Pháp luật

Vụ xe Lexus của “kiều nữ” lừa đảo: Xe bị kê biên có được lưu hành?

Chiếc xe ôtô Lexus BKS 37A-862.26 của một “kiều nữ” ở Nghệ An đã bị kê biên trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng được cho là đã bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội.

Nghi vấn xe bị kê biên vẫn "tung tăng" trên phố

Ngày 18/10, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp xem xét vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Nguyễn Thúy Quỳnh ( trú tỉnh Nghệ An).

Nguyễn Thúy Quỳnh được biết đến là "ái nữ" của một ông chủ nhà hàng lớn, một trong những cơ sở kinh doanh nổi tiếng và làm ăn có uy tín nhất ở Tp.Vinh từ trước đến nay.

Bằng chiêu trò kêu gọi góp vốn buôn bán bất động sản, lấy tiền người sau trả cho người trước, Nguyễn Thúy Quỳnh được cho là đã lừa hàng chục người (có cả người thân) hàng chục tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An sau đó đã vào cuộc và nhận thấy sự việc phức tạp, liên quan đến nhiều người, với số tiền rất lớn. Ngày 17/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thúy Quỳnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng cho tại ngoại vì bị can đang nuôi con nhỏ.

Cơ quan điều tra cũng đã ban hành lệnh kê biên tài sản đối với 3 thửa đất tại Tp. Vinh và 1 thửa đất tại huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), 1 xe ôtô Lexus BKS 37A-862.26 do Nguyễn Thúy Quỳnh đứng tên, sở hữu để tránh tẩu tán, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bị hại.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu dù chiếc xe hạng sang Lexus BKS 37A-862.26 đã bị kê biên, vụ án chưa được đưa ra xét xử nhưng chiếc xe này nghi vẫn được sử dụng thường xuyên, thậm chí vài ngày nay, chiếc xe này bất ngờ xuất hiện ở thành phố Hà Nội.

Ngày 17/10, tại một bãi để xe ở quận Long Biên (Tp. Hà Nội), PV ghi nhận có 1 chiếc xe ô tô Lexus BKS 37A-862.26 đang đỗ ở đây. Bảo vệ ở đây cho biết chiếc xe này được gửi ở đây đã được một thời gian, chiếc xe này vẫn được sử dụng thường xuyên.

Chiếc xe sang Lexus 350 được phát hiện ở Hà Nội vài ngày qua.

Liên quan đến chiếc ôtô Lexus 350 đã bị kê biên, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khẳng định khi làm thủ tục kê biên, bàn giao quản lý thì cơ quan điều tra đã làm đúng theo quy định của pháp luật. "Chúng tôi làm đúng theo quy định, nếu người nào sử dụng hay vi phạm như thế nào sau khi kê biên thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", vị đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An nói.

Không được phép sử dụng tham gia giao thông

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Văn Toàn (đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết theo Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên phải là tài sản thuộc sở hữu của bị can, bị cáo. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.

Về quản lý tài sản sau khi kê biên, tài sản kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản.

Người được bảo quản mà có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hủy hoại tài sản bị kê biên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Trong vụ việc này, quá trình điều tra bị can đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự, Cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên một số tài sản, trong đó có chiếc xe ôtô Lexus thuộc sở hữu của bị can để bảo đảm bồi thường thiệt hại cho các bị hại trong vụ án. Các tài sản này được giao cho người thân (có thể là người chồng) bị can bảo quản.

Theo LS.Toàn, không được phép sử dụng xe ô tô bị kê biên tham gia giao thông

Tuy nhiên, có thể người được giao lợi dụng việc được các cơ quan tiến hành tố tụng giao bảo quản xe, người này vẫn sử dụng xe tham gia giao thông. Vậy, hành vi của người chồng có vi phạm pháp luật về bảo quản tài sản kê biên trong vụ án hình sự hay không?

Trả lời băn khoăn này, LS.Toàn cho biết Khoản 3 Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, người được bảo quản có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hủy hoại tài sản bị kê biên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Tiêu dùng được hiểu là việc sử dụng những của cải vật chất (hàng hóa và dịch vụ) được sáng tạo, sản xuất ra trong quá trình sản xuất để thoả mãn các nhu cầu của xã hội.

"Qua đó, có thể hiểu trường hợp người được giao giữ, giao bảo quản tài sản kê biên trong vụ án hình sự là xe ô tô, không được phép sử dụng xe ô tô bị kê biên tham gia giao thông", vị luật sư cho biết.

Nếu sử dụng chiếc xe tham gia giao thông thì việc sử dụng đó là trái pháp luật và có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 385 Bộ Luật hình sự. Đây là quy định kê biên tài sản trong tố tụng hình sự, khác biệt hoàn toàn với quy định tại Điều 96 Luật thi hành án dân sự 2014 về kê biên tài sản là phương tiện giao thông.

“Căn cứ quy định tại Điều 385 Bộ luật hình sự, người nào được giao giữ, bảo quản tài sản kê biên mà thực hiện hành vi tiêu dùng (sử dụng) tài sản kê biên (trong vụ việc này là chiếc ô tô để tham gia giao thông) tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm", LS. Toàn nói thêm.

Cũng theo vị luật sư này, trường hợp sử dụng ô tô là tài sản kê biên tham gia giao thông dẫn đến tai nạn, xe bị hư hỏng, bị cháy hoặc bị trộm cắp…dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Tác giả: Khánh Linh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP