Trong nước

Xử lý 'đại gia', cán bộ cấp thứ trưởng có tác động lớn tới dư luận xã hội

Việc xử lý một số “đại gia”, cán bộ đến cấp thứ trưởng có tác động lớn đối với dư luận xã hội, thể hiện sự cương quyết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Sáng 21/4, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội. Ông Bình cho biết, một trong số các vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm là việc xử lý của các cơ quan chức năng về hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Thảo luận cho ý kiến về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nhấn mạnh, cử tri, nhân dân quan tâm việc cơ quan chức năng xử lý một số “đại gia”, cán bộ đến cấp thứ trưởng thời gian qua. Điều này có tác động lớn đối với dư luận xã hội, thể hiện sự cương quyết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý vi phạm pháp luật không vùng cấm, không có ngoại lệ, củng cố niềm tin của nhân dân. Vấn đề này cần được thể hiện rõ nét hơn trong báo cáo.

Cũng theo báo cáo của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có giải pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Yêu cầu giải trình, nêu tên lãnh đạo tỉnh "lười" tiếp công dân

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển tổng số 2.848 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo ông Bình, qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy hầu hết các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri gửi đến, điển hình như Bộ Nội vụ giải quyết 69/69 khiếu nại, Bộ GD&ĐT giải quyết 70/70, Bộ GTVT giải quyết 79/79 khiếu nại…

Trưởng Ban Dân nguyện thông tin, đến nay đã có 2.725 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời (chiếm 95,71%), tuy nhiên vẫn còn 122 kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời. Tính đến ngày 18/4, Bộ Y tế còn 121 kiến nghị, Văn phòng Chính phủ còn 1 kiến nghị.

“Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc và cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 11 và Báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3”, ông Bình nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị nêu cụ thể nơi nào làm chưa tốt, lựa chọn lãnh đạo một số địa phương có nhiều đơn thư tồn đọng để yêu cầu giải trình để tránh đơn thư đi lòng vòng.

“Chủ tịch UBND tỉnh dành thời gian tiếp công dân thế nào, năm qua tiếp mấy buổi và giải quyết được bao nhiêu việc? Yêu cầu giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cung cấp thông tin công khai cho cơ quan báo chí để tạo chuyển biến tích cực hơn”, ông Bùi Văn Cường nêu.

Tại phiên họp, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công an đã nhận được 121 kiến nghị của cử tri, trong đó 100 kiến nghị từ Ban Dân nguyện, 21 kiến nghị do Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chuyển đến.

Trong đó tập trung phản ánh về các vấn đề: Đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo ANTT; các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm giết người, cướp tài sản, cờ bạc, tội phạm có tổ chức, các băng nhóm đòi nợ thuê, "xã hội đen", "tín dụng đen", cho vay nặng lãi…

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP