Trong tỉnh

Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp do thiếu lãnh đạo, thanh tra, giám sát

Chiều 26/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới và công tác bảo đảm TTATGT tại các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Quá trình xử lý các vi phạm về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới với 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Mục tiêu của công tác bảo đảm TTATGT là: “Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông”.

Đ/c Trần Tuấn Ngọc – Phó Giám đốc Công an tỉnh quán triệt nội dung thực hiện, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg

Quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10/CT-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 06/5/2023 để tổ chức triển khai thực hiện. Kế hoạch xác định công tác bảo đảm TTATGT là nội dung đặc biệt quan trọng; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân; phấn đấu đạt mục tiêu khắc phục ùn tắc giao thông, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông. Cụ thể hoá các nhiệm vụ được giao và xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg là nội dung trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, sát hợp với thực tiễn.

UBND tỉnh xác định 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, tập trung triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT. Các Sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình hình TTATGT phức tạp do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực về giao thông. Quá trình xử lý các vi phạm về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

Các cơ quan, đơn vị phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, quy định về công tác bảo đảm TTATGT, trọng tâm là góp ý và ủng hộ hoàn thiện Dự án Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ. Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phát hiện và tham mưu chỉ đạo khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn”, “điểm bất cập về hạ tầng giao thông” và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện theo hướng định danh phương tiện gắn với định danh cá nhân. Nghiên cứu, thể chế hóa phương thức cấp biển kiểm soát phương tiện có giới hạn và trả phí sở hữu biển kiểm soát. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho các lực lượng chuyên trách. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông; tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự đô thị, quản lý lòng đường, hè phố.

Đ/c Lê Thanh Nghị - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh trình bày dự thảo Kế hoạch về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT tại các tuyến đường liên thôn, liên xã; các điểm giao cắt giữa các tuyến đường liên thôn, liên xã với nhau và với các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh

Đ/c Nguyễn Văn Hải – Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết sẽ chủ trì tổ chức rà soát các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông để đề ra kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục

Đ/c Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục

Xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, Kế hoạch số 328/KH-UBND là tiền đề để hoàn thành mục tiêu kìm giữ và làm giảm tai nạn giao thông

Đ/c Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Để tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 328/KH-UBND của UBND tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp thiết, là tiền đề, cơ sở để hoàn thành mục tiêu kìm giữ và tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương) một cách căn cơ, bền vững. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, nội dung và tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

Ngay sau Hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, cấp xã phải khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 10/CT-TTg, Kế hoạch số 328/KH-UBND; đồng thời tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Quá trình nghiên cứu xây dựng Kế hoạch phải bám sát các nhiệm vụ được giao để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình đơn vị, địa phương; phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình, thời gian thực hiện, tuyệt đối không xây dựng Kế hoạch theo kiểu “cho có”, sao chép lại Kế hoạch của UBND tỉnh.

Các đơn vị, địa phương quán triệt, yêu cầu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông, nhất là thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông”; tuyệt đối không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Từ đó, sớm hình thành văn hóa “Đã ra đường phải chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông” trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Ngoài các nhiệm vụ cụ thể đã được chỉ rõ tại Kế hoạch số 328/KH-UBND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan. Trong đó, Sở GTVT sớm tham mưu ban hành bộ tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thực hiện công tác bảo đảm TTATGT của Ban An toàn giao thông cấp tỉnh, cấp huyện nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu của chính quyền, địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT...

UBND các huyện, thành, thị căn cứ nhiệm vụ trong Kế hoạch của UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt lưu ý phải phát huy tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, xóm. Địa bàn nào không tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị 10/CT-TTg, để tình hình TTATGT diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng, xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh...

Trong 05 tháng đầu năm 2023, tình hình TTATGT trên địa bàn đã có những kết quả nổi bật. Kết quả xử lý vi phạm về TTATGT đạt cao; lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt 28.364 trường hợp với số tiền hơn 57,4 tỷ đồng, lực lượng Thanh tra giao thông đã xử phạt 421 trường hợp với số tiền hơn 01 tỷ đồng. Kết quả xử lý vi phạm trên các chuyên đề trọng điểm đều đạt cao, trong đó việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn 6.174 trường hợp, đã tạo nên hiệu ứng rất tích cực, thay đổi được nhận thức của người dân khi tham gia giao thông...

Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý, giải quyết được 20 điểm đen, 32 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; không xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông được kìm giữ và làm giảm 02 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, trong dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng vương và Lễ 30/4, 01/5/2023, mặc dù là kỳ nghỉ lễ kéo dài; tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức ứng trực 100% quân số, khắc phục mọi khó khăn, huy động tối đa lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT 24/24h, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP