Trong tỉnh

Xi măng Sông Lam xây dựng sai quy hoạch: Phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ

Khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2017 nhưng một số hạng mục tại Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết vẫn chưa hoàn thiện. Trong quá trình xây dựng, đơn vị này đã để xảy ra vi phạm quy hoạch, bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tháo dỡ nhưng đến nay, doanh nghiệp không chịu tháo dỡ mà vẫn đang sử dụng các hạng mục này phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết (thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam). Ảnh: Điền Bắc.

Yêu cầu tháo dỡ

Từ cuối tháng 4/2017, dây chuyền của Trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết, thuộc Công ty CP Xi măng Sông Lam - Tập đoàn Xi măng The Vissai đóng tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (viết tắt là Xi măng Sông Lam) chính thức đi vào vận hành. Trong quá trình hoạt động, một số hạng mục cần thiết cho trạm nghiền vẫn phải tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, mới đây qua kiểm tra, rà soát, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến dự án này.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, tại công văn số 5281 ngày 29/6/2023 về việc xem xét đề nghị của Xi măng Sông Lam, sau khi tiến hành rà soát tổng thể các nội dung liên quan đến quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết. Qua đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã báo cáo UBND tỉnh Nghệ An cho thấy: Từ việc kiểm tra, rà soát và đối chiếu, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã phát hiện Xi măng Sông Lam xây dựng 7/37 hạng mục sai quy hoạch gồm: Kho vật tư thiết bị; kho chứa chất thải; kho than; trạm rót clinker; xilo xi măng… Tổng diện tích sai phạm hơn 2.000m2.

Đặc biệt, có 10 hạng mục Xi măng Sông Lam xây ngoài quy hoạch gồm: Trạm định lượng xi măng B (diện tích 1.244,5m2); trạm điện phục vụ trạm định lượng B (diện tích 315,0m2, cao 1 tầng); két tro bay R=6,046m (diện tích: 260m2); xilo clinker D45m (diện tích: 1.589m2); trạm điện nhà nghiền (diện tích: 316,69m2, cao 1 tầng); bể chứa nước sản xuất (diện tích: 180m2, cao 1 tầng); kho vật tư (diện tích 756m2, cao 1 tầng); kho phụ gia trợ nghiền (diện tích: 126,31m2, chiều cao 1 tầng); kho cơ khí (diện tích: 163,59m2, cao 1 tầng) và trạm biến tần (diện tích 100,81m2, cao 1 tầng). Tổng số diện tích vi phạm hơn 5.000m2.

Sau khi kiểm tra, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc để xử lý. Trên cơ sở này, ngày 27/5/2023, UBND huyện Nghi Lộc đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng số 05/BB-VPHC và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng tại quyết định số 1586 ngày 2/6/2023 đối với Xi măng Sông Lam.

Cụ thể, tại quyết định số 1586, UBND huyện Nghi Lộc đã xử phạt Xi măng Sông Lam về hành vi vi phạm hành chính xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được phê duyệt, quy định tại Khoản c, điểm 9, Điều 16, Nghị định 16 ngày 28/1/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng với số tiền 170 triệu đồng. Đồng thời, buộc phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm (trường hợp không được cấp có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh quy hoạch) trước ngày 30/11/2023.

Ngày 19/9, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Bá Điệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Sau khi phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam kiểm tra, rà soát trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết, UBND huyện Nghi Lộc đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đơn vị này. “Riêng việc tháo dỡ, đến nay Xi măng Sông Lam vẫn chưa thực hiện, dù đã hết thời hạn điều chỉnh quy hoạch”- ông Điệp nói.

Chưa được điều chỉnh quy hoạch

Vẫn theo ông Nguyễn Bá Điệp, đến nay, Xi măng Sông Lam chưa phá dỡ các công trình, phần công trình vi phạm. Thực tế, các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam do Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý, cấp huyện chỉ phối hợp. Việc chủ đầu tư chưa tháo dỡ vì hiện họ đang xin điều chỉnh quy hoạch.

Tại văn bản số 1748 ngày 27/10/2023 của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam nêu: “Nguyên nhân của việc xây dựng một số hạng mục sai, khác với quy hoạch và ngoài quy hoạch được duyệt tại dự án trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết của Xi măng Sông Lam là do tính cấp thiết của dự án, cần phải sớm có sản phẩm của nhà máy phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu? Do công nghệ sản xuất xi măng theo hệ thống dây chuyền đồng bộ, cần phải đầu tư tập trung để vận hành sản xuất thông suốt. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh nên quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý bị gián đoạn triển khai không kịp thời”.

Ông Phạm Văn Nhật - Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho rằng: Vi phạm của Xi măng Sông Lam tại dự án Trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết đã được làm rõ. Về các công trình vi phạm, Xi măng Sông Lam chưa chịu tháo dỡ là do doanh nghiệp này đã có văn bản xin gia hạn điều chỉnh quy hoạch. “Hiện chủ đầu tư (Xi măng Sông Lam) đã trình UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn chưa được chấp thuận”- ông Nhật nói.

Nhưng điều đáng nói ở đây là, căn cứ quyết định xử phạt số 1586 ngày 2/6/2023 của UBND huyện Nghi Lộc đối với Xi măng Sông Lam thì nếu không được UBND tỉnh Nghệ An cho phép điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa các hạng mục vi phạm thì doanh nghiệp này buộc phải tháo dỡ chậm nhất vào ngày 30/11/2023. Vậy nhưng, trong gần nửa năm trời, tính từ ngày 2/6/2023 đến cuối tháng 10/2023, dường như Xi măng Sông Lam không có động thái gì về việc khắc phục sai phạm ngoài việc nộp phạt bằng tiền? Bởi, phải đến ngày 27/10/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam mới có công văn số 1748 gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc xin điều chỉnh quy hoạch đối với Trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (cuối tháng 9/2024), UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa đồng ý về việc xin hợp thức hóa sai phạm của Xi măng Sông Lam.

UBND tỉnh Nghệ An giao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp cùng UBND huyện Nghi Lộc và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, làm rõ nội dung điều chỉnh quy hoạch, đánh giá sự phù hợp với chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án, biện pháp khắc phục tại quyết định số 1586/QĐ-XPHC của UBND huyện Nghi Lộc, báo cáo UBND tỉnh Nghệ An theo quy định.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP