Một cửa hàng xăng dầu ở huyện núi Tương Dương. Ảnh: Hồ Phương |
Dừng lại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu hỏi vì sao không bán E5? Khá lạnh nhạt, chủ cửa hàng ngắn gọn: Vì dân đây không sử dụng! Đề nghị đổ cho một bình xăng A95 đầy, vui vẻ hơn anh ta giải thích: "Trong xăng sinh học E5 có một lượng cồn. Nếu dùng, phải sử dụng phương tiện thường xuyên. Nếu không thường xuyên sử dụng, cồn trong xăng sẽ chuyển hóa thành nước lã, rất nguy hại cho động cơ của phương tiện. Vì thế dân trên này không sử dụng…???"
Người tiêu dùng ở huyện Tương Dương hiện đang chỉ được một chọn lựa duy nhất là dùng xăng A95. Ảnh: Hồ Phương |
Liên lạc cán bộ ở các huyện núi Quế Phong, Kỳ Sơn, được xác nhận E5 cũng “rất hiếm gặp” tại các địa phương này. Hỏi lý do tại sao?. Câu trả lời đều là: "Không biết…!!!"
Quái lạ. Dù việc thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học E5 hẵng còn những hoài nghi này nọ, nhưng về cơ bản người tiêu dùng ở thành Vinh và các huyện đồng bằng dùng E5 đến cả chục ngày.
Chả có lẽ dân miền xuôi kém “tri thức” hơn dân miền ngược? Một đàn anh giỏi giang trong lĩnh vực xăng dầu cười ruồi: Khó gì việc bóc mẽ nguyên nhân E5 không lên núi. Nó đơn giản là chỉ cần soi cơ sở hạ tầng của hầu hết các đại lý kinh doanh xăng dầu sẽ rõ!
À. Hóa ra hầu hết các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở các huyện núi chỉ có 2 cột bơm nhiên liệu. Trong đó, một cột bơm xăng và một cột bơm dầu. Lâu nay, họ chỉ kinh doanh duy nhất xăng A92. Khi A92 bị triệt tiêu, nếu kinh doanh song song hai dòng xăng A95 và E5, họ sẽ phải đầu tư thêm một cột bơm nhiên liệu.
Nói như người đàn anh giỏi giang: “Cắt thịt bản thân, dĩ nhiên chả nhà kinh doanh nào muốn… Vì vậy, dòng sản phẩm nhà kinh doanh ưu ái “lựa chọn” phục vụ người tiêu dùng miền núi là xăng A 95".
Đồng hồ điện tử bị hỏng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu niêm yết giá xăng A95 trên một tấm giấy nhỏ. (ảnh chụp tại một đại lý trên địa bàn xã Xá Lượng, Tương Dương) Ảnh: Nhật Lân |
Nghĩ, đơn giá xăng A95 là 20.690 đồng/lít, trong khi đơn giá xăng sinh học E5 là 18.600 đồng/lít. Xăng là một mặt hàng thiết yếu đối với người dân của bất kỳ vùng miền nào.
Việc phải sử dụng xăng đắt, với chênh lệch lên đến hơn 2.000 đồng/lít sẽ “bào mòn” thêm kinh tế của người dân miền ngược vốn dĩ đời sống đang rất khó khăn. Sao không nghĩ cách tạo cơ hội cho người miền ngược được quyền chọn lựa?
Tác giả: Nhật Lân
Nguồn tin: Báo Nghệ An