những tiêu cực luôn đồng hành cùng với “phép mẹ, quyền cha”, như”: “Cưới mua, gả bán”… vv.

Tục “trộm vợ” bởi thế mà được ví như một sự “vượt rào”; “bứt phá”; một sự “phản kháng” công khai và mạnh mẽ nhất của trai gái Thái trước những hà khắc của phong kiến Thái ngày xưa, để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và người mình yêu thương.

2: Tục “trộm vợ” diễn ra như thế nào?

Như phần 1 đã nói, khi người con gái và người con trai đã phải lòng nhau, thì dù có bị ngáng trở… họ vẫn quyết đến chung sống với nhau bằng mọi giá.
vo 2 1
Tục “ki khẩu lẩu huổm” (ăn cơm uống rượu chung)

Trước khi đưa nhau trốn bố mẹ xuống sàn, người con trai (bằng mọi cách có thể) đã lén đặt lên bàn thờ của gia đình cô gái một vài lá trầu, hai trái cau và một chai rượu trắng (tục này có thể ở mỗi vùng người Thái khác nhau về vật chất, nhưng đều phải có một cái gì đó tương tự). Ngày xưa con gái Thái có tục “nặng huổng”, nghĩa là ngồi cùng các bạn gái trên nhà, thường là ở gian giữa hoặc gian ngoài cùng của một ngôi nhà sàn không có mái che, cùng nhau thêu váy bên một ngọn đèn dầu hay nến trám. Con trai bản khác thường đến chơi, nói chuyện tâm tình. Ở Tây Bắc, người Thái gọi những cuộc “nặng huổng” này là “chơi hạn khuống” - (Truyện thơ Thái “xống chụ xon xao” có những câu: “Ta yêu nhau cùng chơi “Khuống” đến gà gáy/Đeo mộng về nhà lúc trăng xế đầu non”... Đây là cơ hội tốt nhất cho một cuộc “trộm vợ” diễn ra. Mặc dầu cha mẹ cô gái có để ý, nhưng trai gái ngồi với nhau suốt cả đêm, họ phải đợi “giờ lành” để đưa nhau về nhà mình, lúc ấy đang vào thời khắc giấc ngủ say sưa nhất, không ai thức suốt đêm chỉ để canh chừng con gái của mình được, nhất khoát sẽ có một lúc sơ hở, và đó chính là cơ hội tốt nhất, cơ hội ấy đã trở thành “giờ lành” cho mãi sau này trở thành một cái tục mà bất kỳ người Thái nào cũng biết (tức là giờ Dần - chừng khoảng 4 giờ sáng. Lúc này nếu có trăng thì mặt trăng cũng đã “xế đầu non” như thơ “Xống Chụ…” đã nói). Và đây cũng là giờ “lành” nhất để người Thái đưa dâu xuống sàn sau này (cũng vậy, tục “đưa dâu qua đêm” mà báo chí hay phê phán... cũng xuất phát từ “giờ lành” này mà hai họ buộc phải ngồi với nhau thâu đêm để đợi đến giờ nhà trai đưa dâu xuống sàn, mới xong việc). Cuộc “trộm vợ” thậm chí được các bạn gái thân thiết nhất của cô gái bị “trộm” giúp đỡ rất nhiệt tình nữa, có người còn theo bạn về tận nhà của người con trai, coi như một phù dâu tự nguyện.

Dậy sáng, không thấy con gái đâu, cả nhà kiếm tìm… và khi nhìn thấy những lễ vật trên bàn thờ nhà mình (trầu, cau, rượu) thì cả nhà ai cũng vỡ lẽ rằng tối qua, con gái mình đã bị con trai bản khác “bắt trộm” mất rồi. Ai “bắt trộm” và “trộm” về nhà ai, ở bản nào? Có thể cha mẹ cô gái đã biết, hoặc chưa biết… nhưng không ai đi tìm nữa… người ta đành bất lực, cam chịu và chờ đợi mọi việc diễn ra tiếp theo.

3: Khi nệm đã thành nệm cưới, chăn đã thành chăn đôi.

Vậy là những ước mơ hạnh phúc của đôi trai gái Thái đã thành hiện thực, mặc dầu bị ngáng trở quyết liệt… nhưng cuộc “trộm vợ” đã thành công.

Về đến nhà “chồng”, người con trai lập tức đưa “vợ” vào trong buồng riêng của mình đã chuẩn bị sẵn (thường là bí mật, không cho ai biết, cũng có trường hợp đưa “vợ” về ở tạm một nhà khác là người anh em trong họ ở cùng bản để tránh trường hợp người nhà cô gái tìm đến bắt cô gái trở về nhà). Sáng ra, gia đình người con trai đã nhanh chóng làm thủ tục “ăn cơm, uống rượu chung” (tiếng Thái Tày Mường ở Nghệ An: Kin khẩu lẩu huổm) và tục “tẳng cẩu” (tức là búi tóc lên đỉnh đầu, giống như một thông tin nói rằng từ nay người con gái đã có chồng).

Sau khi hai tục đó xong xuôi, người ta trải một cái nệm mới và mắc một cái màn đen, buông màn xuống, bỏ vào trong màn đen ấy là 2 cái gối nhồi bông lau và một tấm chăn thêu mới! Cho dù chưa được ngủ với nhau ngay lúc ấy, nhưng về mặt “pháp lý” của tâm linh thì lúc này: “Nệm đã thành nệm cưới / Chăn đã thành chăn đôi” (thơ: Xống Chụ Xon Xao). Người con trai coi như đã có vợ, người con gái coi như đã có chồng, mặc dù bên nhà gái chưa biết nhưng bên nhà trai đã biết, tổ tiên, ông bà nhà trai đã nhìn thấy và Thén Na (tức ông trời) cũng đã nhìn thấy (nhìn thấy vậy thôi, nhưng chưa vị nào công nhận và nhập làm người nhà cả, nghĩa là thành một con người mới (pợ mờ) của gia đình, người mà “sống nhà chồng nuôi, chết nhà chồng chôn” - muốn được thế thì nhất khoát phải làm đám cưới. Không có đám cưới thì cũng coi như chưa thành vợ người trăm năm được). Nếu cô gái có bị cha mẹ hay người nhà mình buộc phải trở về nữa thì cũng đã “mất giá”, rất khó lấy được chồng khác, mà có lấy được chồng khác thì cũng khó mà nên cửa nhà, khó mà hạnh phúc (nhiều trường hợp, vì một lý do nào đó mà gia đình nhà gái đã quyết đưa con mình trở về nhà bằng được... và những bất hạnh thường xảy ra, có khi rất đau lòng).

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục cần thiết và quan trọng nhất cho một cuộc “trộm vợ” ở nhà mình, và khi đã chắc chắn rằng người vợ mới “bị trộm” về không còn ý nào khác nữa, thì gia đình, họ hàng người con trai mới bắt mới đầu công việc tiếp theo.
vo 3
Lễ tẳng cẩu (búi tóc lên đỉnh đầu)

4: Chịu phạt - một hình thức thỏa thuận trước “chuyện đã rồi”.

Sau cuộc “trộm vợ”, ngay trong ngày hôm ấy, gia đình, họ hàng nhà trai phải đến tại nhà của cô gái “bị trộm” để thông báo tình hình và “chịu phạt”.

Lễ vật mang theo thường là một chum rượu cần (phải đủ to vừa với hai người khiêng, không được mang chum rượu nhỏ đến); một ít tiền nong vừa đủ như dự kiến. Số người đi bao gồm: Đích thân bố đẻ của chàng trai đã “trộm” cô gái đêm qua phải đi (nếu không có cha đẻ thì bác ruột hoặc chú ruột phải đi thay) để chịu mọi trách nhiệm trước sự phán quyết của gia đình và họ nhà gái trong lễ “chịu phạt” (chàng trai không phải đi, vì đề phòng mọi chuyện bất trắc có thể xảy ra từ bên nhà gái); bác hoặc chú ruột trong họ, từ 1 đến 2 người và từ 3 đến 4 người anh em thân thích trong họ nữa, vị chi là khoảng từ 5 đến 6 người (trong đó có 2 thanh niên khiêng chum rượu cần).

Khi đến nhà cô gái “bị trộm”, chum rượu cần được đặt ở dưới cầu thang, chưa được đưa lên sàn. Người thay mặt và chịu trách nhiệm chính bên nhà trai (thường là bố đẻ của chàng trai đã “bắt trộm” cô gái đêm qua) đặt ra một cái “lễ” nhỏ, bao gồm: Một chai rượu trắng; một đĩa trầu cau gồm 6 miếng cau và 6 miếng trầu đã têm, đặt thành một hàng ngang, trầu trên, cau dưới, để đĩa hướng về phía người nhà cô gái “bị trộm” đang ngồi (thường là cha hoặc ông trưởng họ hay một bậc cao niên nào đó có trách nhiệm cao với gia đình và họ nhà gái, lúc này trong tư thế tiếp khách đến nhà thông thường, coi như chưa biết việc gì cả). Xong đó, người thay mặt gia đình nhà trai chắp hai tay trước ngực, xin được thông báo về chuyện “đã rồi” đêm qua, hiện gia đình đã làm những thủ tục như thế… như thế… bây giờ xin được phép gia đình, họ hàng nhà gái cho nhà trai được khiêng chum rượu lên nhà để “chịu phạt”.

Lúc này nhà gái mới giả vờ “ngớ ra”… một lúc sau mới trình bày quan điểm của mình về chuyện này (đã được bàn bạc thống nhất từ trước). Thường thì sẽ có 2 ý kiến xảy ra:

- Thứ nhất: Dứt khoát không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Yêu cầu nhà trai phải trả lại cô gái “bị trộm” tối hôm qua cho gia đình, nhưng vẫn phải chịu phạt.

- Thứ hai: Chấp nhận cuộc hôn nhân này và tiến hành “xử phạt” ngay tại chỗ bởi hành động “trộm vợ” của chàng trai đêm qua.

Nếu họ nhà gái đưa ra ý kiến thứ 2 (ý kiến thứ nhất thường rất ít khi xảy ra) và họ nhà trai chấp nhận toàn bộ các “hình phạt” của họ nhà gái ngay tại chỗ, thì chum rượu cần của họ nhà trai khiêng đến mới được họ nhà gái cho phép khiêng lên sàn; họ gái lúc này mới nấu cơm đãi khách, cuộc rượu cần sẽ kết thúc cuộc “chịu phạt”. Xong thì hai bên hẹn ngày làm công việc tiếp theo...

Trở lên cho thấy, không phải cuộc “trộm vợ” nào cũng đều được chấp nhận, tuy nhiên ý kiến thứ nhất như đã nói ở trên cũng chỉ là hạn hữu, rất ít khi xảy ra, mà có xảy ra thì cũng chỉ là một cách thức “hù dọa” của nhà gái để trên cơ sở ấy mà “vòi vĩnh” thêm (tiêu cực này đôi khi không phải gia đình cô gái “bị trộm” đặt ra, mà chỉ anh em trong họ hàng đặt ra mà thôi). Còn nếu theo ý kiến thứ hai thì cuộc “hội đàm” sẽ diễn ra như sau: Bên nhà gái thường có 3 điều “phạt” đặt ra buộc nhà trai phải chấp nhận, đó là:

1: Phạt vì “muốn lấy không hỏi, muốn ăn không đòi” (tiếng Thái Tày Mường: Dặc kin bỏ hảy, dặc đảy bỏ thám): Tội này phải 1 nén bạc trắng (bây giờ quy thành tiền giấy, thường là từ 2-3 triệu đồng) mới xong.

2: Đưa nhau xuống sàn không được ý kiến của cha mẹ, làm cha mẹ phải kiếm tìm, lo lắng: Tội này phải một đôi vòng tay bằng bạc (ngày nay chừng từ 1 đến 2 triệu đông) mới xong.

3: Chưa có ý kiến của nhà gái mà đã tổ chức lễ “tẳng cẩu” và làm lễ “ăn cơm, uống rượu chung”, mắc màn đen, trải nệm và đắp chăn chung, khiến con gái của người ta mất giá: Tội này phải một con trâu đực sừng nhú ngang tai (bây giờ cỡ khoảng 8-10 triệu đồng) mới xong.

Tổng cộng các tội bị phạt khoảng 15 triệu đồng tiền ngày nay!

Tuy nhiên đó là bên nhà gái đòi “phạt”, còn bên nhà trai cũng có “bài bản” của mình, người ta bám vào cái “chuyện đã rồi” để “mặc cả” với nhà gái, sau đó đưa ra mọi thứ hoàn cảnh để xin xỏ, tạo lòng thương và thông cảm, bất nhược vì hoàn cảnh mà phải làm như thế này mà thôi… vv… và…vv

Cuộc “mặc cả” trong lễ vật phải “nộp phạt” này có khi kéo dài hàng tiếng đồng hồ, khá căng thẳng… nhưng kết cục, thường thì cả hai bên đều nhường nhịn nhau, thông cảm cho nhau, bên phạt thì lấy cớ như trên để nói cho thiên hạ biết rằng con gái của họ còn trong trắng, chỉ vì quá yêu người con trai ấy mà nên nỗi, chứ chẳng rẻ rúng gì, nếu không “hét phạt” cho cao, bên nhà trai lại tưởng con gái của mình chỉ mong có thế và đã hết đường lấy chồng rồi… từ đó mà “giơ cao, đánh khẽ”, cốt để thành thông gia là đẹp mọi bề rồi! Và khi đã thỏa thuận xong, họ nhà trai tạm bỏ ra một ít tiền trước (số tiền này sẽ được tính vào các thứ tiền khác mà nhà gái phải đòi theo tục lệ khi làm đám cưới sau đó).

