Nhân ái

Xót thương cậu học trò nghèo hiếu thảo đuối nước khi cùng ông đi câu cá

Cậu học trò nghèo hiếu thảo cùng ông nội đi cắm câu kiếm cá về nấu ăn cho cả gia đình nghèo không may trượt chân, rơi xuống suối đuối nước tử vong.

Di ảnh của cậu học trò hiếu thảo Lê Đức Trọng Hiếu bị đuối nước khi cùng ông đi câu cá mưu sinh - Ảnh: NGỌC LINH

Những ngày qua, cả ban giám hiệu Trường tiểu học Hồng Vân (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) vẫn chưa hết đau lòng trước sự ra đi của em Lê Đức Trọng Hiếu (học sinh lớp 2 của trường) bị đuối nước vào hôm 24-5 vừa qua.

Ai cũng xót thương cho cậu bé nghèo hiếu thảo, vì hoàn cảnh mà gặp chuyện không may trên bước đường mưu sinh.

Cậu học trò nghèo hiếu thảo bị đuối nước

Cô Võ Thị Thúy (hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Vân) rơm rớm nước mắt kể về hoàn cảnh của em Hiếu. Mẹ em bỏ đi từ khi Hiếu vừa 6 tháng tuổi. Bố em rời quê vào TP Đà Nẵng làm thuê để có tiền nuôi con.

Hiếu ở với ông bà nội trong một ngôi nhà cấp 4 tồi tàn và cũng thuộc diện nghèo nhất thôn Ca Cút 2 (xã Hồng Vân).

Ông nội em là Lê Văn Ngột năm nay 63 tuổi. Ông Ngột bị ù tai và mù một mắt, mắt còn lại bị mờ - di chứng của một vụ tai nạn bom mìn sau chiến tranh.

Ngoài khoản trợ cấp khuyết tật hằng tháng ít ỏi, hằng ngày ông Ngột phải xách cần câu cá đi đến con suối gần nhà để cắm câu, kiếm cái ăn qua bữa.

Sợ ông lọ mọ không thấy đường trượt ngã, Hiếu xin đi theo làm tai mắt dẫn đường ông đi cắm câu, kiếm cá về cho cả gia đình cùng ăn.

Đã nhiều năm nay, bất kể nắng mưa, hình ảnh hai ông cháu dắt tay nhau đi về phía con suối gần bản từ tờ mờ sáng đã không còn xa lạ với bà con ở thôn Ca Cút 2.

Căn nhà cấp 4 tạm bợ của ông cháu cậu học trò nghèo Lê Đức Trọng Hiếu ở bản Ca Cút 2, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế - Ảnh: NGỌC LINH

Họ thương thằng Hiếu hiếu thảo đúng với cái tên, thương gia cảnh đói nghèo nhưng không đầu hàng số phận. Nhưng ở cái bản miền núi ai cũng nghèo, họ chỉ biết để cái thương trong bụng mà không giúp được gì nhiều.

Khó khăn là vậy mà chưa bao giờ Hiếu đến trường muộn giờ học, dù ngày nào em cũng phải dậy từ 4h sáng đưa ông đi cắm cần câu cá, rồi đến trưa lại cùng ông đi thu cần.

"Ở trường, ai cũng biết tấm lòng hiếu thảo và ý chí vượt khó của Hiếu. Dù học lực của em ở mức bình thường nhưng với hoàn cảnh như vậy em đã rất nỗ lực. Đặc biệt, Hiếu là học trò rất ngoan, lễ phép và hiểu chuyện. Ấy vậy mà ông trời…", cô Thúy bật khóc.

Hình ảnh cuối cùng của cậu học trò nghèo còn lưu lại trong tim cô hiệu trưởng khiến cô không kìm được nước mắt.

"Trước hôm Hiếu gặp nạn, lớp em tổ chức tổng kết và liên hoan ngọt cuối năm. Khi cô giáo phát cho mỗi em một lon nước ngọt để uống, Hiếu nói em không uống, mà để dành đem về cho ông nội vì em thương ông nhất", cô Thúy kể.

Cả bản xót thương

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè 24-5, như thường lệ, Hiếu cùng ông nội dắt nhau ra phía con suối gần bản cắm câu đặng kiếm cá, mò cua, bắt ốc cho bữa cơm trưa.

Khi đến suối, ông Ngột cắm cần câu, còn Hiếu tranh thủ mò cua, bắt ốc. Khi đến đoạn suối sâu, Hiếu chẳng may trượt chân và bị đuối nước. Dù Hiếu kêu cứu nhưng ông Ngột bị điếc, không nghe thấy gì...

Phải mất hồi lâu, qua ánh nhìn mờ ảo của con mắt còn lại, ông Ngột không thấy cháu đâu nên đã lần đường về bản để gọi mọi người đi tìm. Mất nhiều tiếng đồng hồ sau, dân bản mới tìm thấy Hiếu dưới đoạn suối sâu gần đó, cơ thể đã lạnh ngắt.

Cả bản Ca Cút 2 lúc đó buồn lắm. Ai cũng thương cho thằng bé hiếu thảo nhưng đoản mệnh. Họ đưa em về căn nhà xập xệ ở lưng chừng đồi để làm tang lễ cho em.

Sau sự ra đi của cháu, ông Ngột như người mất hồn. Ông Ngột tự trách mình, vì tàn tật nên đã không nghe thấy tiếng kêu cứu của cháu trai.

"Lúc đưa cháu về, gia đình nghèo không có tiền để mua nổi áo quan cho cháu. Nhà trường đã đề nghị xin được đứng ra làm đám cho em Hiếu và tiễn em một đoạn cuối", cô Thúy chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một khoản tiền giúp gia đình em Hiếu vượt qua nỗi đau.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (bìa trái) trao tiền hỗ trợ cho gia đình em Lê Đức Trọng Hiếu - Ảnh: NGỌC LINH

Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương có giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước, nhất là trong dịp hè.

"Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương cần dựng các biển cảnh báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, để không còn những cái chết thương tâm, đau lòng xảy ra với trẻ em", ông Hùng nói.

Tác giả: NHẬT LINH - NGỌC LINH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP