Nhiều đơn vị quản lý rất dễ xảy ra nhiêu khê
Trao đổi với Lao Động, ông M - một thương nhân phân phối xăng dầu - cho biết, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do Nhà nước quản lý, nên các quy định cơ chế chính sách đặt ra phải đảm bảo cho việc quản lý hoạt động này lành mạnh, phát triển, an toàn, an ninh năng lượng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay phải tuân thủ rất nhiều quy định, do nhiều cơ quan quản lý như Bộ Công an, Cảnh sát biển, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Chính vì có quá nhiều đơn vị quản lý như vậy, ông M cho rằng "rất dễ xảy ra tình trạng nhiêu khê".
"Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ - mặc dù chưa đủ điều kiện để kinh doanh về hạ tầng, cầu cảng, bồn chứa, kho, xe chở, cửa hàng và các đại lý, nhưng vẫn có cách để được cấp giấy phép - đó là thực tế. Để có được đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép thì... rất khó", ông M nói.
Một vụ xăng dầu lậu vừa bị bắt giữ ở Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến |
Theo ông M, muốn quản lý tốt xăng dầu nên để cho một đơn vị quản và chịu trách nhiệm.
"Bây giờ phải quy định khi để xảy ra sai phạm trong vấn đề kinh doanh xăng dầu thì đơn vị nào phụ trách theo chuyên môn phải chịu trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc. Tốt nhất là nên quy về một mối", ông M cho hay.
Tổng hợp các bất cập để sửa đổi
Ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, việc kiểm tra xăng dầu hiện nay gặp một số khó khăn như trên thị trường, các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm có thể lợi dụng để pha chế xăng dầu được mua khá dễ dàng, nếu các đối tượng có ý gian lận, làm giả xăng dầu thì rất dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán, chứa trữ các chất dung môi, phụ gia, chế phẩm nêu trên do nhiều cơ quan chức năng quản lý.
Theo quy định hiện nay một cửa hàng chỉ có một đầu mối vì thương nhân đầu mối phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng về hệ thống cửa hàng đại lý của mình, việc báo cáo quyết toán do cơ quan thuế thực hiện và chịu trách nhiệm, cơ quan QLTT chỉ phối hợp với cơ quan thuế trong việc dán tem cột bơm do đó cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thuế trong việc xác định gian lận thương mại của các đại lý kinh doanh xăng dầu thông qua kê khai hóa đơn và niêm phong dán tem cột bơm sẽ kiểm soát tốt hành vi này.
Về kiểm soát chất lượng xăng dầu hiện nay có rất nhiều cơ quan kiểm tra có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; theo quy định về lưu mẫu thì các lô hàng khi doanh nghiệp nhập về đều phải lưu mẫu, tuy nhiên không rõ là phải lưu bao nhiêu mẫu do vậy khi có nhiều đoàn kiểm tra thì mẫu lưu không còn để đối chứng.
Trong khi kiểm tra lấy mẫu có xác định số tồn, nhưng khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu là vi phạm thì không thể thu hồi số xăng dầu vi phạm vì lý do khi chưa có kết luận giám định thì không có căn cứ tạm giữ ban đầu.
Trong khi đó quá trình bán hàng của doanh nghiệp là liên tục nên khi có kết quả, tiếp tục làm việc với doanh nghiệp thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho Lao Động biết, việc quản lý liên quan đến xăng dầu trong thời gian vừa qua vẫn có một số thương nhân xăng dầu có dấu hiệu vi phạm theo Nghị định 83.
"Trong quá trình hậu kiểm thời gian vừa qua, kết thúc đợt 1 đã có kết quả ban đầu, sẽ báo cáo lãnh đạo bộ và các đơn vị có thẩm quyền trên tinh thần xử lý nghiêm những thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định 83, cũng như việc vi phạm pháp luật theo kiến nghị của cơ quan chuyên ngành" - ông Đông nói.
Theo ông Đông, Vụ Thị trường trong nước đang hoàn thiện Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, sau nhiều lần chỉnh sửa, đang trong quá trình xin ý kiến của các thành viên Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện tại có khoảng 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được cấp phép, khoảng 500 doanh nghiệp phân phối và 16.000 cửa hàng bán lẻ.
Tác giả: CƯỜNG NGÔ
Nguồn tin: Báo Lao Động