Bên nhà gái sau khi nhận tiền phạt xong thì cho phép họ nhà trai khiêng chum rượu cần lên nhà. Khi chum rượu cần được mở ra, bắc cần lên rồi… thì mọi sự đã êm đẹp. Cuộc “trộm vợ” coi như đã thành công; con đường “đi tắt” của chàng trai và cô gái coi như đã đến nơi; mọi rào cản xung quanh cuộc hôn nhân này coi như đã được gỡ bỏ.

Nhà trai bắt đầu thủ tục đám cưới như dự định và hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ.

5. Sự biến tướng của tục trộm vợ: Bắt vợ - một hủ tục cần loại bỏ

Trong một thời gian khá dài, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua, tục “trộm vợ” đã gần như lắng xuống, hoặc có thì thi thoảng lắm mới thấy xảy ra ở một số bản vùng cao của người Thái mà thôi…

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội mới, nhất là từ khi đất nước ta mở cửa, hội nhập sâu vào thế giới, đời sống của mường bản dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước được nâng cao lên… thì các tiêu cực khác cũng bắt đầu phát sinh một cách vô thức, trong đó có tục “trộm vợ”.

Tuy nhiên, lúc này tục “trộm vợ” đã bị biến tướng, không chỉ ở cộng đồng dân tộc Thái, mà hầu như một số cộng đồng dân tộc thiểu số khác ở nước ta cũng có sự biến tướng này, thậm chí còn rất nặng nề, trắng trợn, đã gây ra không ít hậu quả cho người con gái, có khi đang ở tuổi vị thành niên, thậm chí có những trường hợp công an phải vào cuộc để giải quyết hậu quả: Đó là từ “trộm vợ” ngày xưa, đến “bắt vợ” ngày nay (báo chí đã đưa tin khá nhiều vấn đề này). Và đương nhiên cái việc “bắt vợ” này không được đồng bào chấp nhận, nó không phải là “tục” giống như nhiều người đã nói, thậm chí đã viết. Tệ nạn “bắt vợ” đã bị lên án kịch liệt và bị coi như một “hủ tục”: Đó là việc mà người con trai đã tổ chức “bắt” (nhân lúc cô gái ấy đang làm việc hay ở nhà một mình, ở nơi vắng người....) hoặc đôi trường hợp là “khống chế” buộc một người con gái về nhà mình, rồi tổ chức những “tục lệ” giống như “trộm vợ” ngày xưa, cuối cùng thì buộc người con gái ấy - với những lý do có khi bất khả kháng - hiển nhiên trở thành dâu, thành vợ nhà người, mặc dầu mình không được yêu thương, không thích, thậm chí chưa bao giờ biết đến con người ấy một lần nào cả.

Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người con gái cự lại việc mình bị “bắt”, bằng nhiều hình thức khác nhau như: Không chịu lễ “ăn cơm, uống rượu chung”; không chịu lễ “tẳng cẩu”; không chịu vào màn đen... và thường thì người con trai đã “bắt” cô gái phải dùng đến nhiều “chiêu”, có khi cả phạm pháp, để buộc cô gái phải chịu “khuất phục” như: Giam giữ trong buồng kín, cử người canh gác, không cho kêu khóc và tìm mọi cách để đưa cô gái vào ngủ chung trong màn đen với mình... coi như cô gái đã mất trinh, buộc phải chấp nhận mọi thủ tục. Nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra trong việc này, như: Cô gái chạy trốn rồi không dám về nhà mình, sợ mọi thứ, buộc phải ăn lá ngón tự tử hoặc trốn đi biệt quê... khi chính quyền và công an vào cuộc thì mọi chuyện đã không còn cứu vãn được nữa. Người con trai tổ chức “bắt trộm” cô gái không thành đã phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật đã đành, nhưng cả nhà, cả họ của anh ta cũng mang tiếng không tốt với mường bản, khiến cô gái nào gặp phải người con trai trong họ ấy cũng phải dè chừng...

“Bắt vợ” không chỉ được coi như một “hủ tục” xấu, mà nó còn phạm pháp nữa. Rất nhiều trường hợp “bắt vợ” đã bị pháp luật xử lý rất nghiêm minh.

Cần phải giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật về hôn nhân cho lớp trẻ thường xuyên ở trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, trước hết phải hướng tuổi trẻ ngày nay nếu buộc phải “trộm vợ” thì nên theo hướng “mỹ tục”, không để xảy ra những trường hợp “bắt vợ”, gây hậu quả xấu cho những cô gái còn đang ở tuổi vị thành niên… như các phương tiện thông tin đại chúng của nước ta đã nói rất nhiều trong thời gian qua.

(Còn tiếp)

Tác giả bài viết: Thái Tâm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP